Mỗi khi cháu thốt lên như vậy, ai cũng ngạc nhiên và hết lời khen ngợi bởi nhìn ông chẳng giống một cụ già đã 95 tuổi gì cả. Với vẻ minh mẫn, hiền hậu, vui tính, cộng thêm bộ râu do chính cháu "thiết kế" thì mọi người vẫn thường ví von: "Ông như là ông Bụt". Những lúc đó cháu hạnh phúc và tự hào vô cùng.
Cháu lớn lên trong sự thiếu thốn tình thương của bố, một mình mẹ vất vả, tảo tần nuôi hai anh em.Vì vậy mà những thứ bọn trẻ đồng trang lứa thường bắt bố phải làm thì với cháu, đó là trách nhiệm của ông ngoại.
Cháu nhớ nhất là những lần giải quyết bài tập về nhà môn kỹ thuật. Cô giáo giao đan rổ tre, cháu nũng nĩu đòi ông làm giúp. Mang tiếng chỉ "trợ giúp”"thôi nhưng các công đoạn từ A đến Z 100% đều do ông đảm nhận. Công trạng của cháu chỉ là lẽo đẽo theo ông ra đường chặt tre, rồi ngồi giả vờ chăm chú nghe ông dạy cách đan nhưng trong đầu thì hí hửng viễn cảnh "ngày mai lên lớp bọn bạn sẽ lác mắt vì tài đan lát của mình, điểm 10 là cái chắc rồi".
Hồi đó, cháu mê nhất là món cá ve kho mật mía ngon nức của bà, thích nhất là được lon ton theo ông ra đồng, rồi chơi rượt đuổi với lũ trẻ chăn trâu trên những đống rơm đầy đường mùa thu hoạch lúa. Cháu cũng chẳng bao giờ quên được cái đợt cháu trốn ra đồng một mình rồi bị trâu nhà hàng xóm húc ngã tõm xuống ruộng nước nông giang. Vốn chẳng biết bơi nên cháu la hét làm mọi người ai cũng hốt hoảng. Ông nhanh chóng "cứu" cháu khỏi ruộng nước rồi cứ thế là mắng mặc cho cháu la khóc inh ỏi. Trong lòng cháu lúc đó vừa ức vì bị ông mắng lại vừa nghĩ: "chắc ông ghét mình rồi? Sao mình không thể bơi giỏi như mấy đứa hay bơi ở hố bom trên đồng nhỉ?"
Ấu thơ trong cháu chỉ mờ nhạt những kỷ niệm về ông như vậy, rồi cháu cứ như thế lớn lên trong tình yêu thương, bao bọc của ông và cả nhà. Ngày cháu ra Hà Nội học đại học, ông vẫn nhét vào ba lô cho cháu một mảnh giấy báo gói tờ 100.000 đồng mới tinh rồi dặn dò cháu đủ thứ.
Ngày bà mất, cháu không về kịp để đưa tang bà, cháu đã khóc rất nhiều, thấy có lỗi với bà rất nhiều, thấy thương ông rất nhiều. Khi về xem lại những bức ảnh đám tang bà, cháu đã thấy ông khóc…và chừng ấy năm cho đến giờ, mỗi lần giỗ bà khuôn mặt ông đều buồn rười rượi như thế…
Khi gia đình cháu không may đổ vỡ, ông luôn động viên cháu rằng: "Cháu sẽ còn phải đi tiếp một quãng đường rất dài nữa, phải vững vàng cùng với mẹ và anh trai, như ông đây này, con có đứa ngoan đứa hư, cháu cũng có đứa bảo được, đứa không dạy được, thế nhưng vì sao ông vẫn có thể sống được đến giờ?". Đúng vậy, đó là điều cháu luôn nể phục ông, sống đến cái tuổi 95, trải qua biết bao nhiêu chuyện buồn, nhưng ông vẫn rất lạc quan, dù cháu biết ẩn sâu vẻ cứng rắn đó là cả một nuỗi buồn vô tận.
Hằ̀ng ngày, trong căn nhà vắng vẻ, mọi người vẫn nhìn thấy một cụ già sáng sớm cần mẫn băm chuối cho ngan, rồi chậm rãi đôi chân trần bê từng thúng lúa ra phơi, chiều chiều lùa đàn ngan về chuồng... Mặc dù cả nhà chẳng ai bắt ông phải lao động nữa, nhưng ông bảo: "Không làm ngứa ngáy chân tay lắm, bọn mày cứ để cho cha làm cha mới khỏe được".
Ngày cháu theo chồng, nhà chồng cách 300 cây số, nhưng ông vẫn đưa cháu về đến tận nhà chồng trong niềm hạnh phúc vô bờ. Và vẫn cái phong thái cũ, cầm cốc bia chúc cháu rể, ông nhét một cái phong bì vào túi anh ấy và không quên xoa đầu dặn dò cháu: "Quà của ông nhé, cha tổ mày mới lon ton đó mà cũng đã cưới chồng rồi".
Từ ngày lấy chồng xa, số lần về thăm quê của cháu lại càng ít dần, cháu chỉ được nói chuyện với ông dăm ba câu qua điện thoại. Mỗi lần như thế, dù chẳng biết tai ông bị lãng có nghe được cháu nói gì hay không nhưng ông luôn nói một câu cuối trước lúc cúp máy: "Uh, ông biết rồi, cháu khỏe, vui, rảnh thì về quê ăn ngô dì trồng nhiều lắm đó".
Giờ ngồi viết lên những dòng tâm sự này, cháu chỉ ao ước được về nhanh bên ông, bên gia đình để sum họp, quây quần cùng cả nhà bên mâm cơm. Nhà mình vẫn có thói quen trải chiếu ra ngoài sân để ngồi ăn cho thoải mái, rồi con cháu ngồi nghe ông kể chuyện ngày xưa, thấy ông vui vẻ trêu đùa mấy đứa chắt.
Hạnh phúc với cháu chỉ cần có vậy… vừa đủ để hằng ngày cháu được thấy nụ cười hiền hậu của ông, của mẹ… vừa đủ để mỗi ngày lớn lên cháu còn có cảm giác thèm vô cùng một chiếc vé tuổi thơ!
Từ ngày 5/11 đến 4/12, độc giả VnExpress có thể tham gia cuộc thi viết "Mái ấm trong tôi" do VnExpress và nhãn hàng Schneider Electric - Chuyên gia trong lĩnh vực quản lý năng lượng - phối hợp tổ chức.
Bài dự thi phải được thể hiện bằng tiếng Việt có dấu, dài 300 - 1.000 từ, chia sẻ về kỷ niệm ngọt ngào với ngôi nhà thân thương, những khoảnh khắc đáng nhớ bên gia đình hoặc ước mơ về một tổ ấm tương lai. Cuộc thi gồm một giải nhất - một iPad 3 trị giá 16 triệu đồng và 10 giải khuyến khích - mỗi giải là phiếu mua hàng siêu thị và sản phẩm Schneider Electric trị giá 2 triệu đồng. |
Phạm Hoài Thu