Cách Tết Nguyên đán 6 tuần, Oanh quyết tâm "cải tạo" lại dáng mũi để thon gọn, mềm mại hơn, tự tin du xuân với bạn bè. Tìm hiểu trên mạng xã hội, cô chọn một thẩm mỹ viện gần nhà, được đánh giá 5 sao với nhiều quảng cáo "có cánh" và phản hồi tốt của khách hàng. Nhân viên tư vấn liệu trình giá 20 đến 30 triệu đồng, bao gồm nâng mũi và các dịch vụ hậu phẫu, chăm sóc, thuốc sau phẫu thuật để giảm sưng, tím...
Vài ngày sau ca mổ, vùng mũi của người phụ nữ sưng tấy đỏ, mưng mủ, chảy dịch và nhiễm trùng. Oanh quay lại cơ sở thẩm mỹ, yêu cầu khắc phục nhưng bị chủ cơ sở từ chối, nói lỗi do cô "không chăm sóc kỹ".
Cuối tháng 12, tiếp nhận ca này, bác sĩ Cao Ngọc Duy, Phó trưởng Khoa Hàm Mặt Thẩm mỹ, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội), cho biết bệnh nhân có biểu hiện nhiễm trùng, dáng mũi thô, xấu, cứng đờ do mổ nhiều (trước đó Oanh đã nâng mũi 4 lần) nhưng không được xử lý triệt để. Người bệnh cho biết tổng chi phí cho những lần sửa lên đến trăm triệu đồng.
"Phẫu thuật đã khó, sửa lại càng khó hơn", bác sĩ nói và thêm rằng "rất đáng tiếc" khi khách hàng vội vàng giao "mặt tiền" cho cơ sở không uy tín. Hiện, vùng mũi bệnh nhân bị co kéo, chỉ có thể xử lý phần nhiễm trùng, khi vết thương lành hẳn sẽ làm lại dáng mũi, nhưng cũng không nhiều kỳ vọng.
Trường hợp khác, nam 36 tuổi, hy vọng có chiếc mũi dáng cao, đẹp, nên đến một spa để tiêm chất làm đầy (filler) vào sống mũi. Một tuần sau, mũi của bệnh nhân trắng bệch, chuyển ửng đỏ rồi thâm dần, vừa vào Bệnh viện Da liễu Trung ương điều trị. Kết quả, người bệnh bị hoại tử toàn bộ vùng da mũi, trán và tắc một phần động mạch cánh mũi. Đáng tiếc hơn, do đến viện muộn, bác sĩ chỉ cứu được mô phía dưới, còn vùng da hoại tử sẽ để lại sẹo sâu. Nguyên nhân của trường hợp này là do người tiêm sai lớp giải phẫu.
Bác sĩ Duy cho biết tháng 12 là thời điểm vàng làm đẹp, lượng khách hàng tại khoa Thẩm mỹ của bệnh viện tăng gấp đôi. Các bệnh viện và trung tâm thẩm mỹ khác cũng ghi nhận lượng khách tăng hơn so với mùa khác. Dịch vụ thường được chọn là can thiệp không xâm lấn, không cần ăn kiêng hay nghỉ dưỡng dài ngày như tiêm filler, xóa nhăn, trẻ hóa da, căng da, nhấn mí, xăm lông mày, xăm môi, giảm mỡ bụng...
Nắm bắt nhu cầu và tâm lý muốn có diện mạo đẹp ngày Tết, các cơ sở thẩm mỹ cũng tung nhiều chương trình ưu đãi và mời chào như "làm đẹp cận tết không sưng tím, không đau", "đẹp ăn liền", "rẻ nhất quả đất"... Nhiều cơ sở đưa ra mức giá giảm 50% cho dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ, từ cắt mí, nâng mũi, tạo má lúm, cấy tóc cho đến hút mỡ, nâng ngực, nâng mông... Các dịch vụ trẻ hóa làn da như trị nám, tàn nhang, cấy mỡ, chi phí giảm sâu đến 70%. Đặc biệt, nhiều cơ sở cam kết sẽ hoàn tiền nếu không đem lại hiệu quả, khiến chị em càng bị thu hút. Chưa kể, các cơ sở thẩm mỹ còn mạo danh bác sĩ nổi tiếng để kiếm tiền, chuộc lợi.
