Theo nhận xét của đại diện các nước, dự thảo nghị quyết sẽ thu được đủ 9 phiếu thuận cần thiết, tuy nhiên sẽ khó nhận được sự ủng hộ của tất cả các thành viên, và như thế hiệu lực của nó sẽ bị hạn chế. "Nhiều khả năng người Mỹ sẽ đi đến một cuộc bỏ phiếu chia rẽ, với 9 phiếu thuận và 5 hoặc 6 phiếu trắng", đại sứ Mexico Adolfo Aguilar Zinser nhận xét. Hôm qua, 3 nước châu Âu phản đối chiến tranh Iraq đã nêu ra 6 điểm cần sửa đổi trong văn bản do Mỹ đề xuất. Trong đó, các nước đã có sự nhượng bộ đáng kể khi từ bỏ yêu cầu LHQ có vai trò trung tâm trong tái thiết Iraq, và đòi hỏi chính phủ lâm thời phải đảm nhận trách nhiệm trong vòng 5 tháng tới. Mỹ và Anh chấp nhận đưa một số thay đổi mà châu Âu yêu cầu, nhưng từ chối việc trao quyền lực mà liên quân đang nắm cho một chính phủ của người Iraq trong những tháng tới đây. Văn bản của Mỹ giữ nguyên câu chữ cũ, về việc liên quân "sẽ trao lại trách nhiệm và quyền điều hành cho người Iraq vào thời điểm thích hợp". Thay vì đề ra lịch trình trao quyền lực, dự thảo yêu cầu liên quân báo cáo với Hội đồng Bảo an "những tiến triển đạt được" ở thực địa. "Tôi nghĩ chúng ta đã cố gắng hết sức để xem xét quan điểm của các bên", đại sứ Mỹ John Negroponte nói hôm nay, sau khi tuyên bố sẽ đưa dự thảo ra Hội đồng. Mỹ cũng đưa ra một thời hạn, nhưng là thời hạn dành cho Hội đồng Điều hành Iraq. Dự thảo đề nghị đến ngày 15/12, cơ quan gồm những nhân vật do liên quân chỉ định này đưa ra lịch trình lập hiến và tổ chức bầu cử. Các nhà ngoại giao Pháp, Nga và Đức, một cách riêng tư, đều tỏ ý thất vọng về việc Mỹ không đưa ra thời gian biểu cụ thể, nhưng không công khai bình luận, bởi họ cho biết còn phải thảo luận với chính phủ của mình. Rời những cuộc thảo luận kín đêm qua (trưa nay giờ HN), đại sứ Pháp Jean-Marc de La Sabliere gọi những điểm mà châu Âu yêu cầu thay đổi là những gì "tối thiểu" mà nước này có thể chấp nhận "với tinh thần nhân nhượng". Đại sứ Nga Yuri Fedotov cho biết quan điểm của Nga đối với dự thảo phụ thuộc vào "thái độ của các tác giả trong việc xem xét ý kiến" của các bên. Đại sứ Đức Gunter Pleuger "hy vọng phiên bản cuối cùng không phải là lời nói cuối cùng". Tuy nhiên đại sứ Negroponte ám chỉ rằng các cuộc đàm phán đã kết thúc, và muốn đưa ra bỏ phiếu vào thứ tư, trước khi ông Bush lên đường công du châu Á và dự hội nghị thượng đỉnh APEC. Trong một diễn biến khác, chính phủ Nhật Bản hôm nay cho biết sẽ đóng góp 1,5 tỷ USD viện trợ tái thiết Iraq trong những năm tới, và sẽ còn xem xét những khoản khác nữa trong tương lai. Hội nghị về tái thiết Iraq sẽ diễn ra tại Madrid ngày 23/10. Liên minh châu Âu trước đó loan tin có thể cung cấp 235 triệu USD. T. Huyền (theo AP, Reuters, AFP) |