Sáng 15/12, trong phiên chất vấn của HĐND tỉnh Hà Tĩnh, ông Nguyễn Trí Lạc - Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội nhận được nhiều câu hỏi về việc hàng chục nghìn người Hà Tĩnh cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài.
Theo báo cáo tại phiên họp, Hà Tĩnh có hơn 67.000 người đang làm việc ở nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Angola..., ngoại tệ gửi về nước 4.500 tỷ đồng mỗi năm. Trong đó, hơn 35.000 người đang làm việc bất hợp pháp, bao gồm các trường hợp vi phạm hợp đồng cư trú, di cư tự do không có giấy phép lao động của nước sở tại.
Đại biểu Đào Thị Anh Nga (thị xã Hồng Lĩnh) nêu, số lao động Hà Tĩnh vi phạm hợp đồng khi đang làm việc ở nước ngoài và bỏ về nước khi chưa hết hợp đồng chiếm 50% toàn quốc. Nhiều doanh nghiệp lợi dụng giấy đăng ký kinh doanh của Sở Kế hoạch và Đầu tư, giấy phép du học do Sở Giáo dục và Đào tạo cấp để tư vấn đưa người đi xuất khẩu lao động trái phép.
"Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chưa nêu rõ vấn đề xử lý lao động vi phạm, cũng như việc thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp lợi dụng giấy phép", bà Nga nói.
Trả lời đại biểu, ông Nguyễn Trí Lạc cho rằng một số nước tuy không khuyến khích lao động cư trú bất hợp pháp, nhưng không quyết liệt dẹp bỏ. "Muốn chấm dứt tình trạng này rất khó, vì chính quyền địa phương không thể quản lý được người dân đi đâu. Đây là vấn đề cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị", ông nói.
Bà Đào Thị Anh Nga ngắt lời, bày tỏ không hài lòng trước câu trả lời chưa thỏa đáng của của ông Lạc. "Chất vấn của tôi về việc thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp vi phạm trong lĩnh vực xuất khẩu lao động; xử phạt lao động vi phạm hợp đồng là nội dung rất quan trọng song không được đề cập", bà Nga nói.
Đại biểu Trần Hậu Tám (huyện Hương Sơn) cũng đứng dậy đề nghị lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Công an tỉnh trả lời câu hỏi "có hay không đường dây ngầm đưa người ra nước ngoài trái phép trên địa bàn?". Theo ông, đây là vấn đề quan trọng, cử tri rất quan tâm, nhất là sau vụ 39 người Việt Nam tử vong trong xe container ở Anh hôm 23/10, trong đó có 10 lao động đến từ Hà Tĩnh.
Ông Nguyễn Trí Lạc xin lỗi các đại biểu vì "hỏi nhanh quá nên tôi không nghe hết". Theo ông, trong tỉnh chỉ có duy nhất một công ty xuất khẩu lao động đủ chức năng đưa người ra nước ngoài làm việc, còn các doanh nghiệp và điểm tư vấn khác (nếu có) đều hoạt động trái phép. Vừa qua lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tổng kiểm tra toàn bộ công ty xuất khẩu lao động trên địa bàn, "song việc này cần thời gian, vì khi thanh tra, xử lý rất đụng chạm".
"Theo quy định, lao động vi phạm hợp đồng, bỏ trốn bị phạt 80 đến 100 triệu đồng. Nhưng họ đang ở nước ngoài, không về Việt Nam nên cơ quan chức năng không thể xử lý. Chỗ này luật pháp có kẽ hở", ông Lạc nói.
Kết thúc phiên chất vấn, ông Lê Đình Sơn - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, phần trả lời của ông Lạc còn "lòng vòng, chưa thỏa mãn yêu cầu của đại biểu".
Kỳ họp HĐND tỉnh Hà Tĩnh diễn ra từ ngày 13 đến 15/12.
Quá trình điều tra vụ 39 người Việt Nam tử vong trong xe container ở Anh hôm 23/10, nhà chức trách Việt Nam đã bắt 11 nghi phạm liên quan đường dây môi giới đưa lao động sang Anh trái phép, trong đó có 9 người Nghệ An và hai người Hà Tĩnh.