TS Trần Giang Sơn là Chủ nhiệm đề tài phát triển hệ thống dựa trên dữ liệu từ ảnh chụp cắt lớp vi tính thực tế, cho máy học và nhận biết bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) kết hợp nền tảng tính toán hiệu năng cao.
Trong nghiên cứu này, nhóm đề xuất việc xây dựng xác mô hình trí tuệ nhân tạo dùng các công nghệ tiên tiến nhất hiện nay (học sâu) để dò tìm và phát hiện tự động vị trí, kích thước các nốt, khối u phổi trên phim chụp cắt lớp vi tính.
Hiện nay các mô hình đề xuất của nhóm đã đạt được độ nhạy và độ chính xác là trên 80% trên bộ dữ liệu mẫu quốc tế của Viện Ung thư Quốc Gia Mỹ và Quỹ Viện Y tế Quốc Gia Mỹ (với hơn 240.000 trường hợp từ 1.300 nghiên cứu khác nhau, mỗi trường hợp bao gồm hình ảnh chụp cắt lớp do bác sĩ đã đánh giá độc lập, tệp ghi lại kết quả phát hiện và chẩn đoán các nốt sần, khối u phổi) và bộ dữ liệu mẫu về ung thư phổi ở Việt Nam do nhóm thu thập từ Bệnh viện K.
Với sản phẩm mẫu xây dựng, đề tài hướng tới việc tạo ra một hệ thống phần mềm nhằm bước đầu hỗ trợ tình trạng quá tải bác sĩ ở các bệnh viện tuyến trung ương và hỗ trợ các bác sỹ ở tuyến tỉnh, các bác sỹ ở vùng sâu vùng xa trong việc nâng cao hiệu quả và độ chính xác của chẩn đoán bệnh ung thư phổi.
TS Sơn cho biết, mục tiêu dài hơi của hệ thống phần mềm hỗ trợ chẩn đoán ung thư phổi là giúp sàng lọc sớm ung thư phổi nhằm nâng cao tuổi thọ sống cho bệnh nhân và việc triển khai sử dụng hệ thống vào thực tế quá trình sàng lọc và chẩn đoán ung thư phổi ở các bệnh viện và phòng khám trên cả nước.
"Nhóm đang nghiên cứu các kỹ thuật phân chia thể tích lá phổi để loại bỏ các khu vực bên ngoài phổi, giúp tăng độ chính xác trong phát hiện, phân loại khối u. Nhóm sẽ tiếp tục kết hợp với bệnh viện K và một số bệnh viện tuyến tỉnh tại địa phương để xây dựng bộ dữ liệu ảnh cắt lớp vi tính mẫu về ung thư phổi ở Việt Nam, đánh giá và tiến hành chẩn đoán thử nghiệm trên người bệnh cụ thể", TS Sơn nói và hi vọng đây là một bước tiến đầu tiên của nhóm trong việc xây dựng một sản phẩm mẫu hỗ trợ sàng lọc sớm ung thư phổi ở Việt Nam.
Tại Việt Nam, trong năm 2018, ung thư phổi chiếm vị trí số 2 cả về số ca mắc mới (23.667 ca, chiếm 14,4% tổng số ca mới) và tử vong (20.710 ca, chiếm 18,0% tổng số ca tử vong) (Theo GLOBOCAN 2018). Ung thư phổi chia làm hai dạng chính là ung thư phổi tế bào nhỏ, chiếm 15% và ung thư phổi không tế bào nhỏ, chiếm 85%.
Nghiên cứu được đăng trên trên hai tạp chí quốc tế thuộc danh mục SCIE Journal of Healthcare Engineering và Journal of Real-Time Image Processing.