Tôi sinh ra tại một vùng đất cằn cỗi của miền quê nghèo tỉnh Quảng Nam. Tôi lớn lên nhờ những vòng xe đạp mẹ còng lưng dạo từng con đường nhỏ khắp xóm thu mua từng cân lúa, nhờ tấm lưng áo ướt đẫm mồ hôi thấm mùi âm ẩm, ngai ngái đất ruộng của ba. Ấu thơ, cái nghèo đã ám ảnh tôi trong từng tiếng thở dài của mẹ mỗi đêm, trong gót chân nứt nẻ của ba vì những con nước đỏ màu phèn. Tuổi thơ tôi là những chiều chăn trâu rong ruổi trên cánh đồng trơ gốc rạ, là những buổi trèo lên núi nhổ cỏ lông heo về nhóm lửa, là những tối chìm vào giấc ngủ nhờ tiếng "phạch phạch" từ chiếc quạt tre của mẹ. Tôi đã từng có một tuổi thơ, giản dị nhưng đẹp như thế!
Lớn lên chút nữa, tôi nhận thức được mác “nhà quê” mà bạn bè gắn cho để trêu chọc, sợ cả cái nhìn soi mói dành cho một đứa quê mùa là tôi. Và hơn hết tôi đã ý thức được cái nghèo bám riết gia đình ngần ấy năm qua, sợ mỗi lần nộp học phí mẹ chạy đôn chạy đáo bán những cân lúa mua trước đó mà đồng lời có là bao so với mồ hôi và nước mắt đã bỏ ra.
Và tôi lúc ấy cũng chỉ mới là một học sinh lớp 6, già trước tuổi bởi biết ghét và sợ hãi cái nghèo. Ba mẹ suốt ngày gây lộn, chửi bới, mạt sát nhau chỉ vì nhà không có tiền. Mẹ mua một chục trứng để dành cho hai anh em ăn đi học, ba mẹ chan nước mắm cho qua bữa, ba thấy vậy đập luôn chục trứng mà quát: “Đi làm cả ngày về chan nước mắm ăn thì làm sao mà nuốt nổi”. Đi học thì thôi, mỗi lần về nhà là tôi lại phải chui vào một xó nào đó nấp mong rằng những âm thanh chat chúa của đồ vật rơi vỡ sẽ không vang tới được. Mẹ khóc, chân tay bầm tím, đầu tóc rối bời: “Mẹ không trách ba con, có trách thì trách cái nghèo dai dẳng đeo bám gia đình mình”. Và lúc ấy tôi biết chỉ có một con đường duy nhất hòng thoát khỏi cái nghèo, đó là học.
Những năm cấp 2, một buổi tôi đi học, một buổi ra đồng chăn trâu cắt cỏ. Người lúc nào cũng nhem nhuốc bùn đất. Giọt nước mắt của mẹ, cả khuôn mặt khắc khổ của ba là động lực để tôi quyết tâm theo đuổi con đường học vấn với khao khát gột rửa cái nghèo. Bỏ ngoài tai những tiếng chửi bới, cằn nhằn suốt cả đêm, với tôi lúc đó chỉ có học. Học khi chăn trâu, học cả lúc nhóm bếp phụ mẹ. Nhớ lại những năm tháng ấy, tôi chẳng biết điều gì đã tiếp thêm cho mình nghị lực để theo đuổi con đường học. Tôi đã làm được, những năm cấp 2 tôi luôn đạt học sinh giỏi của trường và đạt giải học sinh giỏi văn của huyện và tỉnh. Với những bạn sống trong một mái ấm gia đình có điều kiện thì đó là một điều bình thường nhưng tôi đã đi lên bằng chính sự mặc cảm của một tuổi thơ thiếu thốn và một gia đình không mấy hạnh phúc.
Cuối năm 12, với danh hiệu học sinh giỏi của trường và học sinh giỏi văn tỉnh, nhất định tôi phải chinh phục giảng đường đại học. Năm đó, tôi nộp hồ sơ dự thi vào Đại học Sư phạm Đà Nẵng chuyên ngành báo chí. Cái nghèo từ bao giờ đã trở thành động lực để tôi phấn đấu. Tôi học, để thoát khỏi cái nghèo, để không còn nghe tiếng thở dài của mẹ mỗi đêm và không còn thấy gót chân nứt nẻ vì phèn của ba vì mảnh đất nắng lắm mưa nhiều này. Ấy vậy mà số phận dường như thử thách sự kiên trì và mạnh mẽ của một con bé đã cố gắng hết sức để không gục ngã. Niềm vui chẳng được trọn vẹn, vào cái ngày tôi nhận giấy báo đậu đại học với điểm số 25, là á khoa khối C của trường sư phạm cũng chính là ngày ba tôi bị tai nạn và phát hiện thêm căn bệnh tiểu đường.
Vai mẹ tôi đã gầy nay càng thêm mỏng manh trước đợt sóng cuộc đời. Tôi đã nghĩ đến việc gác lại giấc mơ đại học để đi làm. Mẹ ôm tôi vào lòng như ngày còn thơ bé: “Mẹ lo được mà, con phải học”. Trở thành sinh viên, áp lực tiền bạc khiến tôi lao đầu vào làm thêm. Ai có hỏi, tôi bảo đi làm cho biết nhưng thật ra là để trang trải chi phí học hành, ăn ở. Tôi biết, con đường học tập tôi đang theo đuổi là đúng, vậy nên dù khó khăn đến mấy cũng phải cố vượt qua để phấn đấu. Giờ đây, cuộc sống gia đình tôi đã ổn định, việc học của tôi cũng thuận lợi. Tôi đã trưởng thành và tự tin hơn thật nhiều, cũng chính nhờ bài học lớn trong cuộc sống, đó chính là “Sống với đam mê”.
Có ai đó đã từng nói rằng thành công không phải là kết quả cuối cùng mình đạt được, mà là những chặng đường mình đã vượt qua. Với tôi, sống với đam mê là vượt qua sự mặc cảm và có thể tự tin đứng trước mọi người, mỉm cười và trả lời: “Tôi làm được”. Vậy nên hãy đi, rồi sẽ đến đích nhé những con người trẻ!
Cuộc thi viết "Sống với đam mê" do Báo điện tử VnExpress phối hợp cùng Công ty TNHH Sapporo Việt Nam tổ chức từ ngày 12/8 đến ngày 23/9. Cuộc thi dành cho mọi công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên. Độc giả gửi bài dự thi tại đây. |
Nguyễn Thị Dung