Ông Hải là một trong những người bị bệnh do sử dụng quá liều thuốc chứa corticoid mà không biết.
Cũng như ông, anh Long (Phú Xuyên, Hà Nội) bị viêm đa khớp đã mua một loại thuốc chữa mà anh từng nghe nhiều người quảng cáo là rất hiệu nghiệm và chính họ đã kiểm chứng. Tuy nhiên, chỉ sau chưa đầy một tháng sử dụng, anh thấy nổi mẩn khắp người, các khớp đau nhiều hơn, đặc biệt, cân nặng tăng rất nhanh. Anh ngưng thuốc mấy tháng mà các dấu hiệu trên vẫn chưa hết. Mãi sau này, khi tham gia một diễn đàn trên mạng, anh mới được một số người có bệnh như mình chia sẻ, có lẽ anh đã uống phải loại thuốc bị làm giả, có trộn thêm corticoid vào.
Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Trường, Trung tâm dị ứng miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai, có rất nhiều người chịu tác dụng phụ khi lạm dụng corticoid hoặc dùng phải thuốc đông y trộn chất này. Thuốc bị trộn chủ yếu là các loại thuốc hen, thuốc chữa thấp khớp hay viêm xoang...
Một bệnh nhân bị Lupus ban đỏ buộc phải dùng corticoid và chấp nhận các tác dụng phụ như phù thân, mặt nặng... Ảnh: MT. |
Bác sĩ Trường cho biết, một thời gian, bệnh viện liên tục tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị tác dụng phụ của corticoid khi sử dụng thuốc chữa hen. Sau một giai đoạn dùng thuốc, các bệnh nhân này đều có chung đặc điểm là đi tiểu nhiều, mặt tròn và nặng, râu ria, tóc mọc rất nhanh, nhiều, chân tay teo lại... Có những phụ nữ còn râu ria mọc lởm chởm, tay, chân đầy lông.
Chị Như, Cầu Giấy, Hà Nội sau một thời gian dài bị chàm hành hạ, dùng đủ thứ thuốc vẫn không đỡ, đã tìm đến một cơ sở thuốc Đông Y ở khu phố cổ Hà Nội. Chị được bán cho một lọ thuốc bột, nói là thuốc đông y hoàn tán. Mấy ngày đầu uống chị thấy bệnh đỡ hẳn. Nhưng sau vài tháng, các vết chàm lại tái phát mạnh hơn. Tham khảo nhiều người cùng hoàn cảnh, chị nghi ngờ mình đã dùng phải thuốc có trộn corticoit.
Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Trường, corticoid là một loại thuốc có tác dụng giảm miễn dịch, được sử dụng cho các bệnh nhân bị Lupus hệ thống - một loại bệnh do hệ thống miễn dịch hoạt động quá mức - nên có một tác dụng phụ rất đáng sợ là làm suy giảm hệ thống miễn dịch của người sử dụng. Bởi vậy, nếu dùng không đúng, người bệnh sẽ rất dễ nhiễm các bệnh khác vì cơ chế bảo vệ của cơ thể bị yếu đi.
"Corticoid là một con dao mà cả hai lưỡi của nó đều rất sắc. Nếu biết sử dụng đúng, nó như thần dược, có thể chữa trị được rất nhiều loại bệnh khác nhau: giảm đau, tiêu viêm, kích thích ăn uống... Thuốc có tác dụng rất nhanh và mạnh. Và cũng chính vì đặc điểm này mà nó thường bị trộn vào rất nhiều loại thuốc, trong đó có thuốc đông y", ông Trường nói.
Người sử dụng các loại thuốc chứa chất này thường rất "chuộng" bởi thấy ngay tác dụng. Tuy nhiên, sẽ cực kỳ nguy hiểm nếu như dùng thuốc kéo dài và không đúng chỉ định. Những tác dụng phụ của thuốc cũng vô cùng nguy hiểm: nhẹ thì khiến người bệnh phù thũng, tăng cân, nổi mẩn... Nhưng nghiêm trọng hơn, họ có thể bị suy thượng thận, hạ canxi trong máu, loãng xương, ảnh hưởng dạ dày, tá tràng, thậm chí có thể tử vong.