"Thẩm mỹ là mảnh đất màu mỡ, nếu không tỉnh táo sẽ dễ lạc vào ma trận rồi rước họa vào thân, nhẹ thì nhiễm trùng, nặng có thể hoại tử và tử vong", bác sĩ Duy nói, thêm rằng đơn vị của anh gần đây tiếp nhận nhiều ca tai biến, trong đó hoại tử do tiêm filler là gặp nhiều nhất.
Tương tự, Bệnh viện Da liễu Trung ương Trung ương cũng "sửa chữa" cho nhiều ca biến chứng thẩm mỹ trong độ tuổi 20 đến 30, khi Tết cận kề. Theo bác sĩ Vũ Thái Hà, Trưởng Khoa Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ tế bào gốc, có nhiều ca nhiễm trùng không tìm ra vi khuẩn điển hình nên phải điều trị phản ứng viêm, làm kháng sinh đồ... rất mất thời gian. Nhiều trường hợp tắc mạch hay hoại tử da sau tiêm filler, phản ứng viêm nổi u hạt khó điều trị.
Từ đầu năm tới nay, cả nước đã xảy ra nhiều ca tai biến thẩm mỹ dẫn đến tử vong. Ngày 6/12, một cô gái tử vong sau khi tiêm thuốc gây tê/mê để đốt mỡ tại Trung tâm thẩm mỹ Key Beauty Center. Cơ sở này chỉ đăng ký kinh doanh chăm sóc da mặt, phun làm đẹp, chưa được cấp phép thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ. Trước đó, một cô gái 24 tuổi, ngụ quận 10 không qua khỏi sau khi ủ tê thẩm mỹ vùng lưng và một học viên thẩm mỹ 31 tuổi, ngụ quận 8, tử vong sau khi được nâng mũi, hút mỡ bụng.
Đầu tháng 12, người phụ nữ 33 tuổi ở TP HCM bị hoại tử nặng vùng mông sau khi tiêm filler tại một thẩm mỹ viện, phải mổ 4 lần với viện phí hơn 300 triệu đồng song vẫn không thể hồi phục hoàn toàn.
Theo bác sĩ Duy, "không có phẫu thuật hay thủ thuật nào là an toàn tuyệt đối". Tuy nhiên, khách hàng phẫu thuật thẩm mỹ tại các cơ sở đã được cấp phép, có đầy đủ phương tiện, trang thiết bị, quy trình cấp cứu, nhân viên y tế có chứng chỉ hành nghề, có kinh nghiệm thì nguy cơ sẽ ít đi.
Do đó, bác sĩ Duy khuyến cáo khi có ý định làm đẹp cần lựa chọn cơ sở uy tín, được bác sĩ tư vấn trực tiếp, đồng thời tìm hiểu kỹ về phương pháp, chất liệu làm đẹp cũng như nguy cơ gặp phải. Ví dụ, phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ chỉ được làm các tiểu phẫu nhỏ. Các đại phẫu như nâng ngực, hút mỡ, nâng mông... bắt buộc phải thực hiện tại bệnh viện. Hay, tiêm chất làm đầy (filler) tưởng đơn giản, song đòi hỏi người thực hiện phải là bác sĩ được đào tạo bài bản, nhiều kinh nghiệm về tiêm chất làm đầy để tránh gây tai biến như tắc mạch, hoại tử da, loét da...
Các bác sĩ khuyến cáo khách hàng không ham phẫu thuật thẩm mỹ giá rẻ và đặt cược tính mạng vào cơ sở thiếu uy tín hay bác sĩ không đủ tay nghề. Chưa kể, nhiều bệnh nhân xuất hiện biến chứng không đến viện ngay mà thường tự điều trị hoặc quay lại nơi làm đẹp, đến khi nặng mới đến viện cầu cứu. Sai lầm này khiến tình trạng của người bệnh nặng nề, khó hồi phục và chi phí tốn kém hơn.
"Muốn đẹp thì phải đầu tư thời gian, không nên vội vàng rồi rước họa vào thân. Trường hợp không may nhiễm trùng, hoại tử... cần đi viện sớm để kiểm tra, can thiệp kịp thời", bác sĩ nói.
Minh An
*Tên nhân vật được thay đổi