Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, xu thế nhiệt độ mặt nước biển khu vực trung tâm Thái Bình Dương tiếp tục trong pha lạnh và La Nina còn duy trì từ nay đến tháng 4-5 với xác suất 60% nên nhiệt độ mùa hè năm nay có xu hướng thấp hơn năm ngoái.
Cụ thể, tháng 4 chuyển mùa từ lạnh sang nóng nên vẫn còn các đợt không khí lạnh tràn về. Dự báo ngày 4/4, một đợt không khí lạnh yếu kết hợp với dòng gió mạnh từ Thượng Lào di chuyển sang gây mưa giông ở miền Bắc. Vùng núi có nhiều điểm mưa to, giông mạnh, đề phòng lốc xoáy, mưa đá và gió giật mạnh.
Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Khí hậu (Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia), nhận định tháng 4 miền Bắc và Trung Trung Bộ có khoảng 1-2 đợt nắng nóng (nhiệt độ cao nhất ngày từ 35 độ C trở lên), tập trung ở các tỉnh phía tây Bắc Bộ và vùng núi phía tây Bắc Trung Bộ, mỗi đợt 2-4 ngày.
Thời điểm nóng nhất ở miền Bắc là cuối tháng 5 tới tháng 7, Trung Bộ từ cuối tháng 6 đến tháng 8. Tuy nhiên, nắng nóng tại hai khu vực này không gay gắt và kéo dài như năm 2020.
Nam Bộ và Tây Nguyên đang trong giai đoạn nắng nóng gay gắt. Dự báo từ nửa cuối tháng 4 trở đi, hai khu vực này sẽ sang giai đoạn chuyển mùa, mưa nhiều hơn, nắng nóng giảm dần. Từ nửa cuối tháng 5, Nam Bộ bước vào mùa mưa.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia nhận định năm nay sẽ có khoảng 12-14 cơn bão và áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông, trong đó ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền 5-6 cơn.
Nửa đầu mùa (từ tháng 6 đến 9), bão và áp thấp nhiệt đới sẽ tập trung ở bắc và giữa Biển Đông, có khả năng ảnh hưởng đến Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Nửa cuối mùa (từ tháng 9 đến 11), bão và áp thấp nhiệt đới sẽ tập trung ở giữa và nam Biển Đông, ảnh hưởng đến Bắc Trung Bộ trở vào phía nam.
Xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long từ tháng 3 đã giảm dần nhưng vẫn ở mực cao. Dự báo, xâm nhập mặn ở các sông Vàm Cỏ tiếp tục tăng cao trong các đợt ngày 9-14/4 và ngày 24-30/4, trên sông Cái Lớn các đợt 31/3-7/4 và 15-24/4. Từ tháng 5, hiện tượng này sẽ giảm dần.
Cơ quan khí tượng nhận định Nghệ An, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận và các tỉnh Tây Nguyên trong tháng 4 và 5 vẫn còn khô hạn. Nguyên nhân là từ nay đến tháng 6, dòng chảy trên phần lớn sông ở Trung Bộ và Tây Nguyên phổ biến xấp xỉ và thấp hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ 20-50%, một số sông thấp hơn 60%.
Miền Bắc bắt đầu mùa hè từ giữa tháng 4 đến giữa tháng 8, Bắc Trung Bộ (từ Huế trở ra) sớm hơn nửa tháng. Cuối tháng 3, đầu tháng 4, một số khu vực Tây Bắc, Bắc Trung Bộ xuất hiện nắng nóng. Ngày 1/4, nhiệt độ cao nhất ở Mường La (Sơn La) là 38, Mai Châu (Hòa Bình) 37, Tương Dương (Nghệ An) hơn 39.
Năm 2020, Việt Nam trải qua thiên tai dị thường nhất trong hai thập niên với 14 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, đỉnh lũ lịch sử liên tiếp thiết lập, hạn mặn nghiêm trọng chưa từng có, sạt lở quy mô lớn khiến 132 người chết và mất tích.