Nhân vật bước sang tuổi 50 vào ngày 1/11, tiếp tục là một trong những biểu tượng văn hóa đại chúng (pop culture) toàn cầu, được CNN gọi là "hiện tượng thương mại khổng lồ" do sinh lợi nhuận tỷ USD. Theo The Economist, thương hiệu này thu về bốn tỷ USD hàng năm, kiếm khoảng 80 tỷ USD kể từ khi ra mắt.
Hiện tổng doanh thu của Hello Kitty chỉ đứng sau Pokémon nhưng xếp trên chuột Mickey và gấu Pooh. Dù tất cả là biểu tượng hoạt hình, bốn nhân vật có con đường phát triển khác nhau. Trong khi Pokémon, Mickey và Pooh thành công từ lĩnh vực làm phim, sau mới mở rộng bán quà lưu niệm thì ngay từ đầu, Kitty được tạo ra chỉ để kinh doanh, theo CNN.
Sanrio - công ty chuyên thiết kế vật dụng theo phong cách kawaii (dễ thương) là đơn vị đứng sau thành công của thương hiệu. "Mẹ đẻ" của Hello Kitty là Yuko Shimizu - một trong những họa sĩ của Sanrio - lấy cảm hứng từ chú mèo con do cha cô tặng để tạo bản thảo đầu tiên vào năm 1974, khi cô mới 24 tuổi.
Một năm sau, mèo Kitty ra mắt trên ví đựng đồng xu bằng vinyl, trở thành cơn sốt tại Nhật Bản khi xuất hiện khắp các nhà hàng, quán cà phê, công giải trí. Hello Kitty được bổ nhiệm làm đại sứ Unicef vào năm 1983, làm đặc phái viên của Bộ Ngoại giao Nhật Bản năm 2019.
Cuối thập niên 1970, công ty Sanrio giới thiệu thêm thông tin về nhân vật. Theo đó, "cô mèo" tên thật là Kitty White, có chiều cao tương đương năm quả táo chồng lên nhau và cùng ngày sinh với Yuko Shimizu. Họ giới thiệu Kitty sinh ra ở vùng ngoại ô nước Anh, sống với bố mẹ và em gái sinh đôi Mimmy. Dịp kỷ niệm 40 năm, giáo sư Christine R. Yano khoa Nhân học của đại học Hawaii, giải thích do Kitty ra đời thập niên 1970 trùng thời điểm người Nhật, nhất là phụ nữ, thích nước Anh nên các nhà sản xuất làm tiểu sử hợp thị hiếu lúc đó.
Cũng trong năm 2014, hãng Sanrio khiến dư luận bất ngờ khi khẳng định Kitty không phải mèo mà là một bé gái. Hầu hết fan không chấp nhận tuyên bố này vì nhân vật mang nhiều đặc điểm của loài mèo như có tai nhọn và ria mép. Tháng 7, vấn đề này tiếp tục gây tranh cãi khi phát ngôn viên của Sanrio tái khẳng định thông tin trên truyền hình.
Ngoài Yuko Shimizu, hai họa sĩ khác góp phần xây dựng hình ảnh Hello Kitty là Setsuko Yonekubo và Yuko Yamaguchi. Năm 1977, Shimizu rời công ty, để lại công việc cho Yonekubo đảm nhận. Ba năm sau, Yamaguchi gia nhập đội thiết kế, chịu trách nhiệm định hình phong cách suốt 45 năm. Nếu Shimizu là người sáng tạo vẻ ngoài đơn giản nhưng đáng yêu của nhân vật, Yamaguchi mang lại vị thế biểu tượng văn hóa đại chúng cho Kitty.
Trò chuyện với CNN, bà Yamaguchi, 69 tuổi, cho biết thời điểm nhận công việc, các sản phẩm của Hello Kitty giảm bớt nhiệt. Năm 1979, các lãnh đạo Sanrio quyết định hồi sinh thương hiệu, chọn nhà thiết kế mới bằng cách yêu cầu họa sĩ tái tạo hình ảnh Kitty. Yamaguchi là một trong những người tham gia và được chọn nhờ ý tưởng vẽ cảnh nhân vật chơi piano cạnh gia đình.
"Dù Hello Kitty được miêu tả có ước mơ làm nghệ sĩ dương cầm, chưa có hình ảnh nào cùng cây đàn. Họ chọn tôi ngay sau đó", bà nói thêm.
