Báo cáo của Oriental Consultants - đơn vị tư vấn giám sát của công trình hầm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn cho biết, trong khu vực bề mặt của bản đỉnh (mặt trần hầm), nhiều thiết bị đã được lắp đặt bằng các bù lông neo (thiết bị dùng để kết nối dây cáp với hầm phục vụ công tác cân chỉnh và dìm hầm xuống sông). "Chúng tôi cho rằng khoảng trống giữa bêtông và những bù lông neo này cùng ống thổi cát (ống được lắp đặt dùng để thổi cát xuống phía dưới đáy hầm cố định hầm sau này) là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng thấm nước hoặc ẩm của bề mặt bêtông", đơn vị tư vấn giám sát nhận định.
![]() |
Vết thấm được phủ bằng sơn trong đường hầm Thủ Thiêm. Ảnh: Kiên Cường |
Ngày 7-10/3, đốt hầm Thủ Thiêm đầu tiên đã được lai dắt và dìm xuống sông Sài Gòn. Một tháng sau, đến lượt đốt thứ hai. Tuy nhiên, sau nhiều ngày nằm dưới nước, hôm 27/4 hai đốt hầm được phát hiện có hiện tượng thấm cục bộ nhìn thấy bằng mắt thường.
Nhà thầu dự án phân ra 3 tình trạng. Thứ nhất, hiện tượng ẩm phía trong hầm làm cho bề mặt bê tông đổi màu. Thứ hai, hiện trạng thấm, nếu chạm vào bề mặt bê tông sẽ thấy có nước. Cuối cùng là rò rỉ, bê tông đổi màu và nước sẽ nhỏ giọt xuống dọc theo tường.
Trong buổi kiểm tra ngày 27/4 về tình trạng thấm nước, tư vấn giám sát đã kết luận: đốt 1 có 3 vị trí trong tình trạng ẩm ở bản đáy, hơn 30 vị trí ẩm và thấm ở bản đỉnh và khoảng 13 vị trí ở tường. Đốt 1 không có hiện tượng rò rỉ nước.
Đốt thứ 2 sau khi dìm một thời gian thì tình trạng thấm nước xấu hơn đốt đầu tiên. Cụ thể, bản đáy có 3 vị trí bị ẩm nhưng bản đỉnh lại có tới hơn 50 vị trí ẩm, thấm cả tường trong lẫn bên ngoài (trong đó khoảng 20 vị trí bị thấm). Phía tường bên của đốt này có khoảng 30 vị trí thấm - ẩm, khoảng một nửa trong số đó bị thấm nước, đa số vị trí này đều xảy ra tại mối nối thi công.
Trước tình hình thấm nước trong 2 đốt hầm trên, tư vấn giám sát đã yêu cầu phải dỡ bỏ các lớp sơn phủ trên vị trí thấm nước để tiếp tục theo dõi tình trạng thấm phát triển. Sau đó, nhà thầu phải quan trắc tình trạng thấm nước bên trong hầm, tư vấn giám sát sẽ nghiên cứu nguyên nhân và các biện pháp khắc phục thấm nước.
"Vấn đề quan trọng là tiếp tục theo dõi để đưa ra các biện pháp khắc phục phù hợp cho việc thấm nước này", đơn vị tư vấn giám sát khẳng định.
Trao đổi với VnExpress.net về nguyên nhân ban đầu hiện tượng thấm nước theo báo cáo của tư vấn giám sát, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án Đại lộ Đông Tây cho biết các vấn đề về kỹ thuật đã được báo cáo đầy đủ lên Hội đồng nghiệm thu nhà nước. "Đương nhiên, công trình hoàn thành thì phải đạt chất lượng", ông Phúc nói.
Hầm Thủ Thiêm là công trình ngầm vượt sông đầu tiên ở Việt Nam thuộc dự án Đại lộ Đông - Tây ở TP HCM và là hầm vượt sông lớn nhất Đông Nam Á. Mặt cắt ngang hầm rộng 33,3 m bao gồm hai hướng lưu thông với 3 làn xe mỗi bên. Vận tốc thiết kế cho phép xe chạy trong hầm là 60 km một giờ. Tháng 8/2008, báo cáo của Hội đồng nghiệm thu nhà nước cho thấy, ngay từ tháng 5 năm, khi các đốt hầm được đúc xong, ở hai vách và nắp đã xuất hiện nhiều vết rạn kéo dài từ 2 đến 3 m, bề rộng lớn nhất của vết nứt đến 1 mm. Ngày 15/6/2009 công tác sửa chữa các vết nứt mới bắt đầu và kết thúc sau hai tháng rưỡi. Cuối tháng 12/2009, Hội đồng nghiệm thu nhà nước cho phép tiến hành các bước tiếp theo bơm nước vào bể đúc để kiểm tra thả nổi, khả năng chống thấm. Ngày 7/3 đến 10/3 đốt hầm Thủ Thiêm đầu tiên đã được lai dắt từ bãi đúc Nhơn Trạch đến vị trí dìm tại khu vực gần cầu Khánh Hội, quận 1 và nối thông đường dẫn quận 2. Ngày 5-6/4, đốt thứ hai được lai dắt, dìm và nối thông với đốt đầu tiên. Ngày 28/4, báo cáo của Hội đồng nghiệm thu nhà nước cho biết hai đốt hầm số 1 và số 2 dưới đáy sông đã xuất hiện hiện tượng thấm cục bộ nhìn thấy bằng mắt thường tại đầu đốt số một, đầu đốt số 2 trong vị trí bản nắp hầm, gần sát vành thép của mỗi đốt và tại một vài vết nứt đứng thành hầm. Ngày 5-6/5, đốt hầm thứ 3 đã được lai dắt và dìm, nối thông 3 đốt hầm với nhau dưới sông Sài Gòn. Dự kiến ngày 4-5/6, đốt cuối cùng sẽ được lai dắt và dìm. Hầm Thủ Thiêm có thể được hợp long vào tháng 8 năm nay. Toàn tuyến Đại lộ Đông Tây được thông xe vào Tết Nguyên đán 2011. |
Kiên Cường