Nhiều người sẽ còn nhớ mãi đoạn phim tài liệu ghi lại hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về Hồ Chủ tịch. Đại tướng nói: “Bác Hồ là con người của những quyết định lịch sử’’ và ông kể lại 3 câu hỏi ngắn gọn của Người để rút ra quyết định toàn quốc kháng chiến.
"Hà Nội giữ được bao lâu?
Thưa Bác, một tháng (sau này là hai tháng).
Thế các thành phố khác?
Thưa Bác, được lâu hơn.
Còn vùng nông thôn?
Dạ, vùng nông thôn thì dĩ nhiên là ta giữ được.
Thôi ta trở lại Tân Trào”.
Trong bối cảnh vô cùng phức tạp của muôn vàn các mối quan hệ, Người đã sáng suốt chọn ra 3 câu hỏi cực kỳ đơn giản nhưng rất then chốt. Ba câu hỏi của Người đã loại bỏ bao nhiêu lý luận phức tạp, và quan trọng hơn, đã gạt hết mọi nghi ngờ về sự đúng đắn của quyết định toàn quốc kháng chiến và tương lai của nó.
Vì sao lại có được 3 câu hỏi như vậy. Đó là do phương pháp tiếp cận hệ thống. Tồn tại các phương pháp tiếp cận hệ thống hoàn hoàn toàn khác nhau giữa các nhà hoạch định chiến lược và những người triển khai tác nghiệp. Khi nhận những quyết định mang tính định hướng chiến lược, người hoạch định phải căn cứ vào những yếu tố mang tính tiên đề.
Áp dụng vào trường hợp vấn đề đường sắt cao tốc gây tranh cãi hiện nay, chúng ta cũng đưa ra được 3 câu hỏi đơn giản.
1. Đường sắt thông thường vận tốc 100-200 km/h có ở những nước nào? Có ở tất cả các nước phát triển và các nước tiên tiến.
2. Thế còn đường sắt cao tốc? Đường sắt cao tốc chỉ có ở một số ít các nước tiên tiến.
3. Đường sắt cao tốc có sau hay trước đường sắt thông thường? Đường sắt cao tốc có sau.
Thế là rõ. Việt Nam sẽ có đường sắt cao tốc khi trở thành một nước phát triển tiên tiến, sau khi đã có đường sắt thông thường vận tốc 100-200 km/h.
Với cách tiếp cận trên, còn có được nhiều bài học sâu xa hơn cho những nhà quản lý hiện nay của nước ta.
1. Không ngộ nhận về tầm nhìn chiến lược
Một số người hay nói về tầm nhìn chiến lược. Chúng ta muốn nhìn đến năm 2035, đó là điều dễ hiểu. Nhưng có vấn đề phải cấp thiết tính đến và có những điều chưa cần bàn đến. Thí dụ khi mở đường phố mới thì phải nhất thiết tính đến cầu vượt, đường hầm, vì dân số tăng, lượng xe ôtô tăng, nhà hai bên phố xây rồi không phá được. Vậy mà đường Phạm Hùng dài rộng mới làm ở khu đô thị hiện đại hàng đầu của Hà Nội lại không có cả cầu vượt lẫn đường hầm. Ngày nào cũng thấy tắc nghẽn, không đợi chờ đến năm 2035.
Còn đường sắt cao tốc các đoạn, thí dụ Hà Nội - Vinh, Vinh - Đà Nẵng, Đà Nẵng - Nha Trang, Nha Trang - TP HCM là những đoạn có thể xây dựng hoàn toàn độc lập mà không có hệ lụy của nhau. Vậy thì cần gì phải nghiên cứu cho đoạn Đà Nẵng – Nha Trang mãi đến năm 2030 mới xây dựng.
Vào thời điểm đó, các điều kiện công nghệ cũng như kinh tế đã hoàn toàn thay đổi, vị thế và cách nhìn đã khác. Lúc đó thế hệ sau có thể quyết định xây dựng đường cao tốc 500 km/h với công nghệ mới mà dẫu có muốn để ý đến công trình 300 km/h của cha anh thì cũng đành phải gạt bỏ. Như vậy là có cái phải làm hộ, nhưng cũng có điều không phải hoặc không được làm thay cho con cháu. Nhìn gần mà còn sai, nhìn quá xa để làm gì, vì thực sự rất khó nhìn xa.
Việt Nam sẽ có đường sắt cao tốc. Đó là điều không bàn cãi. Và điều không bàn cãi tiếp theo, rút ra từ bài học không ngộ nhận về tầm nhìn chiến lược, là chưa phải lúc bàn về đường sắt cao tốc. Đó là việc làm của thế hệ kế tiếp.
2. Không đốt cháy giai đoạn
Thế hệ tiếp theo sẽ bàn về đường sắt cao tốc sau khoảng 15–20 năm nữa khi mà hệ thống đường sắt tốc độ 100-200 km/h đã được thiết lập trù mật. Nóng vội bỏ qua đường sắt tốc độ thông dụng nhất đã được thực tiễn kiểm nghiệm ở nhiều nước là mâu thuẫn với các kết quả kinh điển và hiển nhiên sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.
Mệnh đề “Không đốt cháy giai đoạn” có hiệu lực không chỉ cho vấn đề đường sắt cao tốc mà nên thận trọng cân nhắc xuyên suốt cho tất cả các quyết sách quan trọng.
3. Bài học về nhân sự
Đề xuất đường sắt cao tốc là hậu quả của trình độ quản lý. Một vấn đề không mấy phức tạp, nếu nói thật lòng là rất đơn giản, làm sao lại có thể xuất hiện trên bàn Quốc hội? Đó là do những người đề xuất. Trình độ của cán bộ quản lý hiện nay đã làm cho họ nhìn không ra hay nhìn sai lệch cái cần bàn. Thay vì sự lựa chọn đã rõ ràng lại đề xuất những vấn đề không đúng lúc, gây ra tranh cãi. Điều nguy hiểm hơn là những đề xuất đó còn kéo theo sự mất tiền cho các nghiên cứu thăm dò, dự báo, thử nghiệm. Một khoản tiền không nhỏ cùng với sự phí phạm thời gian.
Nếu những người chịu trách nhiệm quản lý được lựa chọn một cách khoa học rộng rãi thì chắc chắn đã không có vấn đề đường sắt cao tốc vào thời điểm hiện nay.
Chu Ngọc, tiến sĩ điều khiển học kinh tế