Theo HĐND thành phố, kỳ họp chuyên đề diễn ra trong một ngày. Các đại biểu sẽ xem xét tờ trình về danh mục dự án nâng cấp, mở rộng các tuyến đường hiện hữu, áp dụng hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) với tổng mức đầu tư hơn 37.000 tỷ đồng, thực hiện trong giai đoạn 2023-2030.
Cụ thể, có 5 dự án được UBND thành phố đề xuất triển khai, gồm: mở rộng quốc lộ 13 (từ ngã tư Bình Phước đến cầu Bình Triệu) dài 4,6 km; nâng cấp quốc lộ 1 (đoạn từ An Lạc đến ranh tỉnh Long An) dài 9,6 km; nâng cấp quốc lộ 22 (đoạn từ nút giao An Sương đến Vành đai 3) dài 9,1 km; mở rộng trục Bắc -Nam (từ Nguyễn Văn Linh đến nút giao cầu Bà Chiêm) dài 7,5 km và xây dựng cầu - đường Bình Tiên (đoạn từ Phạm Văn Chí đến Nguyễn Văn Linh) dài 3,2 km.
HĐND thành phố cũng xem xét, thảo luận thông qua tờ trình thành lập Sở An toàn thực phẩm thành phố. Khi được lập, đây sẽ là cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND TP HCM, có chức năng tham mưu, quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn.
Trước đó, thành phố đã có hơn 6 năm thực hiện thí điểm hoạt động Ban quản lý an toàn thực phẩm TP HCM, từ tháng 12/2016. Theo đánh giá, đơn vị này vẫn còn nhiều hạn chế về chức năng, quyền hạn so với sở, nhiều quy định chưa có đã cản trở hoạt động của ban. Do đó, việc chuyển từ Ban lên Sở sẽ giúp đơn vị tháo gỡ nhiều khó khăn và phát huy tối đa hiệu quả hoạt động.
Tại kỳ họp này, HĐND thành phố cũng sẽ xem xét tờ trình quy định chức năng, nhiệm vụ các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND TP Thủ Đức. Theo đó, TP Thủ Đức sẽ tổ chức lại và đổi tên 5 cơ quan chuyên môn do chuyển chức năng, nhiệm vụ qua lại với nhau; thành lập 3 tổ chức hành chính mới trực thuộc UBND TP Thủ Đức gồm Phòng Giao thông công chính, Thanh tra xây dựng, Trung tâm phục vụ hành chính công.
Như vậy, UBND TP Thủ Đức sẽ có 16 phòng chuyên môn thực hiện chức năng quản lý nhà nước, nhiều hơn 6 so với quy định chung của UBND cấp huyện.
Ba nội dung trên đều được thực hiện theo Nghị quyết 98 về một số cơ chế, chính sách đặc thù cho TP HCM được Quốc hội thông qua hôm 24/6. Nghị quyết gồm các chính sách mới lần đầu được quy định về đầu tư, tài chính ngân sách, quản lý đất đai, quy hoạch và tổ chức bộ máy. Nghị quyết cũng gồm một số chính sách đã được quy định tại Nghị quyết 54 và các cơ chế đặc thù đã áp dụng tại các địa phương khác.
Ngoài ra, kỳ họp chuyên đề của HĐND thành phố cũng sẽ xem xét gần 100 tờ trình của UBND TP HCM liên quan đến số lượng cán bộ, công chức tại xã, phường, thị trấn; quy định mức chi triển khai đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025"; dự án cải tạo một số trường học; điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025...
Lê Tuyết