Sau khi gia nhập Sanrio, Yamaguchi thường xuyên gặp người hâm mộ để tìm hiểu lý do doanh thu giảm, lắng nghe ý kiến khách hàng. Năm 1984, bà đến San Francisco trong bối cảnh thị trường gấu bông ở Mỹ phát triển mạnh mẽ. Một năm sau, bà quay về Nhật Bản và tạo ra những người bạn của Kitty, bao gồm "cô gấu" Tiny Chum. Yamaguchi cho biết: "Khi đó, tôi muốn Hello Kitty trông sôi nổi hơn. Cô bé được xem là biểu tượng của tình bạn nên tôi muốn tạo nhiều nhân vật làm bạn với cô".
Theo CNN, doanh số bán hàng của Sanrio tăng vọt từ thập niên 1980 đến giữa những năm 1990, xuất hiện dày đặc trên đồ gia dụng, đồ chơi và văn phòng phẩm dành cho bé gái. Tuy nhiên, bà Yamaguchi nhận ra Kitty phải trưởng thành để có thể "lớn cùng fan" sau khi đọc thư của người hâm mộ vào năm 1987. Bà kể: "Đó là một người thích Hello Kitty cuồng nhiệt nhưng gia đình và bạn bè cho rằng cô quá tuổi mê thứ dành cho trẻ con. Vì thế, cô yêu cầu chúng tôi thiết kế sản phẩm phù hợp học sinh cấp ba như cô", bà nói.
Sau khi nhận góp ý, Yamaguchi áp dụng phong cách đường phố Harajuku - gu ăn mặc đề cao tính tự do, màu sắc của giới trẻ Nhật phổ biến giai đoạn 1980 - 1990. Về sau, bà tiếp tục thử nghiệm nhiều trang phục khác nhau từ thể thao đến thanh lịch. Trong cuộc phỏng vấn với Times năm 2008, bà cho biết theo đuổi và dự đoán xu hướng là cách làm mới tạo hình. Đến nay, bà vẫn giữ các đặc điểm chính của Kitty như nơ trên đầu trong các bộ sưu tập mới, nhưng trang phục và bối cảnh liên tục thay đổi để tăng sức hút.
Trong những năm 1990, thương hiệu Hello Kitty thu hút nhiều sự chú ý tại Mỹ sau khi văn hóa Nhật Bản phát triển tại đất nước này. Theo Atsuo Nakayama - nhà xã hội học nghiên cứu ngành công nghiệp giải trí, sự bùng nổ của loạt phim Bảy viên ngọc rồng Z, máy nuôi thú cưng ảo Tamagotchi và đồ chơi con quay - tất cả do người Nhật sáng tạo - tại Mỹ giúp Hello Kitty chiếm tình cảm của người hâm mộ đầu những năm 2000.
Chuyên gia Nakayama nhận định phần lớn thành công của thương hiệu nhờ công ty Sanrio cho phép các đối tác sử dụng hình ảnh có phí bản quyền. Từ đó, Kitty xuất hiện trong nhiều truyện, video game và phim hoạt hình dài tập như Hello Kitty và những người bạn (2008). Công ty còn hợp tác với những nhà mốt cao cấp như Adidas, Balenciaga, Swarovski và lĩnh vực khác như hãng hàng không EVA Air plane (Đài Loan).
Nhiều nghệ sĩ Hollywood và những nhân vật quyền lực trên thế giới yêu thích Hello Kitty. Katy Perry từng mặc corset in hình Kitty tại lễ trao giải Brit Awards năm 2009 và Lady Gaga mặc váy làm từ thú nhồi bông trong một sự kiện khác cùng năm. Ca sĩ Avril Lavigne có bài hát lấy cảm hứng từ Hello Kitty, phát hành năm 2013. Hồi tháng 6, vua Charles III chúc mừng sinh nhật sớm "cô mèo" dịp hoàng gia Nhật Bản đến Anh.
Dù là người giúp Kitty giữ vững vị thế biểu tượng, bà Yuko Yamaguchi chưa hài lòng với độ phổ biến do phần lớn fan là phụ nữ và bé gái. Tại sự kiện ở Seoul đầu năm, bà khẳng định sẽ hoàn thành mục tiêu "phát triển Hello Kitty thành một hình tượng khiến nam giới phải say lòng". Bà nói: "Tôi chắc chắn một ngày nào đó, đàn ông không còn cảm thấy xấu hổ khi dùng đồ có hình Kitty", theo báo Content Asia.
Phương Thảo (theo CNN, Guardian, AP)