*Ảnh: Người dân gà gật đợi tàu dịp Tết |
Đứng cả buổi chờ đến lượt, nhưng khi nhân viên kiểm tra thì vé đi TP HCM từ ngày 10 đến 12/2 đã hết, ông Trịnh Xuân Tiếp (Thanh Trì, Hà Nội) đành quay về vì cháu gái ông không thể khởi hành muộn hơn.
Ông cho hay, cháu gái làm ở Sài Gòn, về quê ăn Tết cùng gia đình. Cô xin nghỉ thêm tới ngày 15 mới đi làm. Do chủ quan, đến cận ngày cô mới hối bác đi mua vé. "Tôi đến lấy số thứ tự rồi ngồi đợi, đến khi bảo mua vé ngày 12/2 (tức ngày 10 âm lịch), nhân viên kiểm tra một hồi rồi trả lời đã bán hết, tôi lùi lại 2 ngày nhưng cũng không còn vé", ông Tiếp kể.
![]() |
Ga Hà Nội sáng mùng 7 Tết không có tình trạng chen chúc mua vé. Ảnh: Hoàng Thùy. |
Gia đình hai anh em chị Hoàng Thị Lan (Xuân Phương, Hà Nội) đang làm ăn ở Bình Dương. 4 người lớn cùng 5 đứa trẻ ra ga mua vé định khởi hành luôn, nhưng tàu đi trong ngày chỉ còn 3 vé. Bàn bạc một hồi, cả gia đình quyết định mua vé tàu chậm hơn 40 giờ và chờ đến tối khởi hành.
Xếp lại đống đồ đạc đang ngổn ngang trước cửa nhà ga, xốc lại mấy đứa trẻ đang ngủ gà gật, chị Lan tâm sự: "Đi tàu chậm cũng được, giờ mà ra bắt xe thì vừa bị nhồi nhét, vừa bị bắt chẹt tiền vé".
Có nhiều khách ra ga được "phe vé" chào mời với giá chênh lệch 100.000-150.000 đồng mỗi vé. Theo họ giới thiệu "vé ngày nào cũng có, vé ngày đẹp thì chênh lệch sẽ cao hơn".
Theo bà Phùng Thị Lý Hà, Phó ga Hà Nội, sau Tết số khách từ Bắc vào Nam đi rải rác, chứ không tập trung dồn dập như trước Tết. Những người có việc quan trọng cần đi đúng ngày thì đã đặt vé khứ hồi nên không còn cảnh chen chúc mua vé.
"Chúng tôi không bao giờ hết vé tàu, bởi hết chuyến này nhưng chuyến sau lại còn chỗ. Có nhiều khách hàng không mua được vé vì chuyến đi không theo ý muốn của họ", bà Hà nói.
Phó ga Hà Nội cũng cảnh báo, do mua vé tàu dịp Tết cần có chứng minh thư hoặc giấy tờ tùy thân nên hành khách nào mua vé chợ đen, tên tuổi và chứng minh thư không khớp sẽ không có giá trị đi tàu.
Hoàng Thuỳ