"Là một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, trong lần đi Việt Nam 2 tuần, tôi đã thử nghiệm chỉ chụp ảnh với chiếc iPhone, ngoài ra không có thêm máy ảnh nào khác.
Khi đó vợ tôi đã cảnh báo rằng tôi sẽ không thể nào chịu đựng nổi bởi lẽ sống của tôi vốn là những chiếc máy ảnh cồng kềnh và chuyên nghiệp, và rằng đi du lịch và chụp ảnh với iPhone cũng như là đi với một người dặt dẹo và thiểu năng vậy.
Quả tình, ban đầu tôi thấy cô ấy nói cũng có lý. Tôi từng bỏ lỡ nhiều cơ hội vàng khi cứ loay hoay với các ứng dụng chụp ảnh trên điện thoại. Tôi biết rằng iPhone có thể có được những bức ảnh đẹp trong những điều kiện ánh sáng tốt, nhưng rõ ràng cũng có những khung cảnh mà chiếc điện thoại này không thể tái hiện được.
Nhưng đây là chuyến đi đầu tiên mà chỉ có hai vợ chồng sau 8 năm kể từ khi chúng tôi có con, vì thế tôi cảm thấy rất lạc quan là sẽ có một tuần trăng mật vui vẻ nữa với những bức ảnh đẹp, cho dù chiếc máy ảnh chuyên nghiệp mà vợ tôi vẫn gọi đùa là 'người tình' của tôi phải nằm ở nhà.
Trên đường ra sân bay, chúng tôi quả tình cũng có cảm thấy hơi 'trống rỗng' một chút khi mang bên mình chiếc túi nhẹ bẫng, không máy ảnh, không ống kính. Tôi thậm chí đã cố gắng mang theo tất cả các loại phụ kiện có thể có cho chiếc iPhone, nhưng nếu so với túi máy ảnh thì những phụ kiện như vậy chả thấm vào đâu cả. Các phụ kiện của chiếc 4S lần du lịch này gồm: một chân máy nhỏ kèm adapter gắn điện thoại, một vỏ kèm pin dự phòng, một ống Olloclip cho iPhone và cả một chiếc iPad nữa".
Dưới đây, là những tổng kết về ưu và nhược điểm của Dean Holland với việc chụp ảnh bằng iPhone so với các máy ảnh chuyên nghiệp khác.
Ưu điểm
Sử dụng điện thoại làm máy ảnh đã giúp Dean Holland giải phóng được một khối lượng công việc trí óc không nhỏ, chẳng hạn ông không phải băn khoăn xem sẽ dùng độ mở nào, tốc độ ra sao, dùng kính lọc gì, hay phụ kiện nào. Ông chỉ có một việc là tìm cảnh đẹp thay vì phải nghĩ cách tạo ra ảnh đẹp. "Mỗi khi thấy một khung hình đẹp, y như rằng tôi lại có được một tấm hình như ý", Dean Holland viết. "Còn nếu thấy cảnh bình thường, tôi chỉ đơn giản là bỏ qua, chẳng mất công phải suy nghĩ xem làm thế nào để nó đẹp lên bởi tôi biết cũng chẳng thể làm gì hơn được với một chiếc điện thoại".
Ban đầu, Dean Holland nghĩ ông sẽ mất nhiều cảnh đẹp vì không hiệu chỉnh được thông số ảnh nào với chiếc 4S, nhưng sự việc không hẳn như vậy. Không như chế độ tự động của máy ảnh, khi mà bạn không biết với các cảm biến và chế độ tự động điều chỉnh thông số thông minh, máy sẽ cho bạn bức ảnh đầu cuối trông như thế nào, iPhone 4S cho thấy ngay kết quả bởi nó chỉ có một thông số hình ảnh áp dụng cho tất cả các điều kiện sáng. Nhờ đó, bạn sẽ biết ngay phong cách chụp ảnh của điện thoại là gì, từ đó chỉ việc tìm kiếm các khung hình hợp với phong cách xử lý ảnh của nó là xong.
