Chị Ngọc, 30 tuổi, ở Hà Nội, đưa con đến một trung tâm dinh dưỡng khám ngay sau khi kết thúc năm học, đầu tháng 6. Con trai chị năm nay lên lớp 3 nặng 20 kg, chiều cao chưa đạt chuẩn. "Con tôi thấp còi nhất lớp, tôi lo lắng khi nhìn bạn bè cao hơn con cả cái đầu", chị Ngọc nói, thêm rằng cố tranh thủ mấy tháng hè giúp con tăng cân được chút nào hay chút đó.
Bác sĩ chẩn đoán bé biếng ăn, thấp còi, tư vấn thực đơn nhằm cải thiện chiều cao và cân nặng cho bé. Thực đơn được chia làm 5 bữa, gồm 3 bữa chính, 2 bữa phụ. Ngoài ra, bé được bác sĩ kê thêm men tiêu hóa, kẽm, sữa bột, bánh năng lượng cao... nhằm hỗ trợ, kích thích ăn uống. Chị tuân thủ thực đơn, nấu nướng cho con ăn. Mấy ngày đầu, con hợp tác, ăn uống đầy đủ, sang tuần thứ hai bắt đầu uể oải, sợ ăn, lại bị ép ăn khiến không khí gia đình thêm căng thẳng.
Tiến sĩ, bác sĩ Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Y học ứng dụng Việt Nam, Phó Tổng thư ký Tổng hội Y học Việt Nam, ghi nhận số trẻ đến các trung tâm dinh dưỡng khám do biếng ăn, suy dinh dưỡng tăng gấp hai vào mùa hè so với các tháng trước đó. Phần lớn cha mẹ đưa con đến khám với mục tiêu tăng cân hoặc tăng trưởng chiều cao.
Trẻ thiếu cân, chậm tăng cân thường đi kèm với chiều cao thấp, suy dinh dưỡng. Muốn tăng trưởng cả hai chỉ số này thì cần tăng khối lượng và chất lượng bữa ăn trong một số giai đoạn, theo bác sĩ Sơn. Tuy nhiên tăng khối lượng không đồng nghĩa với nhồi nhét thức ăn.
"Nhồi nhét ăn bất chấp con thích hay không khiến trẻ sợ ăn, dẫn tới tiêu hóa kém, rối loạn tiêu hóa, đau dạ dày, sang chấn tâm lý vì quá căng thẳng", bác sĩ Sơn nói. Nhiều trẻ bị ép đến mức nhìn thấy đồ ăn là đau quặn bụng, càng biếng ăn càng chậm tăng cân.
Vì vậy, khối lượng ăn cần được sắp xếp một cách khoa học theo thời gian biểu, thứ tự nhóm thức ăn trong ngày được tính toán kỹ lưỡng. Các loại men tiêu hóa, men vi sinh, vi khoáng được bổ sung một cách phù hợp theo từng giai đoạn để hỗ trợ quá trình tiêu hóa thức ăn, giúp trẻ ăn nhiều hơn nhằm tăng cân nặng, chiều cao một cách bền vững.
Cân nặng được xem là thước đo để đánh giá sự tăng trưởng và phát triển của trẻ. Bé chậm tăng cân, nhất là giai đoạn 5 năm đầu đời, có thể ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất, trí não, dễ mắc bệnh hơn trẻ cân nặng bình thường.
Biểu đồ tăng trưởng là một công cụ để theo dõi cân nặng và chiều cao của trẻ so với chuẩn. Bác sĩ Sơn khuyên khi người nhà theo dõi sát chỉ số cân nặng của trẻ, nếu ở mức dưới chuẩn so với độ tuổi, hoặc chững cân sau một thời gian là dấu hiệu cảnh báo.
"Theo dõi biểu đồ tăng trưởng, trẻ cân nặng dưới mức -1SD người nhà cần tìm biện pháp cải thiện sớm cho con, không nên đợi đến khi suy dinh dưỡng nhẹ cân mới can thiệp", bác sĩ Sơn nói.
Để tăng cân đúng cách cho con, cần chia nhỏ khẩu phần ăn và tăng số lượng bữa ăn trong ngày. Mỗi bữa ăn cách nhau 2-3 giờ để đảm bảo dạ dày bé tiêu hóa hết thức ăn, đồng thời thời gian vừa đủ để khiến bé đói và hào hứng ăn khi đến bữa tiếp theo. Cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho trẻ, chọn thực phẩm có protein và chất béo tốt.
Chất béo cung cấp năng lượng cao gấp đôi so với chất đạm và chất bột, giúp cơ thể hấp thu vitamin tan trong dầu (vitamin A, D, E, K rất cần cho phát triển xương, mắt) và cung cấp các acid béo no cần thiết. Do vậy, khi chế biến nên thêm lượng dầu, mỡ để đảm bảo đủ nhu cầu năng lượng tăng cao của trẻ. Mỡ gà chứa 18% acid béo chưa no rất tốt cho sự hấp thu của trẻ, đồng thời giàu acid béo no cần cho quá trình chuyển hóa.
Sữa giàu đạm với acid amin, nhiều canxi hữu cơ và các yếu tố vi lượng cơ thể rất dễ hấp thu. Nên cho trẻ uống sữa, ăn pho mát mềm, ăn sữa chua. Trứng gà là thức ăn bổ, rất tốt cho trẻ em. Trong trứng có nhiều chất đạm, béo, muối khoáng và các loại vitamin. Trẻ em thường không bị cholesterol máu cao, vì thế cho trẻ ăn hàng ngày 1-2 quả trứng rất tốt cho sức khỏe.
Hoa quả ngọt chứa nhiều các acid hữu cơ có tác dụng kích thích tiêu hóa. Dứa có men bromelin, đu đủ có men papain giúp trẻ tiêu hóa tốt thức ăn. Cho trẻ ăn chuối, hồng xiêm khi tiêu chảy và rối loạn tiêu hóa. Nên cho trẻ ăn đa dạng quả để có được nhiều loại vitamin và khoáng, nhất là hoa quả chín ngọt nhiều đường fructose cao năng lượng và dễ hấp thu.
Tránh các thực phẩm giàu năng lượng nhưng ít dinh dưỡng dù chúng có thể khiến trẻ tăng cân nhanh, ví dụ đồ ăn vặt có lượng calo rỗng gồm kẹo, khoai tây chiên và nước ngọt. Hạn chế vừa ăn vừa uống trong bữa ăn. Cho trẻ uống đủ nước giúp tăng cường trao đổi chất, hỗ trợ tiêu hóa và ngăn ngừa táo bón.
Trẻ vận động thường xuyên sẽ tiêu hao nhiều năng lượng, có cảm giác thèm ăn, từ đó ăn nhiều hơn và hấp thu dưỡng chất một cách hiệu quả. Tẩy giun định kỳ. Cải thiện hệ tiêu hóa bằng men vi sinh giúp bổ sung lợi khuẩn probiotics và chất xơ hòa tan từ thực vật prebiotics.
Lê Nga