Những thông tin mới được hé lộ thông qua đợt kiểm tra tài chính tại một số công ty chứng khoán thuộc ngân hàng thương mại vừa qua đã dấy lên lo ngại về nguy cơ rối loạn trên thị trường, khi hoạt động đầu tư chứng khoán có thể tiếp cận “vô tội vạ” nguồn tiền gửi.
Hoạt động của một số công ty chứng khoán đang được nhận định tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Thông tin được công bố trên báo chí từ ông Nguyễn Đoan Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước cho biết, sau đợt kiểm tra tài chính tại một số công ty chứng khoán “con” của các ngân hàng thương mại thì “phần hỗ trợ lớn và tiềm ẩn nhiều rủi ro nhất được ghi nhận ở công ty chứng khoán ngân hàng Nông nghiệp (Agriseco). Một số công ty chứng khoán trực thuộc khác cũng được kiểm tra như VietinbankSC, BSC. Thông tin chi tiết vẫn chưa được công bố cụ thể do quá trình kiểm tra đang tiến hành, nhưng ông Hùng cho biết các khoản vay của Agriseco chủ yếu được cung ứng thông qua các nghiệp vụ như môi giới, giao dịch trái phiếu.
Việc kiểm tra hoạt động vay nợ ở các công ty chứng khoán trực thuộc ngân hàng thương mại là một phần trong quá trình giám sát vốn tại các công ty chứng khoán nói chung được tiến hành từ cuối năm 2011. Theo thông tin từ ông Nguyễn Hồng Sơn, Vụ trưởng Vụ quản lý kinh doanh, riêng bộ phận này sẽ đi kiểm tra khoảng 20 công ty, trong đó tập trung vào các công ty “con” của khối ngân hàng thương mại và các công ty có tình hình tài chính yếu. Quá trình kiểm tra dự kiến sẽ hoàn thành trong cuối quý 3 năm nay.
Như vậy thị trường mong đợi sẽ có một bức tranh tương đối đầy đủ về tình trạng hỗ trợ vốn từ ngân hàng “mẹ” đối với các công ty chứng khoán “con”. Thực ra, nguồn tiền vay từ hệ thống ngân hàng chảy vào các công ty chứng khoán nói chung vẫn là một con số mơ hồ.
Theo nhận định của chuyên gia Fiachra Mac Cana từ công ty chứng khoán HSC, “trên thị trường cũng đang dấy lên những lo ngại xung quanh việc các ngân hàng mẹ cho các công ty con là các công ty chứng khoán vay vốn có thể gây ra những rối loạn nghiêm trọng trên thị trường, mặc dù điều này đã được biết đến từ trước. Công ty chứng khoán Thăng Long và SBS đã phải tái cơ cấu trong năm ngoái vì lý do này.
Tuy nhiên thị trường vẫn lo ngại các công ty chứng khoán khác có thể sẽ phải giảm quy mô hay mức độ margin nếu cũng phải tái cơ cấu như vậy. Trên thực tế, những công ty chứng khoán như Agriseco đã nhận thấy trước được điều này và có rất nhiều thời gian để chuẩn bị nguồn tiền mặt để ứng phó.
![]() |
Hệ lụy từ lạm dụng vốn vay nợ quá mức. Ảnh minh họa. |
Trường hợp của TLS (nay đã đổi tên thành MBS) và SBS là minh chứng rõ ràng nhất cho việc ngay cả những công ty chứng khoán quy mô lớn cũng có thể rơi vào vòng xoáy rủi ro của tình trạng lạm dụng vốn vay nợ quá mức. Nguồn vốn từ vay nợ thông thường được sử dụng cho dịch vụ cung cấp đòn bẩy tài chính đối với khách hàng, nhưng cũng có thể sử dụng cho chính hoạt động tự doanh. Bản chất của cả hai hoạt động này là rủi ro như nhau, trong đó không chỉ TLS hay SBS khốn đốn vì những khách hàng sử dụng đòn bẩy một cách liều mạng, mà nhiều công ty khác cũng lâm vào cảnh gần phá sản.
Tuy chỉ đứng trung gian lấy tiền của ngân hàng cho khách hàng vay đầu tư chứng khoán, nhưng khả năng kiểm soát rủi ro đối với hoạt động cho vay này là rất khó. Trường hợp phổ biến là khách hàng sử dụng đòn bẩy quá lớn, "cháy" tài khoản và "bỏ của chạy lấy người". Khối tài sản thế chấp không đủ để công ty trang trải nợ vay, thậm chí có những trường hợp gần như mất vốn do không thể thanh lý tài sản được trên thị trường.
Hạn chế nguồn vốn chảy từ hệ thống ngân hàng thương mại sang kênh chứng khoán cũng đã được thực hiện từ phía Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên Ủy ban chứng khoán Nhà nước cũng đang chuẩn bị cho một “bức tường lửa” riêng, với dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 27. Dự thảo này đã nhận được phản ứng khá “dữ” từ phía các công ty chứng khoán vì bị coi là can thiệp quá sâu vào hoạt động của họ.
Những rào cản kỹ thuật được đặt ra nhằm hạn chế tình trạng vay nợ của công ty chứng khoán được đặt ra. Chẳng hạn tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu không được vượt quá 3 lần (trước đây cho phép tới 6 lần). Nợ ngắn hạn chỉ cho phép tối đa bằng với tài sản ngắn hạn. Công ty chứng khoán chỉ được vay tiền từ các tổ chức tín dụng, trừ trường hợp phát hành trái phiếu hoặc vay đáp ứng nhu cầu vốn khẩn cấp (trước đây công ty có thể huy động lung tung bằng chiêu bài hợp tác đầu tư). công ty cũng không được dùng quá 40% vốn chủ sở hữu để đầu tư mua cổ phần hoặc góp vốn vào các tổ chức khác, quy định này trước đây không có.
Theo ông Nguyễn Hồng Sơn, việc siết chặt như vậy để đảm bảo chức năng chính của công ty chứng khoán là cung cấp dịch vụ, mà yêu cầu hàng đầu là đảm bảo an toàn tài chính để nâng cao chất lượng phục vụ: “Thực tiễn cho thấy các công ty vay nợ nhiều sẽ gặp rủi ro lớn. Hạn chế vay nợ cũng là thông lệ quốc tế. Thậm chí một số nước Châu Âu công ty chứng khoán chuyên cung cấp dịch vụ môi giới không được đi vay để đảm bảo thanh khoản”.
(Lao động)