Chính vì thế, Holland nhận ra hai điều. Thứ nhất, ông đã phải phụ thuộc vào các kỹ thuật chụp ảnh trong khi điều cần học hỏi là phải học cách nhìn được một cảnh đẹp. Với chiếc điện thoại này, bạn như được thực hành bài tập luyện kỹ năng phát hiện cảnh vật của mắt thay vì kỹ năng phối hợp thông số. Điều thứ hai còn quan trọng hơn, đó là càng chú trọng ngắm nghía, ông càng nhìn ra được nhiều thứ. Chuyện này nghe có vẻ là hiển nhiên, nhưng quả thực, nếu bạn có một chiếc điện thoại luôn bên mình và liên tục dùng nó để chụp ảnh, bạn sẽ thấy mình bắt đầu nhìn mọi thứ với con mắt khác biệt.
"Bạn hãy tưởng tượng lúc đó mình như một cậu thanh niên đang yêu thấy cả thế giới đều đẹp đẽ, từ ánh nắng chiếu trên cốc cà phê đến một đường cong bờ vai ai đó. Tôi thấy rằng mình đã thực sự chú tâm tới những yếu tố tưởng chừng quá đỗi bình thường này sau cả một quãng thời gian bỏ lỡ. Tôi tìm kiếm những cái đẹp, sự thỏa mãn trong từng thứ nhỏ nhặt mà nếu không có điện thoại và thay bằng máy ảnh DSLR, tôi chắc hẳn đã chẳng thèm để ý", ông miêu tả, "thật là một cảm giác tuyệt vời".
Ở điều kiện ánh sáng đủ, chất lượng ảnh khá tốt. Không phải tốt với nghĩa đối với điện thoại thì thế là tốt rồi, mà tốt theo nghĩa thực sự về chất lượng ảnh mà nó mang lại. Khi phóng to bức ảnh trên lên cỡ 90 cm (36 inch), Dean Holland kể, ông đã thấy ngạc nhiên tại sao chất lượng vẫn được đảm bảo về độ chi tiết và sắc nét không thua kém gì ảnh được chụp từ một chiếc DSLR và thậm chí hơn nhiều các máy ảnh tự động du lịch khác. Có thể nói với khả năng này, iPhone thừa sức đáp ứng nhu cầu của bạn trong hầu hết các trường hợp thông thường.
Chiếc iPhone 4S đã xử lý các tình huống ánh sáng phức tạp khá tốt, bởi nó có khả năng hỗ trợ các ứng dụng xử lý hậu kỳ đa dạng. Nó cũng đã được tích hợp tính năng khá thông dụng trên các máy ảnh hiện nay như chụp nhiều ảnh liên tiếp với các thông số khác nhau, sau đó trộn vào nhau để cho ra một bức tổng hợp được tất cả các phần tốt của các thông số phơi sáng khác nhau mang lại.
Một số ứng dụng khác cũng góp phần bổ trợ thêm cho tính năng này mà đại diện có thể kể đến là ProHDR, sau này đã trở thành một trong những ứng dụng ưa chuộng nhất của Holland trong chụp phong cảnh với độ chi tiết cao và màu sắc rực rỡ, tốt hơn nhiều so với các máy ảnh không có tính năng này mà lại không có sự trợ giúp của Photoshop.
"Khi tôi muốn chỉnh sửa hình ảnh một chút, chiếc điện thoại này cũng không làm tôi thất vọng. Nếu biết kết hợp những ứng dụng cần thiết, có thể coi như bạn đang có một phiên bản Photoshop thu nhỏ luôn sẵn sàng bên mình", ông nói.
Không những thế, các ứng dụng khác nhau còn có nhiều hiệu ứng thú vị khác nhau cho bạn tha hồ khám phá. Một trong số đó là ứng dụng Snapseed với mức giá tầm trung (4,99 USD trên App Store), dù không mạnh như các ứng dụng Filterstorm hay PhotoForge2 nhưng các hiệu chỉnh nó mang lại đủ để thỏa mãn hầu hết nhu cầu người dùng. Các ứng dụng nhiều tính năng hơn lại có hạn chế là các nút tùy chỉnh cũng nhỏ hơn và vì thế trở nên khá bất tiện trên những chiếc điện thoại màn hình không lớn như iPhone.
