"Michael Phelps bơi rất nhanh, nhưng vẫn không đủ nhanh để đánh bại Chú Sam đang đợi sẵn ở vạch đích, sau mỗi lần kình ngư 31 tuổi giành được một huy chương tại Rio de Janeiro", tờ USA Today bình luận, khi chính sách thuế của chính phủ Mỹ không có ưu tiên nào cho các VĐV đạt thành tích cao ở Thế vận hội.
Các VĐV Mỹ sẽ phải đóng thuế khoảng 9.900 đôla cho khoản thưởng tiền mặt cộng với giá trị của mỗi tấm HC vàng.
Theo đó, hóa đơn thuế cho tổng thu nhập của Phelps từ tiền thưởng huy chương tại Olympic 2016 sẽ lên tới khoảng 55.000 đôla, khi anh là chủ nhân của năm HC vàng và một HC bạc.
Simone Biles, nữ VĐV thể dục 19 tuổi hàng đầu thế giới, cũng chịu hóa đơn thuế khổng lồ không kém, vào khoảng 43.560 đôla cho bốn HC vàng và một HC đồng. Ngày 21/8, Biles, Phelps và những VĐV giành huy chương cho Mỹ tại Olympic 2016 sẽ phải đóng thuế khi trở về quê hương.
Vì sao họ bị đánh thuế nhiều như vậy? Các VĐV đoạt huy chương tại Rio 2016 sẽ được Ủy ban Olympic Mỹ (USOC) thưởng tiền. Cụ thể, một tấm HC vàng sẽ được thưởng 25.000 đôla, HC bạc là 15.000 đôla và 10.000 đôla cho HC đồng.
Tiền thưởng huy chương thể thao bị đánh thuế thu nhập với mức phần trăm giống như cách chính phủ Mỹ tính thuế đối với các khoản tiền giải thưởng khác, chẳng hạn như trúng thưởng xổ số và thắng giải Nobel. Hầu hết các quốc gia khác miễn trừ thuế giải thưởng cho những VĐV mang vinh quang về cho tổ quốc.
Các VĐV Mỹ không chỉ bị đánh thuế dựa vào khoản thưởng tiền mặt. Các tấm huy chương cũng được định giá và chịu thuế. Giá trị của huy chương được ước tính theo tổng giá trị nguyên vật liệu tạo ra một tấm huy chương. HC vàng tại Olympic Rio 2016 được làm chủ yếu bằng bạc tái chế (tỷ lệ hơn 92%), với lớp mạ vàng chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 1,34%, còn lại là đồng. Một tấm HC vàng được định giá khoảng 600 đôla, dựa trên giá hàng hóa hiện tại. HC bạc có giá trị gần 300 đôla, và HC đồng chỉ xấp xỉ 4 đôla.
VĐV Mỹ bị đánh thuế theo tỷ lệ nào? Đa số các VĐV đỉnh cao của Mỹ vốn đã là những người có thu nhập cao, nên họ phải đóng thuế ở khung đầu. Cụ thể, họ sẽ phải chịu thuế tới 39,6% trên tổng giá trị tiền thưởng và giá trị tấm huy chương.
Theo tính toán của trang kiến nghị cải cách thuế đối với các VĐV Mỹ, Americans for Tax Reform, một HC vàng sẽ chịu thuế 9.900 đôla, HC bạc là 5.940 đôla và 3.960 đôla đối với HC đồng. Đây chỉ là mức đối với các VĐV chỉ giành được một huy chương nào đó. Những VĐV giành được nhiều huy chương tại Olympic 2016 có thể phải đóng thuế theo tỷ lệ cao hơn.
Nhưng hầu hết các VĐV cũng có thể khấu trừ chi phí đào tạo để được hưởng chế độ giảm trừ thuế, nhất là với các VĐV thuộc khung chịu thuế thu nhập ở tỷ lệ thấp. Những người như Phelps, với tài sản vào khoảng 55 triệu đôla, đương nhiên không nằm trong diện này. Simone Biles cũng trong số những người Mỹ chịu khung thuế thu nhập cao nhất, bởi trước khi giành bốn HC vàng và một HC đồng tại Rio 2016, nữ VĐV thể dục 19 tuổi đã có tổng thu nhập vào khoảng hai triệu đôla từ tài trợ và quảng cáo.
“Thuế chiến thắng” gây tranh cãi tại Mỹ. Nhiều năm qua, các chính trị gia, VĐV và người hâm mộ tại Mỹ đã tranh luận xem liệu đánh thuế đối với các VĐV giành huy chương có phải là chính sách hợp lý.
"Việc đánh thuế như hiện nay đặt ra một khó khăn lớn cho các VĐV của chúng ta. Thật không công bằng khi đánh thuế những người đại diện cho đất nước thi đấu ở đấu trường quốc tế và vươn tới đỉnh cao của môn thể thao mà họ theo đuổi", Jim Leahy, Giám đốc điều hành của Ủy ban VĐV Olympic Mỹ, nhận xét.
Hồi tháng 7/2016, một dự luật về chấm dứt đánh thuế đối với các VĐV Olympic và Paralympic, đã được Thượng nghị viện Mỹ bỏ phiếu thông qua. Một dự luật tương tự cũng đã được đề xuất ở Hạ viện, nhưng không có một cuộc bỏ phiếu nào cho nó.
"Sau khi các VĐV giành chiến thắng nhờ lao động vất vả, thật không đúng khi chính phủ Mỹ đón chào họ trở lại quê hương bằng một khoản thuế đánh vào chính thắng lợi của họ", Thượng nghị sĩ Schumer phát biểu. "Các VĐV Olympic và Paralympic của chúng ta có lẽ sẽ lo sợ về việc phá các kỷ lục thế giới hơn là đi phá ngân hàng".
Thượng nghị sĩ này còn lưu ý rằng hầu hết các nước khác không chỉ trợ cấp chi phí đào tạo, tập luyện cho các VĐV tranh tài ở Olympic, mà còn không đánh thuế các VĐV giành huy chương.
Trong khi đó, hầu hết các VĐV Mỹ phải tự chi trả mọi khoản trong quá trình tập luyện và thi đấu. Ủy ban Olympic Mỹ chỉ thanh toán bảo hiểm y tế và tiền sinh hoạt phí cho số ít các VĐV hàng đầu.
Mỹ từng có một chiến dịch vận động lớn hồi năm 2012 nhằm có thể thay đổi chính sách thuế đối với các VĐV giành huy chương Olympic, nhưng các VĐV nước này vẫn phải đóng những khoản thuế thu nhập lớn sau Thế vận hội London. Và chuyện này tiếp diễn ở Rio de Janeiro 2016.
Nguyễn Phát