Tại hội nghị nhóm cổ đông để đưa ra chiến lược "đầu tư vì sinh viên và cộng đồng" do Ban HĐQT mới của ĐH Hoa Sen tổ chức hôm 10/9, ông Lưu Tiến Hiệp - người được bầu làm Chủ tịch HĐQT mới của ĐH Hoa Sen - nêu ra nhiều bất cập trong vấn đề quản lý và điều hành của nhà trường.
Ông Hiệp cho rằng Chủ tịch HĐQT đương nhiệm là ông Trần Văn Tạo không có kinh nghiệm quản lý đại học hay quản lý doanh nghiệp. HĐQT có 7 thành viên thì đã có tới 3 thành viên làm kiêm luôn bên Ban giám hiệu nhà trường. Chính vì vậy vai trò "lập pháp" và "hành pháp" của Ban giám hiệu gần như nhập chung, không có sự tách bạch rõ ràng và không thể quản lý giám sát lẫn nhau.
"Chính cơ cấu nhập nhằng này đã dẫn tới nhiều vấn đề bất thường của Ban HĐQT hiện tại. Đó là thiếu minh bạch về tài chính và trách nhiệm giải trình khi có những sai phạm xảy ra", ông Hiệp nói và dẫn ra hàng loạt cái được cho là sai phạm của trường như việc Ban giám hiệu và HĐQT không báo cáo cho cổ đông biết việc thành lập Công ty Vĩnh An, nhập nhằng trong khoản thu 119 tỷ đồng của trường; Hiệu trưởng đồng thời cũng là Phó chủ tịch HĐQT nên dẫn tới việc lạm quyền...
Theo ông Hiệp, để khắc phục những "lỗ hổng" này cần phải thay đổi lại hệ thống quản lý, tách bạch riêng 3 bộ phận chính ở trong trường gồm Ban giám hiệu, Ban HĐQT và Ban kiểm soát. Cụ thể, làm hiệu trưởng thì sẽ không được tham gia vào HĐQT; ĐH Hoa Sen vẫn tiếp tục duy trì 7 thành viên trong HĐQT mới trong đó có tới 6 người chỉ có cổ phiếu dưới 0,3-0,4%. Đồng thời chủ tịch phải là người có nhiều năm kinh nghiệm quản lý đại học..
"Những lùm xùm gần đây của ĐH Hoa Sen đã khiến uy tín của trường bị ảnh hưởng và chúng tôi cần phải khắc phục điều này", ông Hiệp kết luận.
Cũng tại hội nghị, nhiều vấn đề khúc mắc của ĐH Hoa Sen từ trước tới nay được một số thành viên trong nhóm cổ đông 30% này đề ra là: chiến lược phát triển ĐH Hoa Sen như đầu tư giáo dục lâu dài, phát triển ĐH Hoa Sen bền vững, tăng học bổng cho sinh viên...
Trong đó việc đề xuất giữ lại 119 tỷ đồng (khoản tiền thu trước học phí của sinh viên) của các thành viên trong Ban HĐQT cũ bị cho là một sai phạm nghiêm trọng của Ban giám hiệu. Một đại diện của HĐQT mới cho rằng số tiền này bị giấu trong nhiều năm và khi bị phát hiện thì Ban giám hiệu lại dùng nhiều lý do để né tránh. "Không thể dùng khoản tiền này để mua lại cổ phần của các cổ đông nhằm chuyển Hoa Sen qua 'phi lợi nhuận' được. Cái này cần phải có thông tư hướng dẫn và phải thông qua cổ đông. Hơn nữa hiện nay vẫn chưa đủ cơ sở định giá được cổ phần của ĐH Hoa Sen bao nhiêu để mua lại", ông này nói.
