Trong 2 tiếng diễn ra phỏng vấn trực tuyến, hàng trăm câu hỏi gửi về chương trình để chuyên gia giải đáp. Độc giả quan tâm đến các bệnh có thể gặp khi sử dụng nguồn nước ô nhiễm lâu ngày, các chỉ tiêu để đánh giá nguồn nước có đủ điều kiện để ăn uống, sinh hoạt, cách làm sạch nguồn nước có dầu thải... Các chuyên gia thông tin, nếu sử dụng nguồn nước ô nhiễm trong thời gian dài, người dân có thể mắc các bệnh về da, đường tiêu hóa, hô hấp. Ví dụ, bệnh á sừng có thể xuất hiện sau 5 năm sử dụng nước nhiễm asenic, nồng độ cao của các hợp chất hữu cơ trong nước như nhóm BTEXS có thể gây choáng, ảnh hưởng đến hệ thần kinh, hô hấp... Để xử lý triệt để nguồn nước bị nhiễm dầu thải cần phải có biện pháp tổng thể từ khâu tách loại dầu thải có trong nước nguồn đến xử lý, hấp thụ bằng các vật liệu lọc như; than hoạt tính, zeolite ở các nhà máy xử lý nước cấp. Gia đình muốn kiểm tra chất lượng nguồn nước liên hệ với các viện chuyên ngành được Bộ Y tế giao kiểm tra, giám sát, xét nghiệm nước như: Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường, Viện Vệ sinh Dịch tễ, Viện Y tế công cộng TP HCM, Viện Paste... các trung tâm y tế dự phòng các tỉnh, thành phô hoặc đơn vị nghiên cứu thuộc các viện, trường đại học, doanh nghiệp được công nhận theo chuẩn ISO/IEC 17025 và đăng ký thử nghiệm theo Nghị định 107/2016/NĐ- CP. Dưới đây là nội dung buổi tư vấn trực tuyến:
- Tôi cảm thấy hoang mang khi đọc báo thấy việc khử trùng nước đối với nguồn nước mặt ô nhiễm như hiện nay có thể sinh gây ung thư. Xin cho biết rõ hơn về trường hợp này ? (Thanh Giang, 42 tuổi, HCM)
- Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Hữu Sáu - Phó Giám đốc Bệnh viện da liễu Trung ương:Cảm ơn bạn đã đặt câu hỏi được rất nhiều người quan tâm. Hiện chưa có một nghiên cứu nào cho thấy nước mặt gây ung thư nên bạn yên tâm. Tuy nhiên, hiện nay nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam, nước ngầm vẫn được sử dụng trong sinh hoạt mà chưa qua xử lý các chất độc hại,trong đó có asen, một trong những chất có thể gây ung thư da. Khi sử dụng nguồn nước có nồng độ asen cao gây nhiễm độc asen mãn tính với biểu hiện các tổn thương ở trên da, tiến triển lâu ngay có thể gây ra ung thư da, đó là ung thư tế bào vẩy.

Hai chuyên gia có mặt tại tòa soạn để tư vấn trực tuyến cho độc giả những thắc mắc về ô nhiễm nguồn nước.
- Thưa bác sĩ, những căn bệnh nào có thể bị nhiễm do nguồn nước bị ô nhiễm gây ra? (Phúc Long, 45 tuổi, Hà Nội)
- Tiến sĩ Nguyễn Văn Thường, Trưởng nhóm nghiên cứu hữu cơ, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường:
Nước là yếu tố thiết yếu trong cuộc sống, do đó chất lượng nguồn nước bao gồm cả nước dùng cho ăn uống, sinh hoạt ảnh hưởng trực tiếp và lâu dài tới sức khỏe con người.
Ảnh hưởng trực tiếp có thể nhận thấy qua những biểu hiện cấp tính do sử dụng trực tiếp nguồn nước kém chất lượng. Theo hướng dẫn của WHO, các tác nhân gây độc được chia làm 3 nhóm:
- Tác nhân sinh học: vi khuẩn, ký sinh trùng gây hại...
