> Thế giới văn bản đứng trước 2 sự lựa chọn ODF và Open XML
Trong đời sống hiện nay, chúng ta hàng ngày vẫn sử dụng rất nhiều kỹ thuật và sản phẩm công nghệ khác nhau, như kết quả tất yếu của quá trình phát triển lâu dài của khoa học công nghệ. Việc tranh cãi về chuẩn công nghệ vốn vẫn đồng hành trong suốt quá trình phát triển của khoa học kỹ thuật. Lịch sử cho thấy rằng, có rất nhiều chuẩn cho cùng một mục đích hoặc nhiều mục đích khác nhau. Nhưng những chuẩn nào được thực tế thị trường chấp nhận thì sẽ tồn tại, nhiều nhà sản xuất hỗ trợ, giá thành áp dụng rẻ, và đem lại lợi ích cho đông đảo người sử dụng.
Có thể kể ra:
- Chuẩn băng video Betamax của Sony, dù nhiều điểm vượt trội về kỹ thuật và chất lượng, nhưng đã thất bại trước chuẩn VHS của JVC và Toshiba phổ biến hơn rất nhiều do giá thành rẻ. Chuẩn Betamax của Sony chỉ còn tồn tại trong các trường quay, đài truyền hình chuyên nghiệp.
- Chuẩn 1394 Firewire dành cho giao tiếp thiết bị ngoại vi với máy tính dù ưu việt hơn hẳn USB, nhưng chúng ta thấy rất ít thiết bị trao đổi dữ liệu trên bus 1394 Firewire. USB đã vượt lên vì giá thành rẻ, được cải tiến tốc độ.
- Chuẩn về kiến trúc mạng Ethernet phổ biến hơn Token-Ring, Arcnet
- Chuẩn về giao thức mạng IPX và TCP
- Chuẩn về kiến trúc mạng bus máy tính MicroChannel Architecture của IBM và PCI của liên minh do Intel dẫn đầu.
- Chuẩn về các loại thẻ nhớ: SD, CF, xSD, Sony MemoryStick…
Chúng ta hiểu băn khoăn của anh Hiền khi nêu rằng Microsoft đang áp đặt định dạng toàn cầu. Nhưng điều đó liệu có thực là nguy cơ? Microsoft là một công ty phần mềm toàn cầu thành công nhất, với đầu tư nhiều tỉ USD cho nghiên cứu phát triển, dẫn đầu trong số các công ty cùng ngành, vượt lên trên cả các tên tuổi lớn như IBM, HP… tại sao họ không được đệ trình một chuẩn công nghệ mới, dù là theo “nhận định chủ quan của Microsoft”, đó là một chuẩn tốt, phù hợp, việc phê chuẩn và áp dụng sẽ có lợi ích lâu dài cho người dùng.
Chuẩn OOXML quá phức tạp thì không tốt để áp dụng? Tiêu chuẩn xét duyệt của ISO đâu phải dựa trên số trang tài liệu mô tả chuẩn, nếu như nó đủ chi tiết và khả thi.
ISO là một tổ chức chuẩn quốc tế có uy tín, công bằng có trách nhiệm. Họ có quy trình và kinh nghiệm xét duyệt các đệ trình để phê duyệt chuẩn, không thiên vị với những đệ trình dựa trên nhu cầu của thị trường. ISO có thể phê chuẩn nhiều hơn một chuