Champions League từng nhiều lần ghi nhận sự áp đảo của một quốc gia ở vòng bán kết. Mùa 1999-2000, ba CLB của Tây Ban Nha là Real Madrid, Barca và Valencia. Ba năm sau, tới lượt người Italy lên tiếng với AC Milan, Inter và Juventus. Ba mùa 2006-2007, 2007-2008 và 2008-2009 là những trang sử hào hùng của người Anh khi nhóm Big 4 gồm Man Utd, Chelsea, Liverpool, Arsenal thay nhau ghi danh.
Đến mùa 2019-2020, một kỷ lục nữa xuất hiện. Lần đầu tiên trong lịch sử 65 năm của C1/Champions League, một quốc gia có ba HLV xuất hiện ở vòng bán kết. Nổi tiếng là nơi sản sinh ra những cầu thủ vĩ đại bậc nhất, thậm chí khai sinh ra những vị trí gắn liền với tên tuổi của các huyền thoại như libero của Franz Beckenbauer, sát thủ vòng cấm của Gerd Muller... nhưng Đức dường như vẫn đi sau Italy trong cuộc chiến trên sa bàn. Khi lớp HLV Arrigo Sacchi, Fabio Capello chưa kịp nghỉ hưu, Carlo Ancelotti, Claudio Ranieri đã trỗi dậy "cướp diễn đàn". Khi thế hệ Ancelotti vẫn mải miết theo đuổi những hành trình mới, những Max Allegri, Antonio Conte đã kịp giương danh dựng nghiệp, mang vinh quang về cho lò Coverciano. Chưa khi nào người ta nghi ngờ về phẩm chất số một của những nhà cầm quân đến từ xứ mỳ ống.
Cho tới khi lứa HLV trẻ người Đức, gồm Julian Nagelsmann (Leipzig), Hansi Flick (Bayern Munich) và Thomas Tuchel (PSG) xuất hiện.
Thực tế, trước mùa 2019-2020 chẳng ai coi trọng tài năng của bộ ba nhà cầm quân này. Nagelsmann, có ba năm thành công cùng Hoffenheim, giúp đội bóng này dự Champions League, nhưng mới chân ướt chân ráo tới Leipzig. Flick sắm vai trợ lý và ẩn sau cái bóng của HLV Niko Kovac trên băng ghế huấn luyện của Bayern Munich. Tuchel nổi tiếng nhất, nhưng trận thua ngược Man Utd ở vòng 1/8 mùa trước sau khi thắng 2-0 trên sân khách lượt đi, mãi là một vết đen trong bản lý lịch của HLV xứ Bavaria. Trong mắt người hâm mộ, bóng đá Đức đương đại chỉ có đúng một HLV đáng để mắt là Jurgen Klopp, người giúp Liverpool vô địch Champions League năm ngoái.
"Sông có khúc, người có lúc". Với một dân tộc nổi tiếng về ý chí như Đức, họ âm thầm đào tạo nên những HLV mang hơi hướng hiện đại: nhiệt huyết, trẻ trung, am tường công nghệ và không ngại dấn thân từ lò Hennes-Weisweiler. Ý tưởng để lập nên học viện đào tạo HLV kể trên rất đơn giản, muốn có những cầu thủ giỏi nhất, một nền bóng đá cần những HLV tài ba nhất. Vậy là song song với cuộc cách mạng bóng đá trẻ, vốn manh nha từ những năm 2000, định hướng cho cầu thủ chơi kỹ thuật, chịu khó phối hợp và giàu sức tấn công, Liên đoàn Bóng đá Đức (DFB) bắt buộc mỗi CLB dự Bundesliga phải có một học viện đào tạo trẻ. Mỗi học viện phải có ít nhất hai HLV có giấy phép hành nghề (Football Coaching Licence - FCL).
Nếu như UEFA giới hạn 240 tiếng cho một khóa học cấp bằng HLV chuyên nghiệp (Pro Licence), thông qua Học viện Hennes-Weisweiler, DFB nâng con số ấy lên gấp ba (800 tiếng) để đạt FCL chuẩn nước Đức. Tại lò đào tạo được những người sáng lập ví von với Coverciano của Italy, tỷ lệ chọi và rớt cao khủng khiếp. Mỗi năm, địa chỉ duy nhất cấp FCL tại Đức chỉ chọn đào tạo 24 hoặc 25 HLV. Yêu cầu đầu vào với học viên, là họ cần có chứng chỉ DFB loại A do Liên đoàn cấp và một năm làm việc ở một CLB chuyên nghiệp tại ba giải đấu hàng đầu quốc gia. Chỉ khi nào có FCL, học viên mới được gọi là "Football Teacher" (giáo viên bóng đá) và mới được hành nghề tại các giải chuyên nghiệp.
Được thành lập vào năm 1947, tại Cologne, và đặt theo tên của HLV huyền thoại Hennes Weisweiler, người từng giành 11 danh hiệu cùng Borussia Monchengladbach và Cologne hồi thập niên 1970, mỗi khóa học ở lò đào tạo HLV danh giá nước Đức thường kéo dài 11 tháng, thời gian tương đương một mùa giải. Trong một năm này, bên cạnh các giờ học lý thuyết, học viên sẽ được nghiên cứu tất cả các khía cạnh của bóng đá hiện đại và tập trung ứng dụng vào thực tế. Từ mùa 2019-2020, những người đứng đầu Hennes-Weisweiler cải cách phương pháp dạy. Họ để học viên dành phần lớn thời gian dùi mài kinh sử ở chính những CLB họ đang làm việc, bên cạnh tám hội thảo bắt buộc ở Cologne như một cách "kiểm tra giữa kỳ".
So với Coverciano, Hennes-Weisweiler thậm chí còn tân thời hơn. Lò đào tạo này định kỳ tổ chức các buổi học trực tuyến với DFB thông qua "khuôn viên kỹ thuật số". Để dễ hình dung, những tiết học này giống như một buổi bình luận bóng đá, nơi các trận đấu thực tế được đem ra mổ xẻ. Giáo viên đứng lớp sẽ hỏi những câu đại khái như: "Tại sao đội A không thể kiểm soát bóng dù có ba tiền vệ giữa sân", hay "Đội B cần phải làm gì để xuyên thủng hàng phòng ngự nhiều lớp của đối thủ". Mỗi học viên tự đưa ra kiến giải riêng, trước khi cùng tranh luận để bảo vệ ý kiến. Chính nhờ những buổi đấu trí mô phỏng này mà các HLV sau khi rời Hennes-Weisweiler rất phong phú về mặt đấu pháp. Nagelsmann chứng tỏ điều ấy trong trận gặp Atletico. Xuất phát với 4-2-3-1 quen thuộc, nhưng khi nhận ra bốn tiền vệ của đội bóng Tây Ban Nha luôn đứng sát nhau để bóp nghẹt tuyến giữa, ông lấy độc trị độc, đổi sang 3-3-3-1 và phá lối chơi của Atletico y như cách đội này thường làm.
Flick, học viên tốt nghiệp Hennes-Weisweiler loại ưu năm 2003, là nhân chứng sống cho cuộc cách mạng trên băng ghế chỉ đạo. Nhiều người ngỡ ngàng khi Bayern bổ nhiệm ông cuối năm 2019, thậm chí nói Bayern chơi xổ số với một tay mơ, không thể giúp Hoffenheim lên hạng Bundesliga 2 trong bốn năm. Tuy nhiên, nhà cầm quân sinh năm 1965 có thể nói là HLV thấm chất Đức nhất hiện tại. Ông từng làm trợ lý cho Giovanni Trapattoni và Lothar Matthaus trong một năm ở Salzburg. Năm 2006, khi Joachim Low nối bước Jurgen Klinsmann trẻ hóa "Những cỗ xe tăng", Flick là phó tướng. Cùng với Giám đốc Bóng đá Matthias Sammer, Flick lang thang khắp hang cùng ngõ hẻm tại Đức để biên soạn cơ sở dữ liệu về tất cả các tuyển thủ quốc gia ở mọi cấp độ, từ các đội trẻ U13, U15, U17, U19, U21 lẫn đội tuyển.