Còn bà Phạm Thị Thủy, nguyên phó hiệu trưởng của trường thì cho rằng, sau khi xây xong cơ sở mới ở đường Nguyễn Văn Tráng (quận 1), ĐH Hoa Sen còn nợ hơn 100 tỷ đồng nhưng không dùng số tiền này để trả nợ mà lại đi mua cổ phần để "phi lợi nhuận" hóa ĐH Hoa Sen như đề nghị của ông Trần Văn Tạo - Chủ tịch HĐQT cũ.
Trước ý kiến cho rằng cần phải vì định hướng phát triển phi lợi nhuận ĐH Hoa Sen mới được Nhà nước hỗ trợ cấp đất miễn phí tại cơ sở Nguyễn Văn Tráng và Quang Trung (quận Gò Vấp), bà Thủy phủ nhận hoàn toàn.
Bà này cho rằng việc hỗ trợ này rất nhiều trường ĐH khác được hưởng gói vốn kích cầu phát triển giáo dục của Chính Phủ chứ không riêng gì ĐH Hoa Sen. Mặt khác, việc cổ phần hóa của ĐH Hoa Sen được thực hiện từ năm 2006 nên không có chuyện trường được cho không đất ở cơ sở Nguyễn Văn Tráng.
"Lúc đó chính sách đất cấp cho giáo dục là đất không đóng quyền sử dụng. Đất này được cấp sổ đỏ cho trường sử dụng trong 50 năm. Nếu ĐH Hoa Sen cổ phần hóa hoạt động theo cơ chế của một doanh nghiệp thì khi cổ phần hóa thì chỉ tính tài sản trên đất", bà Thủy phân tích và cho biết thêm nếu sử dụng sai thì khoản đất này mới bị nhà nước thu lại, việc cổ phần hóa có sự tham dự quản lý của các cơ quan chức năng.
Mâu thuẫn nội bộ ĐH Hoa Sen xảy ra khi tại đại hội cổ đông thường niên năm 2013 nhóm 30% cổ đông này muốn trường hoạt động theo cơ chế cũ, việc chia cổ tức hàng năm dựa vào biểu quyết của cổ đông trong đại hội. Tuy nhiên theo Luật giáo dục năm 2013 thì trường phải chuyển qua hoạt động theo mô hình “không vì lợi nhuận", với mô hình này thì tỉ lệ cổ tức hằng năm lại không được vượt quá lãi suất trái phiếu chính phủ.
Từ những bất đồng này, ngày 2/8 nhóm 30% cổ đông đã tiến hành đại hội cổ đông bất thường. Tại đại hội 5/7 thành viên cũ của HĐQT ĐH Hoa Sen đều bị miễn nhiệm và nhóm này bầu ra HĐQT và Ban kiểm soát mới của trường. Tuy nhiên, mới đây Sở Giáo dục - Đào tạo TP HCM đã có văn bản không công nhận HĐQT và Ban kiểm soát mới này do được tổ chức chưa đúng quy trình, nhiều cồ phần của trường đang trong tình trạng tranh chấp.
Phát biểu trong cuộc gặp gỡ báo chí hồi đầu tháng 8, hiệu trưởng trường đại học Hoa Sen - bà Bùi Trân Phượng - cho rằng những mâu thuẫn ở đơn vị này đều bắt nguồn từ tài chính. Theo bà Phượng, động cơ và lòng tham của nhiều người bắt đầu lộ ra khi cơ quan này tổ chức đại hội cổ đông thường niên năm 2013. Tại đây, nhiều cổ đông đòi chia cổ tức bằng tiền mặt lên tới 30%, thậm chí là 35% lợi nhuận. Trong khi những năm trước đó, mức chia này chỉ khoảng 5% trở lại. Cuối cùng đại hội buộc phải thông qua việc trả cổ tức tới 20%. Đây là mức cao nhất từ trước tới nay. “Đây cũng là lý do việc chuyển đổi mô hình lợi nhuận sang hoạt động không vì lợi nhuận chưa tìm ra tiếng nói chung”, bà Phượng nói.
Thi Hà - Nguyễn Loan