Ông Phạm Quốc Thanh - Tổng giám đốc HDBank cho biết, trong chiến lược tập trung phát triển kinh tế địa phương và các ngành hàng chủ lực, đơn vị thiết kế danh mục sản phẩm - dịch vụ dành cho lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn, tăng tỷ trọng đóng góp cho ngân hàng.
"Kết hợp loạt ưu đãi, các gói tài chính chuyên biệt của nhà băng thể hiện sức hút với khách hàng, tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh", ông Thanh chia sẻ.
Theo đó từ nhiều năm nay, đơn vị xây dựng, phát triển sản phẩm cho vay dành riêng cho nông nghiệp với khoản tín dụng không giới hạn từ 50 triệu đồng. Các gói có thời hạn vay và phương thức trả nợ linh hoạt, chứng từ đơn giản, hỗ trợ đơn vị tiếp cận gói phù hợp với nhu cầu sản xuất và phát triển kinh tế. Nhà băng đưa ra nhiều mức ưu đãi về phí và lãi suất cho vay dành cho khách hàng cá nhân, doanh nghiệp hoạt động trong nhiều lĩnh vực chuyên biệt: kinh doanh tiêu, cà phê, điều, lúa gạo...
Đơn cử, đầu tháng 3, ngân hàng vừa giải ngân hạn mức tín dụng gần 5.000 tỷ đồng cho công ty Lộc Trời với mục đích bổ sung vốn lưu động (thanh toán, tạm ứng tiền mua lúa, gạo); bảo lãnh cho các đại lý, phát hành LC, tài trợ xuất khẩu sau giao hàng phục vụ hoạt động kinh doanh xuất khẩu lương thực. Đợt giải ngân mới này tạo nguồn vốn kịp thời cho doanh nghiệp trong mùa cao điểm thu hoạch vụ Đông Xuân 2023-2024 tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Gói tín dụng kết hợp chương trình tài trợ chuỗi hiện hữu của Lộc Trời, giúp nông dân và doanh nghiệp thuộc chuỗi giá trị nông nghiệp có thêm nguồn vốn sản xuất kinh doanh. Các thành viên còn có điều kiện thực hiện dự án chuyển đổi cơ cấu canh tác phù hợp, đảm bảo phát triển nông nghiệp bền vững.
Trước đó, tháng 12/2023, tại sự kiện ra mắt dịch vụ HDBank nông thôn với sản phẩm nổi bật là App HDBank Nông thôn, nhà băng đã triển khai ưu đãi "Cho vay nông nghiệp nông thôn". Ưu đãi dành cho cá nhân đăng ký khoản vay mới thông qua chương trình cộng tác viên trên ứng dụng. Ngân hàng áp dụng lãi suất cho vay 0% một năm trong tháng đầu tiên; 4,5% một năm trong 6 tháng; 6,5% một năm trong 12 tháng đầu và 8,5% một năm trong 24 tháng đầu.
Với chiến lược cho vay theo chuỗi liên kết, HDBank cùng các doanh nghiệp và nông dân nắm bắt cơ hội tăng trưởng trong thị trường gạo đầy tiềm năng. Có vốn, doanh nghiệp sẽ mạnh dạn đầu tư, tổ chức sản xuất ở quy mô để tận dụng cơ hội trong bối cảnh giá lúa gạo cũng như nhu cầu tăng cao trên thế giới.
Ông Phạm Quốc Thanh nhấn mạnh việc hướng dòng vốn lớn vào chuỗi nông nghiệp, nông thôn là một trong các nội dung quan trọng trong chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, từ nhiều năm trước HDBank đã nhận thấy, bên cạnh sức hấp thụ vốn tốt, khu vực nông nghiệp và nông thôn sẽ tạo cơ hội để phát triển các giải pháp trong quản lý dòng tiền và cho vay theo chuỗi, triển khai những tiện ích công nghệ và số hóa.
Với tầm nhìn đó, đơn vị triển khai tài trợ các chuỗi có quy mô lớn như chuỗi Lộc Trời, chuỗi CP, chuỗi Unilever... Đây cũng chính là "big data" (dữ liệu lớn) để lượng khách hàng số, giao dịch trên kênh số của HDBank tăng nhiều lần chỉ vài năm qua. Đây cũng là một hoạt động tích cực của đơn vị trong chiến lược thực thi ESG.
Đến nay, để xây dựng mô hình số, nhà băng đã phát triển website HDBank 63 tỉnh thành; ra mắt HDBank nông thôn; hợp tác Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Agritrade) và TikTok Việt Nam để cùng triển khai Chương trình quốc gia Mỗi xã một sản phẩm (OCOP)...
"Trong hành trình bền bỉ đồng hành cùng ngành sản xuất chủ lực của đất nước, chúng tôi kỳ vọng góp phần mở ra bước phát triển mới cho ngành lúa gạo, hướng tới những kỷ lục mới trong năm 2024, tăng vị thế trên trường quốc tế", ông Thanh nhấn mạnh.
Minh Tú