Trước khi chỉnh sửa ảnh, tốt nhất bạn nên in ra để xem ảnh trên thực tế sẽ sáng hay tối hơn so với trên màn hình do bản chất màn hình điện thoại khó có thể hiệu chỉnh như trên màn hình vi tính. Chẳng hạn với chiếc iPhone, dù khi so sánh trực tiếp với một màn hình máy tính đã được hiệu chỉnh, màu sắc hiển thị gần như tương đương nhưng ảnh trên iPhone được kích sáng hơn so với màn hình chuẩn. Điều này có nghĩa nếu bạn chỉnh sửa ảnh và cảm thấy thỏa mãn với các thông số khi nhìn trên màn hình iPhone thì khi in ra, ảnh thực tế trên giấy ảnh sẽ tối hơn. Vì thế, để bức ảnh in ra được chuẩn như con mắt của bạn đánh giá, bức ảnh chỉnh sửa trên iPhone sẽ phải hơi sáng hơn tiêu chuẩn một chút.
Ống kính trên các phiên bản iPhone 4 và 4S đủ để thực hiện những bức ảnh phong cảnh hoặc thời sự thông thường với góc đủ rộng và độ sâu vừa phải, đủ để bức ảnh trông hợp lý và không bị hiện tượng ảnh "bẹt". Nếu muốn chụp ảnh chân dung với hậu cảnh bị mờ thì rõ ràng iPhone chưa đủ khả năng cho những tình huống này. Tuy nhiên, bạn có thể khắc phục với các ứng dụng xử lý mờ hậu kỳ.
"Trong hành trình du lịch của mình, tôi cũng đã tình cờ phát hiện ra ưu điểm của camera trước mặt của iPhone, vốn thường chỉ được dùng để chat video hay để tự chụp mình. Đối với những người du lịch nước ngoài như tôi, chiếc iPhone trở thành một phương tiện để phá vỡ đi rào cản ngôn ngữ cũng như thái độ đối với những người dân bản địa", ông chia sẻ.
Bạn hãy tưởng tượng tình huống sau để thấy được ưu điểm này của iPhone. Bạn đang đi du lịch và muốn có những mối quan hệ tốt với những người dân bản địa, nhưng bạn lại không nói được ngôn ngữ của họ. Bạn có thể lấy lòng bằng cách mua một món đồ gì đó mà họ bán, lân la làm quen với những đứa trẻ tại trường học để có thể có được những bức ảnh về cuộc sống địa phương. Nhưng chỉ cần bạn rút trong túi ra chiếc máy ảnh khủng, là những khoảnh khắc thân thiện kia dường như sẽ biến mất.
Nhưng nếu thay vì chiếc máy ảnh cồng kềnh, bạn chỉ rút ra chiếc điện thoại, đưa nó cho một người khác nhờ chụp ảnh bạn với những người địa phương, sau đó lại dùng máy ảnh chụp lại cho họ, hoặc tự chụp mình với họ, thì chắc chắn rằng sự thân thiện giữa những người không cùng ngôn ngữ sẽ được thiết lập, bởi lẽ với sự dễ dàng sử dụng của máy ảnh trên điện thoại, việc bạn chụp ảnh hay họ chụp ảnh trở thành mối quan hệ bình đẳng thay vì mối quan hệ giữa những người địa phương nghèo khổ và các du khách lắm tiền. Và nhờ có việc phá vỡ rào cản của bất đồng ngôn ngữ và địa vị thông qua chiếc điện thoại, giờ bạn có thể chụp ảnh họ bao lâu và bao nhiêu tùy ý mà không làm mất đi vẻ tự nhiên.
"Đối với tôi, đó quả là một sự khám phá lớn. Tôi từng được học và cũng đã áp dụng nhiều mẹo để có thể vượt qua được những rào cản do những chiếc máy ảnh cồng kềnh mang lại mỗi khi muốn chụp dân địa phương, nhưng rồi thực tế cho thấy nếu sử dụng một chiếc điện thoại, nhất là sử dụng máy ảnh trước để tự chụp với họ, cái rào cản vô hình này trở nên dễ dàng vượt qua hơn nhiều", Holland viết.
Nhược điểm
Tuy nhiên, dùng iPhone để chụp ảnh, bạn cũng phải xác định sẵn những nhược điểm phải chấp nhận, mà một trong số đó là thời lượng pin. Nếu chỉ để nghe gọi điện thoại thì pin trên iPhone thừa đủ dùng, nhưng nếu bạn dùng để chụp ảnh, chắc chắn nó sẽ cạn dù chưa hết một ngày. Còn nếu dùng thêm cả các ứng dụng chỉnh sửa ảnh, chiếc iPhone lúc đó sẽ chỉ còn được nửa ngày nghe gọi. Vì thế, khi xác định chụp ảnh với iPhone, bạn cần luôn tính đến thời điểm hoặc địa điểm để có thể cắm xạc sau mỗi quãng đường, hoặc phải tính đến khả năng sắm sửa pin dự phòng.
