Tại phiên họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 sáng 9/4, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, lúc cao điểm nhất hồi giữa tháng 3, cả nước ghi nhận 150.000 ca nhập viện điều trị. Như vậy, số giường điều trị được chuẩn bị nhiều hơn số ca nhập viện khoảng 50.000.
Đến nay, cả nước còn 65.000 ca đang điều trị. Thuốc điều trị được đảm bảo đủ. Hệ thống oxy y tế phục vụ bệnh nhân Covid-19 trên toàn quốc "cơ bản ổn định, đáp ứng nhu cầu sử dụng".
Ba tuần qua, số ca nhiễm giảm từng ngày, từ 150.000 ca mỗi ngày xuống còn 50.000. Số ca nhiễm tăng nhiều ở nhóm chưa tiêm vaccine. Ca nặng, tử vong đều giảm. Tỷ lệ ca tử vong/ca nhiễm giảm từ 0,13% tháng trước xuống còn 0,03% tháng này.
Thời gian tới, Bộ trưởng Y tế cho biết, các đơn vị tiếp tục đánh giá xu hướng ca bệnh tăng/giảm và số ca nhập viện để đánh giá nguy cơ, không để quá tải hệ thống y tế. Các địa phương đẩy mạnh tiêm chủng, nhất là liều cơ bản và liều bổ sung cho người trên 50 tuổi; người bệnh nền.
Đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận hơn 230 triệu liều vaccine Covid-19; tiêm được 207 triệu liều. Cả nước cơ bản bao phủ đủ hai liều vaccine cho nhóm dân số từ 12 tuổi. 49% dân số từ 18 tuổi được tiêm mũi ba.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá trong tháng 3, tình hình dịch bệnh trong nước có những tín hiệu rất tích cực khi số ca nhiễm trong cộng đồng, số ca chuyển nặng, nhập viện và tử vong đều giảm. Điều này tạo điều kiện để kinh tế - xã hội chuyển biến; đẩy mạnh hội nhập quốc tế sâu rộng; mở cửa lại hoạt động du lịch, đón phần lớn học sinh trở lại trường...
"Với chiến lược vaccine được triển khai thành công, nếu dịch bệnh không có diễn biến mới, không xuất hiện biến chủng mới, chúng ta có thể tạm yên tâm với kết quả đạt được, đủ sức đối phó những chủng virus cũ", Thủ tướng nói.
Tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý, nếu có biến chủng mới xuất hiện mà các loại vaccine hiện nay chưa có hiệu lực bảo vệ thì sẽ gặp khó khăn. Các đơn vị tiếp tục bám sát tình hình, dự báo, chuẩn bị kịch bản cho các tình huống.