Khi thay người tiền nhiệm Kovac, chẳng cần ai chỉ dẫn, Flick cũng nằm lòng chuyện phải đặt những người ông theo dõi nhiều năm như Niklas Sule, Leon Goretzka, Serge Gnabry hay Joshua Kimmich vào đâu để phát huy tối đa năng lực. Với nhiều người, Bayern thay tướng đổi vận, giống như họ từng làm nhiều lần trong quá khứ. Nhưng ngay cả Jupp Heynckes, khi kế nhiệm Carlo Ancelotti giữa mùa 2017-2018, cũng không thể giúp Bayern đoạt cú đúp quốc nội. Flick đã làm được và bây giờ sáng cửa ăn ba hơn bao giờ hết. Ông cũng là HLV đầu tiên toàn thắng bảy trận đầu tay ở Champions League.
Nagelsmann ấn tượng chẳng kém. Được bổ nhiệm làm HLV Hoffenheim vào tháng 10/2015, khi mới 28 tuổi, nhà cầm quân gốc Bavaria chờ thêm vài tháng để có FCL, trước khi nắm quyền chính thức từ mùa 2016-2017. Ông giúp đội bóng vừa chia tay Roberto Firmino vào top 4 Bundesliga ngay mùa đầu tiên và giành giải HLV hay nhất mùa. Sau khi rời Hoffenheim, Nagelsmann tiếp tục vươn tới đỉnh cao mới trong sự nghiệp bằng việc loại cả Tottenham lẫn Ateltico để giúp Leipzig lần đầu vào bán kết Champions League. Dù phải huấn luyện nhiều cầu thủ lớn tuổi hơn, HLV sinh năm 1987 vẫn đủ sức thuyết phục học trò bằng phương pháp tập luyện sáng tạo khi kết hợp hài hòa giữa chế độ dinh dưỡng và những công nghệ đột phá trên sân tập. Dù Leipzig là đội bóng bị ghét bậc nhất Bundesliga, Nagelsmann đang là niềm hy vọng số một của đất nước trong việc tạo ra một trận chung kết toàn Đức cùng Bayern.
Tất nhiên, trước khi nghĩ đến thành quả ngọt ngào ấy, Nagelsmann phải vượt qua người đồng hương Tuchel, người từng là thầy của ông tại đội dự bị Augsburg, cũng có thể coi là sư huynh của Nagelsmann tại lò Hennes-Weisweiler. Tốt nghiệp cùng khóa với Flick vào năm 2006, Tuchel dấn thân ngay vào con đường huấn luyện khi cầm đội hai của Augsburg, sau đó là Mainz 05. Năm năm tại sân Opel Arena là trải nghiệm tuyệt vời của Tuchel. Từ chỗ ngấp nghép khu vực xuống hạng, ông giúp CLB đủ sức tranh vé dự cup châu Âu. Lối chơi kiểm soát bóng và định hướng vị trí mà Tuchel theo đuổi mang hơi hướng Pep Guardiola mê hoặc khán giả và lãnh đạo Borussia Dortmund. Từ chỗ kế nhiệm Jurgen Klopp ở Mainz 05, ông tiếp tục được giao thừa hưởng di sản của Klopp ở Dortmund hè 2015, và sau đó là đỉnh cao sự nghiệp tại PSG. Ở mảnh đất giàu có nhưng thiếu tố chất của một kẻ đi chinh phục, Tuchel đã làm được điều mà Ancelotti, Laurent Blanc và Unai Emery không thể là vào bán kết Champions League, thậm chí có thể trở thành HLV thứ hai sau Raymond Goethals vô địch Champions League cùng một đội bóng Pháp.
"Đây là những thành công tuyệt vời của bóng đá Đức", Giám đốc Oliver Bierhoff, cũng là một cựu học viên của Hennes-Weisweiler thốt lên khi thấy những đồng môn làm rạng danh lò đào tạo ở Cologne. "Chúng tôi vui mừng, không chỉ bởi có hai đội bóng Đức ở bán kết mà còn là ba HLV người Đức và rất nhiều tuyển thủ quốc gia của đất nước có mặt ở giai đoạn quyết định này".
Thắng Nguyễn (theo bundesliga.com)