Cửa hàng CVLife tích hợp "năm trong một"
Trong các hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A) gần đây của Masan, thương vụ "rót" 400 triệu USD vào The CrownX của nhóm nhà đầu tư dẫn đầu bởi Alibaba, Baring Private Equity Asia được giới phân tích nhìn nhận là "cú hích" lớn, giúp ngành tiêu dùng, bán lẻ Việt Nam tăng tốc.
Tại Đại hội cổ đông thường niên hồi tháng 4, ông Trương Công Thắng - Tổng giám đốc công ty The CrownX - nền tảng hợp nhất mảng bán lẻ tiêu dùng của Masan - đã trình bày tầm nhìn 2021-2025.
Ông khẳng định: "The CrownX là nơi hệ thống bán lẻ WinCommerce (WCM), FMCG (Masan Consumer Holdings - MCH), thịt có thương hiệu (Masan MEATLife - MML) và dịch vụ tài chính (Techcombank - TCB) liên kết và hợp lực nhằm tạo thành nền tảng kinh doanh thông suốt. Vì vậy, The CrownX được coi là chương đầu tiên trong hành trình 'Point of Life' mà Masan đang xây dựng".

Thịt có thương hiệu là một trong những mảnh ghép quan trọng của chiến lược Point of Life.
Để hiện thực hóa hướng đi này, nền tảng áp dụng lý thuyết "3 vòng tròn nhu cầu" gồm: ngành hàng nhu yếu phẩm, sản phẩm tài chính và nhu cầu xã hội. Sau thương vụ chi 15 triệu USD mua 20% cổ phần chuỗi cà phê, trà Phúc Long; lấn sân sang lĩnh vực viễn thông khi mua lại 70% Mobicast (sở hữu mạng MVNO Reddi), Masan liên tiếp khai trương các cửa hàng mô hình CVLife đa trải nghiệm, hướng tới tích hợp thêm các dịch vụ số từ Mobicast.
Tháng 6, cửa hàng CVLife đầu tiên khai trương tại Hà Nội, tích hợp WinMart+, Techcombank và Phúc Long. Bốn tháng sau, cửa hàng thứ hai ra mắt ở khu cư dân Cityland Gò Vấp - là cửa hàng CVLife đầu tiên tại TP HCM và phía Nam.
Trong tháng 10, doanh nghiệp sẽ khai trương thêm một cửa hàng CVLife tại Thanh Xuân Complex, Hà Nội. "Ngoài sự góp mặt của WinMart+, Techcombank, Phúc Long, các cửa hàng CVLife mới khai trương còn tích hợp thêm nhà thuốc Phano Mart và sắp tới là dịch vụ số Mobicast. Hiện CVLife là mô hình cửa hàng đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam tích hợp tiện ích 5 trong một", đại diện tập đoàn nói.
Bức tranh tiềm năng của chiến lược "Point of Life"
Đại diện Masan cho biết không chỉ dừng lại ở việc tích hợp tiện ích tại các điểm bán hiện hữu (offline), The CrownX còn tích hợp với điểm bán trực tuyến (online). Ban lãnh đạo Masan nhấn mạnh: "Chiến lược của The CrownX là offline-to-online chứ không phải ngược lại". Nghĩa là trước khi nghĩ tới môi trường online, nền tảng này phải trở thành nhà phân phối nhu yếu phẩm offline số một Việt Nam.
Tập đoàn này đặt trọng tâm vào nhu yếu phẩm, xem đây là nền tảng cốt lõi để gia tăng khả năng tiếp cận khách hàng. Từ lĩnh vực này, Masan sẽ mở rộng phục vụ về tài chính, giáo dục, xã hội, giải trí và chăm sóc sức khỏe... Những nhu cầu thiết yếu này chiếm đến 50% chi tiêu.

Mô hình CVLife khai trương tại khu dân cư CityLand Tower, quận Gò Vấp, TP HCM ngày 16/10.
Trong 5 năm tiếp theo, The CrownX đặt mục tiêu sở hữu 10.000 cửa hàng tự vận hành, 20.000 cửa hàng nhượng quyền, doanh thu đạt 250.000 tỷ đồng trong kịch bản tốt, phục vụ 35-50 triệu khách. Hiện nền tảng có gần 2.500 siêu thị, cửa hàng WinMart/WinMart+, phục vụ hơn 300 triệu lượt khách mỗi năm.
Tận dụng độ thâm nhập của mạng lưới bán lẻ hiện đại, Masan đặt mục tiêu chuyển đổi ít nhất 1.500 cửa hàng thành các điểm cung cấp dịch vụ tài chính, phủ sóng từ thành thị đến nông thôn. Techcombank cũng có xấp xỉ 5 triệu người dùng, thêm vào đó, mô hình CVLife cũng cho phép Masan mở rộng tệp khách sang nhiều đối tượng, độ tuổi.
Nếu khách hàng WinMart+ chủ yếu là các bà nội trợ, thì Techcombank, Phúc Long, Phano Mart, Mobicast dành cho mọi độ tuổi, giới tính. Nhất là nhóm khách trẻ - những người sẵn sàng thử nghiệm các xu hướng tiêu dùng mới. "Ngoài ra, nếu liên kết với các nền tảng khác từ offline sang online như thương mại điện tử, The CrownX có thể đạt được mục tiêu tiếp cận 30-50 triệu khách hàng", đại diện tập đoàn nói.

Thương hiệu Phano Pharmacy chính thức góp mặt trong mô hình CVLife.
Điển hình, ngay sau thương vụ đầu tư của nhóm dẫn đầu bởi Alibaba, Baring Private Equity Asia, WCM và Lazada trở thành đối tác chiến lược. Ở Đông Nam Á, Lazada - công ty con của gã khổng lồ Alibaba này là một trong những sàn thương mại điện tử lớn của khu vực.
Riêng tại Việt Nam, Lazada là một trong ba nhà bán lẻ trực tuyến hàng đầu thị trường nhiều năm qua với hơn 20 triệu người dùng và hạ tầng logistics, kho bãi rộng khắp cả nước. Về dài hạn, các siêu thị, cửa hàng WinMart và WinMart+ cũng có thể trở thành điểm nhận hàng cho khách mua sắm trên Lazada. Hai bên cùng phân tích dữ liệu tệp khách chung để ngày càng thấu hiểu người tiêu dùng.
Tin tưởng tiềm năng bùng nổ của lĩnh vực nhu yếu phẩm hiện đại tại Việt Nam, tập đoàn SK của Hàn Quốc đã đầu tư 410 triệu USD vào 16,15% cổ phần tại WCM.
Vạn Phát
WinCommerce đang giữ vị trí số một về mạng lưới bán lẻ với hơn 2.400 cửa hàng VinMart+, trên 120 siêu thị VinMart trên toàn quốc.
Ngày 15/9, Công ty VinCommerce sẽ đổi tên thành WinCommerce. Sắp tới, chuỗi siêu thị và cửa hàng VinMart/VinMart+ sẽ đổi tên thành WinMart/WinMart+.