Trong trường hợp của mình, Dean Holland đã mua một cục pin dự phòng gắn kèm với vỏ bọc điện thoại, với khả năng xạc được tới 80% dung lượng pin của iPhone, gần gấp đôi dung lượng gốc và ông đã cảm thấy nó thực sự hữu dụng. Một giải pháp khác là khi bạn đến những vùng miền xa xôi và không thực sự cần phải gọi điện, bạn có thể tắt hết các sóng Wi-Fi hay mạng, hoặc bằng cách chuyển sang chế độ máy bay (cũng tắt hết các chế độ mạng). Điều này cũng làm giảm đáng kể sự hao hụt pin không đáng có.
Một nhược điểm khác là iPhone rõ ràng không thể có tốc độ lấy nét và chụp nhanh như một chiếc DSLR được.
Do sự chậm trễ trong chụp ảnh điện thoại xuất phát chủ yếu từ tốc độ lấy nét nên để khắc phục trong những cảnh chuyển động, bạn nên lấy nét trước và chờ đến khi nhân vật đến đúng vị trí, lúc đó bạn chỉ việc bấm chụp (lưu ý là máy ảnh trên iPhone chỉ chụp khi bạn nhả tay khỏi nút bấm, nên để lấy nét trước, bạn chỉ việc căn khung, bấm và giữ nguyên).
Máy ảnh trên iPhone mặc dù có zoom nhưng do là zoom kỹ thuật số nên không nên trông chờ gì ở tính năng này. Để đảm bảo chất lượng không bị suy giảm, tốt nhất hãy dùng "zoom chân" thay vì ngồi một chỗ và điều chỉnh zoom số.
Để có thể chụp cận cảnh với điện thoại, thay vì đứng nấp từ xa như máy ảnh và ống tele, bạn phải tiến tới gặp gỡ và trò chuyện với nhân vật. Rõ ràng đây không phải là một quá trình dễ dàng, bởi mỗi người lại có cách hành xử khác nhau, nhưng cách này không phải là không thể thực hiện được.
Có một cách khác hơi bất tiện, đó là đóng vai một "gián điệp". Bằng việc giơ điện thoại chụp nhưng không nhìn vào nhân vật, thông thường sẽ rất ít người nhận ra là bạn đang chụp họ. "Tuy nhiên, cách này có vẻ 'vụng trộm', không hợp với một nhiếp ảnh gia, vì thế thông thường tôi cũng chẳng thích thú với những tấm ảnh chụp kiểu này", Holland nói.
Trong khi ánh sáng tốt, chất lượng ảnh của một chiếc iPhone không hề thua kém các máy ảnh khác thì ở tình huống ngược lại, với ánh sáng yếu hay chụp trong nhà, chất lượng ảnh trở nên tệ hại, không bằng được cả những chiếc máy du lịch bình thường, và tất nhiên, không thể so sánh với bất kỳ chiếc DSLR nào.
Tuy nhiên, so với chất lượng ảnh trên điện thoại, ảnh trên iPhone vẫn thuộc hàng chấp nhận được, nhất là khi bạn có những ứng dụng phù hợp như NightCap hay thiết bị phù hợp như chân máy, thì một chiếc iPhone như phiên bản 4S vẫn có thể cho ra được những bức ảnh đêm đủ coi là đẹp.
Chụp ảnh với điện thoại có thể mang đến cho bạn nhiều trải nghiệm thú vị hơn so với chụp bằng máy ảnh, giúp bạn giao tiếp với các dân tộc bản địa dễ dàng hơn, có cơ hội chụp được nhiều khoảnh khắc đáng nhớ hơn. Nhưng một chuyến du lịch vốn không chỉ có mỗi chụp cảnh và người, mà còn nhiều tình huống khác bạn mong muốn ghi lại nữa vì không phải lúc nào bạn cũng có cơ hội đến những vùng đất như vậy. Vì thế, lời khuyên tốt nhất cho những người ưa thích du lịch và chụp ảnh, là nên mang theo cả điện thoại và máy ảnh trên mỗi nẻo đường của mình, bởi mỗi thiết bị phục vụ cho mỗi tình huống khác nhau.
Nguyễn Hà