Hennessy Artistry Final 2009 được tổ chức tại Trung tâm Thể dục Thể thao của thành phố Quảng Châu. Nhà thi đấu rất rộng, sức chứa có thể lên tới 8.000-10.000 người. Trong không gian mênh mông đó, sân khấu được quay ngang, rộng rãi, vừa đủ chỗ để xếp dàn nhạc cụ cho cả bốn nhóm nhạc tham gia đêm diễn, vừa tạo diện tích tiếp xúc lớn với 2.000 khán giả đến nghe nhạc. Khán phòng được bố trí như một cái bar khổng lồ, nơi mọi người đi lại, trò chuyện, cụng ly, chúc tụng, chứ không chỉ xem ca nhạc như thông thường.
![]() |
Ánh sáng hoàn hảo từ trên cao, trong phần biểu diễn của ban nhạc Hàn Quốc Jaurim. |
Điều khiến đoàn nghệ sĩ VN đến dự show diễn ngưỡng mộ và không tiếc lời ngợi khen là địa điểm tổ chức quá tốt. Nhà thi đấu được chuẩn bị sẵn về rất nhiều mặt để đáp ứng yêu cầu của một cuộc biểu diễn. Trên trần có che sẵn vải để cách âm, chống dội; lại có một dàn treo rất chuẩn, phục vụ cho hệ thống loa, dàn đèn. Những khung giàn, cọc chống từ dưới mặt đất chính vì vậy hầu như không có, tạo không gian rất rộng để làm nhiều việc, từ sân khấu đến vị trí ngồi. Ánh sáng tuyệt đẹp, với trên 200 đèn moving được bố trí hợp lý. 3 màn led trên sân khấu, liên tục chạy graphic giới thiệu chương trình, ca sĩ, khi quay lại lập tức trở thành dàn đèn par led đổi màu, tạo hiệu ứng ánh sáng rất tốt.
Trên sân khấu lung linh như mơ đó, nhóm rap-rock Trung Quốc CMCB lãnh nhiệm vụ mở màn. Hai bài đầu, 5 chàng trai người Hoa chơi Nu metal khá ấn tượng, đánh chắc, với mục đích rõ ràng là tạo không khí. Tuy nhiên, khách mời của Hennessy đa phần thuộc loại cao cấp, ít khán giả trẻ, nên độ sung từ phía khán phòng còn yếu.
![]() |
Kelly Rowland dùng hai vũ công, một DJ và chơi playback music. |
Ban nhạc Hàn Quốc Jaurim (có nghĩa là “Rừng mưa tím”), với nữ ca sĩ chính trắng muốt, xinh đẹp, giới thiệu thể loại nhạc khá sang trọng, khó chơi và không dễ nghe. Họ hát nhạc rock, nhưng tính ballad, tự sự nhiều hơn. Điểm trừ ở phần này là Jaurim hát toàn bằng tiếng Hàn, số lượng bài nhiều, các bài hát lại một màu nên dễ gây nhàm chán. Không gian sân vận động cũng không phù hợp với thể loại nhạc của họ. Chỉ đến khi ca sĩ chính Yuna Kim hát bài đinh là một ca khúc bằng tiếng Hoa, khán giả mới đồng cảm hơn đôi chút. Đúng với tiêu chí “Global art of mixing” của Hennessy Artistry, Jaurim cùng CMCB chơi bài “We will rock you”.
Nhân vật được các vị khách ngoại quốc chờ đợi nhất là Kelly Rowland, giọng ca RnB nổi tiếng thế giới, chị em thân thiết của Beyonce Knowles trong nhóm Destiny’s Child trước đây. Quả thật, Kelly xuất hiện với đẳng cấp khác hẳn, cùng hai vũ công duyên dáng và một DJ nhiệt tình, chơi những bài hit quốc tế: “The way you love me”, “Dilemma”, “When love takes over” cùng liên khúc của Destiny’s Child. MC Anh Tuấn có chút tiếc nuối, phần trình diễn này mà mang về VN, khán giả sẽ phát cuồng. Tuy nhiên, fan Trung Quốc lại tiếp nhận tiếng Anh và văn hóa ngoại không tốt lắm, nên các tiết mục của Kelly không tạo được hiệu ứng nhiều như mong đợi.