"Điều đáng lo là người bệnh không thể tự nhận biết được việc thuốc có bị trộn corticoid hay không. Các dấu hiệu lạm dụng hóa chất này cũng chỉ có thể nhận ra khi nó đã phát ra ngoài", bác sĩ Trường cảnh báo.
Theo kết quả kiểm nghiệm thuốc của Viện kiểm nghiệm thuốc Trung ương, Bộ Y tế, từ 2008 đến nay có một số loại thuốc bị trộn corticoid là: Thuốc nước Hạnh Đức khu phong tê thấp thủy (của cơ sở sản xuất thuốc Y học cổ truyền Hinh Hòa), thuốc dân tộc cứu nhân vật, thuốc nước Tân Hòa truy phong tê thấp thủy...
Một dược sĩ của Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương cho biết, đây chỉ là vài trường hợp cá biệt, do một số cơ quan chức năng các địa phương thu giữ và gửi kiểm nghiệm. Theo ông, thực tế, số lượng các thuốc bị trộn corticoid bao nhiêu chưa rõ, cần có sự điều tra rộng mới có thể xác định được. Dự kiến trong năm tới, Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương sẽ dành một phần kinh phí để điều tra khảo sát tình trạng thuốc tân dược trộn trái phép trong đông dược.
Giải thích lý do vì sao nhiều loại thuốc đông y lại bị trộn corticoidcorticoid dược sĩ này cho rằng, thường các đông dược có tác dụng từ từ, thậm chí nhiều bài thuốc của các ông lang vườn còn không có tác dụng thực sự. Lợi dụng tâm lý người bệnh muốn nhanh khỏi bệnh, vừa muốn chỉ dùng đông y có nguồn gốc tự nhiên nên không độc hại, nhiều người thiếu lương tâm đã trộn thêm tân dược vào. Trong các thành phần thuốc tây, corticoid có rất nhiều tác dụng, lại hiệu quả nhanh chóng, nên bị lạm dụng cũng là điều dễ hiểu.
Theo ông, điều nguy hiểm là, khi dùng thuốc đông, mọi người thường cho là thuốc "lành" nên có thể tự dùng và dùng lâu dài được. Trong khi, bất kỳ loại hóa chất tổng hợp nào cũng đều gây ra các tác dụng phụ và khi dùng phải có liều lượng và thời gian nhất định, để giảm thiểu tác dụng phụ và cơ thể có thể đào thải được, nên cần có chỉ định và theo dõi điều trị của bác sĩ.
Riêng với corticoid thì chỉ định càng nghiêm ngặt hơn. Đây là loại thuốc nội tiết, khi dùng phải giảm liều dần dần và do bác sĩ quyết định. Chất này do tuyến thượng thận tiết ra: Khi uống vào, cơ quan sản sinh nó trong cơ thể sẽ giảm tiết chất đó. Nếu đang dùng mà ngừng lại đột ngột, thì có thể dẫn đến suy tuyến thượng thận, rất nguy hiểm. Ngược lại, nếu dùng lâu dài, cũng gây nhiều hệ lụy như các bác sĩ đã cảnh báo.
Bởi vậy, ông cho rằng, người dân cần thận trọng khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào. Tốt nhất, khi có bệnh cần đi khám và tuân theo hướng dẫn, chỉ định của bác sĩ. Không nên tự dùng thuốc kể cả thuốc đông y, đặc biệt việc tự dùng thuốc theo mách bảo của người không có chuyên môn. Khi sử dụng thuốc đông y nên đến khám tại các cơ sở điều trị được cấp phép của cơ quan quản lý y tế.
Vương Linh