Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Vũ Văn Hậu. Ảnh: HH |
Nghị quyết 07 về chương trình cải tạo các chung cư cũ đã được HĐND thành phố thông qua cách đây 1 năm, song hiện nay, các dự án vẫn chưa có cơ chế cụ thể để thực hiện. Theo ông Vũ Văn Hậu, vướng mắc của chương trình này là do dự án xây chung cư cao tầng trên nền diện tích cũ sẽ tăng hệ số sử dụng đất hơn 5 lần, mật độ xây dựng 40-50% (chênh so với quy định của Bộ Xây dựng là hệ số sử dụng đất 3 lần, mật độ 30-40%).
"Doanh nghiệp đầu tư không đủ hoàn vốn khi cải tạo nhà nếu thực hiện theo đúng quy định. Họ cần được phép tăng hệ số sử dụng đất 5 lần", ông Hậu nói.
Vướng mắc khác gây trì hoãn việc xây mới là phần lớn hộ dân tầng 1 và các hộ lấn chiếm trong khu chung cư không đồng ý di dời lên tầng trên. Nhiều hộ dân khác không có khả năng chi trả nếu họ phải trả thêm diện tích ở tại chung cư mới. Theo ông Hậu, 17 ngôi nhà nguy hiểm ở ngoài đê sông Hồng hiện vẫn chưa thể xây mới vì Luật đê điều vẫn quy định cấm xây dựng ngoài đê.
Với kinh nghiệm của một nhà kiến trúc đô thị, đại biểu Trần Trọng Hanh tỏ ý chưa thoả mãn với giải trình của Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Nhà đất. Theo ông, xây chung cư cao tầng phải cải thiện đường, hệ thống nước sạch, chiếu sáng, cảnh quan... để hài hoà với tổng thể đô thị. "Nếu thành phố không thể thay đổi hạ tầng đô thị thì không nên xây chung cư mới", ông Hanh cương quyết.
Đại biểu Nguyễn Khắc Thọ cho rằng, lãnh đạo Sở chưa nói rõ điều mà chủ đầu tư quan tâm là cơ quan nào sẽ đầu tư phần hạ tầng khu vực và liên khu vực chung cư. Ông Nguyễn Đức Biền tỏ vẻ bức xúc khi thành phố không có động thái gì trước tình trạng xập xệ của 17 căn nhà gỗ ở ngoài đê sông Hồng trong mùa mưa bão. Ông đòi hỏi phải quy trách nhiệm khi tính mạng và tài sản của dân đang bị đe doạ.
Tuy nhiên, hầu hết những câu hỏi mà đại biểu đặt ra chưa được trả lời thoả đáng. Ông Hậu chỉ cho biết, không thể quy trách nhiệm khi chậm cải tạo các ngôi nhà gỗ vì... rất khó.
Các đại biểu chất vấn. Ảnh: HH |
Bức xúc trước tình trạng tham nhũng, tiêu cực về sử dụng đất, đại biểu Ngô Văn Ny đề nghị làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm, hướng giải quyết vụ quan chức bán đất rừng Sóc Sơn và tình trạng bao che cho chủ trang trại Xuân Thủy xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp.
Ông Vũ Văn Hậu cho rằng, tất cả diện tích chuyển mục đích tại Sóc Sơn là 7 ha, trong khi cháy rừng trong cả nước hàng năm mất hàng chục ha. Do vậy, diện tích rừng bị phá ở Sóc Sơn là không đáng lo ngại. Theo ông, trách nhiệm để xảy ra vụ việc này là chính quyền địa phương.
Trang trại Xuân Thủy tại Từ Liêm đã tự chuyển mục đích sử dụng đất hiện đã phải dừng thi công. Ông Hậu cho biết, trước đó, khi dự án này tiến hành đã có cam kết là không được đền bù nếu thành phố thu hồi. Do vậy, thành phố không bị thiệt hại gì sau khi sự việc này xảy ra.
Trước ý kiến một số dự án đặt mục đích xây dựng nhà cho sinh viên thuê rồi biến tướng cho thuê dịch vụ, karaoke, hoặc bán cho dân, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường phủ định thông tin này và cho rằng, các đơn vị kinh doanh nhà quản lý tầng 1 của khu chung cư khá chặt chẽ, tầng 1 chỉ khai thác làm chỗ để xe, hội họp cho khu dân cư. Chỉ ít nơi chưa khai thác thì mới dùng cho thuê, hộ thuê phải đóng tiền thuê đầy đủ.
Bỏ ngỏ thời gian hoàn thành 3 công viên lớn
Phó chủ tịch Đỗ Hoàng Ân. Ảnh: HH |
Đại biểu Nguyễn Hoài Nam và Bùi Thị An đã chất vấn ông Đỗ Hoàng Ân về nguyên nhân để chủ đầu tư không đủ năng lực thực hiện dự án, gây chậm tiến độ dự án và yêu cầu quy trách nhiệm cá nhân.
Phó chủ tịch thành phố cho rằng, cách đây 7 năm chưa có quy chế lựa chọn chủ đầu tư nên đã phải chỉ định chủ đầu tư, như ở công viên Đống Đa, công viên Tuổi Trẻ. Để giải quyết tình trạng này, thành phố sẽ rà soát năng lực của chủ đầu tư, nếu không đủ điều kiện sẽ thay đổi.
Về câu hỏi thời điểm hoàn thành 3 công viên, ông Ân cho rằng thành phố sẽ ráo riết đôn đốc thực hiện, còn thời gian cụ thể thì không thể trả lời.
Đoàn Loan