- Tác nhân hóa học: vô cơ và hữu cơ
- Tác nhân vật lý: độ đục, độ màu, phóng xạ trong nước
Khi con người sử dụng các nguồn nước bị ô nhiễm có thể gây độc cấp tính và biểu hiện ra các triệu chứng như: các bệnh về da, bệnh về đường tiêu hóa, hô hấp... Ví dụ clo dư trong nước trên 1mg/l có thể gây mùi và kích ứng da; nồng độ cao của các hợp chất hữu cơ trong nước như nhóm BTEXS có thể gây choáng, ảnh hưởng đến hệ thần kinh, hô hấp.
Về lâu dài, việc sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm hoặc không đảm bảo chất lượng theo các tiêu chuẩn của WHO, Bộ Y tế có thể gây nên một số bệnh mạn tính liên quan đến hệ tiêu hóa, hô hấp, thần kinh và các biểu hiện này sau một thời gian dài mới xuất hiện. Ví dụ: các bệnh về da như á sừng có thể biểu hiện sau hơn 5 năm sử dụng nguồn nước nhiễm asenic.
- Cháu bị dị ứng mẩn ngứa với nước máy khu nhà cháu ở xin bác sĩ cho biết cách xử lý như thế nào? (Thanh Hằng, 22 tuổi, Ninh Bình)
- Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Hữu Sáu:
Cảm ơn câu hỏi của bạn cũng là câu hỏi của nhiều trường hợp bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện da liễu Trung ương. Một số trường hợp mẩn ngứa như sẩn ngứa có thể do sử dụng nước ô nhiễm. Tuy nhiên, sẩn ngứa có rất nhiều nguyên nhân như một số bệnh ký sinh trùng, côn trùng đốt, lây từ người này sang người kia... Trường hợp mẩn ngứa do nguồn nước máy ô nhiễm rất ít gặp. Trên thực tế, một số trường hợp da nhạy cảm, viêm da cơ địa, khô da, sử dụng nước quá nóng hoặc tắm quá lâu có thể gây khô da và ngứa. Để xác định rõ nguyên nhân và tình trạng mẩn ngứa, bạn nên tới bác sĩ chuyên khoa để chẩn đoán.
- Lội nước ô nhiễm sẽ ảnh hưởng gì đến làn da? (Chu Minh Hà, 22 tuổi, Thái Bình)
- Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Hữu Sáu:
Trong nguồn nước ô nhiễm có thể có các hóa chất độc hại và (hoặc) các vi sinh vật. Khi lội nước ô nhiễm có thể gây viêm da tiếp xúc kích ứng hoặc dị ứng do các hóa chất; hay các bệnh da nhiễm trùng do vi sinh vật như chốc, nhọt, viêm nang lông hoặc nấm da, sẩn ngứa do ký sinh trùng...
- Dầu thải khi bị đổ vào đầu nguồn nước nếu trục vớt váng bên trên mặt nước thôi thì dầu bám dẫn sẽ ngấm vào đất và môi trường xung quanh. Các cơ quan chức năng có biện pháp gì để khử độc tố tận gốc? (Thu Hằng, 48 tuổi, Hà Nội)
- Tiến sĩ Nguyễn Văn Thường:
Dầu, dầu thải khi phát tán vào đầu nguồn nước cần được phát hiện sớm và có biện pháp khoanh vùng để ngăn chặn; tách loại ra khỏi nước nguồn để đảm bảo chất lượng của nước đầu nguồn dùng cho các nhà máy xử lý nước cấp cho sinh hoạt.
Các chất có trong dầu thải có thể bao gồm các nhóm: hydrocacbon mạch thẳng (từ C5 đến C10) hydrocacbon mạch nhánh, hydrocacbon mạch vòng, các dẫn xuất halogen hóa. Các chất này ít tan trong nước, có tỷ trọng nhỏ hơn nước, do đó nổi trên bề mặt nước. Tuy nhiên, một số chất độc hại có trong dầu thải như các hydrocacbon thơm, dẫn xuất halogen hóa có thể lan truyền, hòa tan một phần vào nước. Do đó, nước nguồn bị nhiễm dầu thải ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng nước thành phẩm do các chất này.
Để xử lý triệt để nguồn nước bị nhiễm dầu thải cần phải có biện pháp tổng thể từ khâu tách loại dầu thải có trong nước nguồn đến xử lý, hấp thụ bằng các vật liệu lọc như; than hoạt tính, zeolite ở các nhà máy xử lý nước cấp.
Hiện nay, để xử lý, loại bỏ các hợp chất hydrocacbon thơm như: toluen, xylen, styren... có thể dùng một số biện pháp lọc bằng than hoạt tính, lọc bằng màng lọc RO, bằng chất hấp thụ khác như: than củi, sét...
- Hiện nay, bệnh viêm da cơ địa tăng mạnh do ô nhiễm nguồn nước và không khí. Vậy bác sĩ cho biết biện pháp bảo vệ làn da để phòng tránh? (Đức Hồng, 45 tuổi, Hà Nội)
- Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Hữu Sáu:
Cảm ơn câu hỏi của bạn! Đúng như bạn nói, bệnh viêm da cơ địa trong những năm gần đây có xu hướng gia tăng. Theo nhiều nghiên cứu, ở những nước phát triển, bệnh viêm da cơ địa ngày càng nhiều, các vùng thành thị có số lượng bệnh nhân mắc phải nhiều hơn vùng nông thôn do tình trạng ô nhiễm không khí.
Tại Bệnh viện da liễu Trung ương, trong thời gian qua, số lượng bệnh nhân tới khám vì viêm da cơ địa chiếm trên 20% tổng số bệnh nhân, đa số trường hợp tới từ đô thị. Như vậy, bệnh viêm da cơ địa có liên quan chặt chẽ với tình trạng ô nhiễm của không khí. Để phòng ngừa đợt cấp cũng như tình trạng tái phát của bệnh, bạn có nhiều biện pháp.
Để cách ly nguồn ô nhiễm, nhất là không khí bị ô nhiễm, bạn có thể sử dụng biện pháp bảo hộ như đeo khẩu trang, mặc áo chống nắng, bôi kem chống nắng, dưỡng ẩm khi ra đường; đối với nguồn nước, bạn không nên sử dụng nước quá nóng hay tắm qua lâu gây khô da
Tuy nhiên, một trong những biên pháp để phòng tránh mức độ nặng cũng như kéo dài thời gian ổn định của bệnh viêm da cơ địa, người bệnh cần sống trong môi trường có không khí trong lành. Để có được môi trường sống trong lành, không ô nhiễm, cần có sự chung tay của tất cả mọi người.

- Tôi muốn xét nghiệm mẫu nước thì liên hệ như thế nào ? (Trung Hiếu, 53 tuổi, Hà Nội)
- Tiến sĩ Nguyễn Văn Thường:
Việc xét nghiệm, giám sát chất lượng nước ăn uống, sinh hoạt được thực hiện theo Thông tư số 41/2018/TT-BYT do Bộ Y tế ban hành ngày 14/12/2018 và có hiệu lực từ ngày 15/6/2019. Trong đó quy định về kiểm tra, giám sát, tần suất giám sát chất lượng nước đối với các đơn vị cấp nước, chung cư, trường học, bệnh viện... Các đơn vị thực hiện phân tích xét nghiệm chất lượng nước phải được công nhận đạt theo tiêu chuẩn ISO/IEC 17025.
Bạn có thể liên hệ với các viện chuyên ngành được Bộ Y tế giao kiểm tra, giám sát, xét nghiệm nước như: Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường, Viện Vệ sinh Dịch tễ, Viện Y tế công cộng TP HCM, Viện Paste... các trung tâm y tế dự phòng các tỉnh, thành phố. Ngoài ra, đơn vị nghiên cứu thuộc các viện, trường đại học, doanh nghiệp được công nhận theo chuẩn ISO/IEC 17025 và đăng ký thử nghiệm theo Nghị định 107/2016/NĐ- CP cũng có năng lực và được phép cung cấp dịch vụ.
- Em nhận thấy nhiều sinh viên ở trong khu em ở, khi ở những khu trọ cho sinh viên thường bị ghẻ. Em muốn hỏi nguyên nhân có phải do nước không ạ? (Hồng Hương, 18 tuổi, Hà Nội)
- Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Hữu Sáu:
Đúng như vậy, nhiều bạn sinh viên khi vào trường bị bệnh ghẻ và nhiều người cho rằng do sử dụng nguồn nước. Tuy nhiên, bệnh ghẻ do ký sinh trùng ghẻ gây nên và thường lây lan trong cộng đồng do ở chung, tập thể chật chội, điều kiện vệ sinh kém, thiếu nước sinh hoạt (không phải nước ô nhiễm) làm cho bệnh dễ lây lan từ người này sang người khác.
Các sinh viên ở trong ký túc xá hoặc những khu trọ, điều kiện vệ sinh chưa tốt, tạo sự thuận lợi cho bệnh ghẻ xảy ra và lây lan, đôi khi thành dịch. Như vậy, bệnh ghẻ do ký sinh trùng và điều kiện vệ sinh kém chứ không phải do nguồn nước.
- Để biết nguồn nước có sử dụng được cho sinh hoạt tại hộ gia đình, cần xét nghiệm các chỉ tiêu nào? (Thu Phương, 31 tuổi, Hà Nội)
- Tiến sĩ Nguyễn Văn Thường:
Chính phủ đã phê duyệt chương trình quốc gia về đảm bảo cấp nước an toàn giai đoạn 2016 - 2025 theo quyết định số 1566/QĐ-TTg. Một trong những mục tiêu của chương trình là đảm bảo cấp nước an toàn là trách nhiệm của các địa phương, đơn vị cấp nước và toàn thể cộng đồng. Vì vậy, để gia đình biết nguồn nước được sử dụng an toàn hay không có trách nhiệm của các bộ ngành, đơn vị cấp nước và là quyền lợi chính đáng của người dân sử dụng nước.
Việc kiểm tra, giám sát định kỳ các thông số phản ánh chất lượng nước ăn uống, sinh hoạt hiện nay áp dụng theo QCVN 01:2009 và Thông tư 41/2018/TT-BYT.
Hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu xét nghiệm chất lượng nguồn nước dùng cho ăn uống, sinh hoạt có thể xét nghiệm các thông số chất lượng nước sạch nhóm A điển hình như: độ đục, pH, clo dư, E.Coli và Coliform...
Các cơ quan chức năng thuộc Bộ Y tế, Sở Y tế các tỉnh thành phố có trách nhiệm giám sát chất lượng nước sạch nhóm B, C định kỳ ít nhất một lần một năm. Các nhà máy cấp nước phải xét nghiệm nội kiểm ít nhất 2 lần một năm đối với các thông số giám sát nhóm B, C.
- Nước nhiễm dầu có gây ghẻ không ạ? (Minh Thư, 32 tuổi, Bắc Giang)
- Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Hữu Sáu:
Trước tiên, xin trả lời bạn một cách chắc chắn rằng bệnh ghẻ là do ký sinh trùng ghẻ (tên khoa học là: scabies hominis) gây nên với biểu hiện là các mụn nước ở các nếp gấp và vùng da mỏng như: kẽ ngón tay, bẹn, bộ phận sinh dục, đùi... thường ngứa nhiều về đêm. Bệnh có tính chất dịch tễ, nhiều người trong gia đình hoặc cộng đồng bị. Như vậy, nước ô nhiễm dầu không phải nguyên nhân gây ra bệnh ghẻ.
Nếu bạn dùng nước nhiễm dầu có thể gây viêm da tiếp xúc với biểu hiện đỏ da, ngứa... Trường hợp tiếp xúc lâu dài, có thể gây hiện tượng viêm các nang lông hoặc biểu hiện tổn thương như trứng cá, hạt dầu ở các nang lông. Tình trạng này thường gặp ở những người công nhân, tiếp xúc trực tiếp với xăng dầu. Đây được coi là trường hợp viêm da nghề nghiệp.
- Thưa tiến sĩ, nồng độ clo cho phép trong nước máy là bao nhiêu? Làm thế nào để loại bỏ hết mùi clo có trong nước cấp? (Ngọc Hân, 25 tuổi, Hà Nội)
- Tiến sĩ Nguyễn Văn Thường:
Nồng độ clo dư trong nước sinh hoạt trong khoảng 0,2 đến 1mg/l là ngưỡng giới hạn cho phép. Bạn có thể sử dụng các biện sau để loại bỏ mùi do clo dư trong nước cấp như sau: Để nước lắng và tạo mặt thoáng tự nhiên để clo dư bay hơi; lọc qua thiết bị lọc sử dụng màng lọc RO, các vật liệu hấp thụ...

Tiến sĩ Nguyễn Văn Thường (tay phải) cho rằng cơ thể người nhiễm chất Styren với hàm lượng cao, trong thời gian dài có thể giảm thị lực, tổn thương hệ thần kinh, góp phần tăng nguy cơ ung thư thực quản, tuyến tụy...
- Bể chứa nước của chung cư cần xúc xả bao nhiêu lần một năm, chất lượng nước như thế nào thì được cho là an toàn cho ăn uống, sinh hoạt? (Thu Huyền, 31 tuổi, Hà Nội)
- Tiến sĩ Nguyễn Văn Thường:
Thông thường, các chung cư được thiết kế bể chứa nước ngầm, bể mái để phân phối đến từng căn hộ. Do đó, để đảm bảo chất lượng nguồn nước cấp cho sinh hoạt cần có biện pháp giám sát thông qua xét nghiệm định kỳ, hàng tháng.
Chúng tôi khuyến nghị các chung cư nên thau rửa bể ngầm khi các thông số xét nghiệm định kỳ vượt ngưỡng cho phép của quy chuẩn QCVN01: 2009/BYT. Tần suất thau rửa phụ thuộc vào chất lượng các thông số trong quy chuẩn. Dựa vào đó, ban quản trị chung cư có thể ra quyết định, thời điểm, số lần thau rửa trong năm.
- Nhà tôi sử dụng thiết bị lọc nước RO. Xin cho biết lọc nước RO là gì? Lọc RO có đảm bảo chất lượng nước sử dụng không? (Bích Thủy, 53 tuổi, Hà Nội)
- Tiến sĩ Nguyễn Văn Thường:
Hiện nay trên thị trường có một số nhà cung cấp, nhãn hàng lọc nước bằng kỹ thuật lọc qua màng RO. Đây là kỹ thuật thẩm thấu ngược qua màng RO.
Thông thường, các hệ thống lọc RO đều có khả năng loại bỏ các tạp chất ô nhiễm có trong nước. Tuy nhiên, các sản phẩm này phải được khảo nghiệm, kiểm nghiệm bởi các cơ quan chức năng mới được phép lưu hành. Do đó, người dân khi trang bị thiết bị lọc RO cần tìm hiểu rõ nguồn gốc, chứng nhận của sản phẩm.
- Thưa bác sĩ Sáu, em mắc bệnh viêm da cơ địa một năm nay. Bàn tay em liên tục bong da, mùa khô lạnh da nứt chảy máu, đặc biệt khi tiếp xúc với các hóa chất tẩy rửa. Xin hỏi anh Sáu với nguồn nước hiện nay bàn tay em tiếp xúc hàng ngày có gây bệnh nặng hơn không ạ? (Ngọc Mai, 33 tuổi, Trung Văn, Hà Nội)
- Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Hữu Sáu:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã đặt câu hỏi. Viêm da cơ địa là bệnh thường gặp với nhiều biểu hiện khác nhau như đỏ da, khô da, ngứa... Bệnh thường tăng vào mùa đông và tiếp xúc với chất tẩy rửa. Với tình trạng như vậy, khi tiếp xúc với nước sinh hoạt hàng ngày đã được kiểm nghiệm an toàn thì không có vấn đề gì.
Tuy nhiên, một trong những biểu hiện của viêm da là khô da, gây cảm giác khó chịu và ngứa nên nhiều người thường xuyên rửa tay với mục đích làm ẩm da nhưng đây là thói quen không khoa học. Bạn càng rửa tay thì da càng khô nên cần hạn chế. Để giải quyết tốt tình trạng khô da, bạn nên sử dụng các sản phẩm dưỡng ẩm, nhất là vào mùa đông.
Hơn nữa, nhiều chị em đảm đương công việc nội trợ, thường phải tiếp xúc với chất tẩy rửa, làm tình trạng bệnh nặng hơn. Do vậy, bạn cần tránh hoặc hạn chế tiếp xúc tối đa với các chất xà phòng tẩy rửa.
Trên đây là một số lời khuyên phòng tránh tình trạng khô da, nứt nẻ ở bàn tay. Tuy nhiên, để được điều trị toàn diện, bạn có thể tới Bệnh viện da liễu Trung ương (số 15A, đường Phương Mai, Đống Đa, Hà Nội), nơi có nhiều bác sĩ chuyên khoa về viêm da cơ địa, để được khám và tư vấn.
- Da của tôi khô quanh năm dù vẫn nhiều dầu. Mỗi khi tôi bôi kem dưỡng chỉ vài ngày là lại mẩn đỏ hết lên, dù đã thử nhiều loại kem dưỡng. Xin hỏi tôi phải làm sao để tìm ra loại kem dưỡng phù hợp, để da không nứt nẻ nhất là mùa đông. Xin cảm ơn ạ! (Trâm Anh, 30 tuổi, Hà Nội)
- Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Hữu Sáu:
Da khô là tình trạng thường gặp ở nhiều người. Ngoài sử dụng các sản phẩm dưỡng ẩm phù hợp, còn có nhiều phương pháp khác để điều trị tình trạng khô da như sử dụng sữa tắm không phải xà phòng, không tắm nước quá nóng (nên sử dụng nước ấm), không nên tắm nhiều lần trong ngày...
Trường hợp của bạn, sau khi sử dụng sản phẩm một vài ngày bị ngứa, có thể do sản phẩm dưỡng ẩm không thích hợp với da của bạn. Để tìm được loại thích hợp, trên lý thuyết, bạn cần thử nhiều loại khác nhau, tuy nhiên, việc này gây khó khăn do tốn kém. Về mặt khoa học, người ta có thể dùng loại xét nghiệm (test áp) để xác định khả năng dị ứng hoặc kích ứng các thành phần (chất) có trong những sản phẩm dưỡng ẩm. Ở Việt Nam, một số cơ sở y tế có thể thực hiện "test" này, trong đó có Bệnh viện da liễu Trung ương.
- Chuyên gia cho biết nếu không phải là dầu thải có mùi khét đặc trưng mà là một chất độc hại khác không nặng mùi đồng nghĩa với việc người tiêu dùng không thể phát hiện, câu chuyện sẽ ra sao? (Hà Cúc, 32 tuổi, Hà Nội)
- Tiến sĩ Nguyễn Văn Thường:
Bộ Y tế đã ban hành thông tư 41/2018/TT-BYT quy định tần suất và các thông số giám sát chất lượng nước, có tới 3 mức độ giam sát theo các nhóm thông số A, B,C với 109 chỉ tiêu. Do đó, ngay cả khi nước bị nhiễm bẩn không phải là dầu thải có mùi thải có mùi khét đặc trưng thì các cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế vẫn có thể xác định được các chất nhiễm bẩn nào là nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước.
Chúng tôi sử dụng một số kỹ thuật phân tích, xét nghiệm, định danh bằng các thiết bị hiện đại như: GC/MS, LC/MS, ICP/MS... Các kỹ thuật này cho phép xác định chính xác các chất ô nhiễm có trong nguồn nước.
Ngọc Thi