Trước khi Trương Học Hữu (Jacky Cheung), ngôi sao của làng nhạc tiếng Hoa, xuất hiện, là màn dẫn với sự xuất hiện của một cây đàn hạc. Giai âm nuột nà, sang trọng của cây đàn này là sự báo hiệu chính xác cho một dàn nhạc khá đồ sộ đệm cho Trương Học Hữu, gồm dàn dây, nhóm bè, piano cơ. Bên cạnh đó cũng có một dàn nhạc nhẹ với guitar bass, trống, keyboard...
![]() |
Các nghệ sĩ Việt hào hứng nhảy múa và hát theo. |
“Thiên vương” Hong Kong vẫn trung thành cùng dòng Canto pop, với những bài hit từ rất lâu nay, chất nhạc nhẹ nhàng, dễ ngấm, dễ thuộc. Các vị khách Việt Nam, như Ngọc Oanh, Mai Phương Thúy, Võ Hoàng Yến…, dù không biết tiếng Hoa, vẫn có thể ngân nga theo giai điệu bài “Chiếc lá mùa đông”, “Em là người duy nhất trong đời anh”... và nhảy múa tưng bừng.
Fan Trung Quốc và quốc tế càng hứng khởi hơn khi Trương Học Hữu cùng Kelly Rowland song ca ca khúc nổi tiếng quen thuộc “Take me to your heart”. Giọng ca con cưng của làng C-pop hát tiếng Trung, còn ngôi sao da màu ca bằng tiếng Anh. Sự kết hợp tự nhiên đó cho thấy âm nhạc là ngôn ngữ chung, không có ranh giới, không có giới hạn nào cả, và cũng cho thấy Hennessy Artistry đã rất thành công với slogan “Global art of mixing”. Chương trình kết lại bằng tiết mục solo của Trương Học Hữu, chứ không phải màn hợp ca hoành tráng của tất cả nghệ sĩ như trong đêm diễn tại Việt Nam hồi tháng 10.
Đánh giá về Hennessy Artistry Final 2009, nhạc sĩ Đức Trí cho rằng đây là một show hấp dẫn và có chất lượng nghệ thuật rất cao, đặc biệt là các nhà tổ chức rất chú trọng về mặt âm nhạc. “Là người sản xuất âm nhạc nên tôi rất chú ý đến điều đó. Ở VN lâu nay có những show diễn mà chúng ta dường như quên mất chất lượng âm nhạc, mà chỉ để ý tới sân khấu, vũ đạo. Đương nhiên đó là nghệ thuật trình diễn, nhưng âm nhạc vẫn phải là hàng đầu”, tác giả “Ước mơ trong đời” phát biểu.
![]() |
Toàn bộ khán phòng nhìn từ trên cao, khi Trương Học Hữu biểu diễn. |
Còn MC Anh Tuấn tỏ ra đặc biệt thán phục thiết kế sân khấu, ánh sáng, âm thanh của chương trình. Anh mơ ước ở VN có một địa điểm phù hợp, một sân khấu đủ lớn và hệ thống thiết bị hoàn hảo, để có thể set up nhạc cụ cho nhiều ban nhạc cùng một lúc, giảm thiểu thời gian chết giữa chương trình. Với kinh nghiệm đạo diễn sân khấu, đạo diễn Phạm Hoàng Nam lại bày tỏ, giá show diễn này được tổ chức ở một nơi nhỏ hơn, ấm cúng hơn, để 2.000 khán giả có thể lấp đầy kín khán phòng. Anh cho rằng, như vậy không khí sẽ sôi động hơn nhiều, và chính điều đó sẽ truyền thêm máu lửa cho nghệ sĩ biểu diễn.
Cả ba nghệ sĩ, người làm nhạc VN này đều thống nhất với nhau một điểm, là khi tổ chức show, điều quan trọng nhất là phải đánh giá đúng đối tượng khán giả, để chọn nhạc, chọn ca sĩ cho phù hợp với khán giả ấy.
Ý Phương
Ảnh: Trọng Tùng