Tại cuộc họp diễn ra vào tuần trước, nhà thiết kế tên lửa cấp cao Gu Mingkun từ Viện Công nghệ Phương tiện Phóng Trung Quốc, cho biết tên lửa thế hệ mới Trường Chinh 9 sẽ là một phương tiện phóng ba tầng và cao khoảng 110 m, trong đó tầng nóng cốt có đường kính lên tới 10 m.
Tên lửa sẽ có tổng trọng lượng cất cánh khoảng 4.000 tấn và lực đẩy gần 6.000 tấn, đủ mạnh để vận chuyển tàu vũ trụ nặng tới 50 tấn từ Trái Đất lên Mặt Trăng cho các sứ mệnh tương lai, chẳng hạn như xây dựng một cơ sở nghiên cứu khoa học quy mô lớn hoặc khai thác mỏ.
Trường Chinh 9 cũng có thể gửi tàu vũ trụ để thực hiện các nhiệm vụ trong không gian sâu, bao gồm cả một dự án đầy tham vọng là đưa các phi hành gia Trung Quốc lên sao Hỏa, Gu nói.
Ngoài cấu hình cơ bản, Viện Công nghệ Phương tiện Phóng Trung Quốc cũng đã xác định cấu trúc của một cấu hình khác dành cho các chuyến bay vũ trụ đến quỹ đạo thấp của Trái Đất.
Cấu hình thứ hai này sẽ có hai tầng, ngắn hơn so với cấu hình cơ bản. Nó có khả năng triển khai tàu vũ trụ với tổng trọng lượng 150 tấn lên quỹ đạo Trái Đất tầm thấp cách mặt đất vài trăm km.
Nhà thiết kế cho biết tầng đẩy đầu tiên của tên lửa - trên cả hai mẫu - đều có lực nâng mạnh nhất và có thể tái sử dụng, giúp giảm đáng kể chi phí vận hành.
Khi Trường Chinh 9 đi vào hoạt động, khả năng mang trọng tải của nó sẽ gấp hơn 5 lần so với Trường Chinh 5, tên lửa mạnh nhất hiện nay của Trung Quốc.
"Trường Chinh 9 sẽ giúp mở rộng phạm vi tiếp cận của nhân loại bên trong hệ Mặt Trời và thiết lập một tương lai chung trong không gian vũ trụ cho tất cả mọi người", Gu nhấn mạnh. "Công việc thiết kế và sản xuất tên lửa sẽ thúc đẩy một số lĩnh vực kỹ thuật bao gồm vật liệu hiệu suất cao tiên tiến và linh kiện điện tử quan trọng".
Hiện tại, danh hiệu tên lửa lớn nhất và mạnh nhất thế giới thuộc về Hệ thống Phóng Không gian (SLS) do NASA phát triển. Tên lửa cao 98 m này đã thực hiện chuyến bay đầu tiên vào ngày 16/11 và cũng có nhiều cấu hình.
Đoàn Dương (Theo China Daily)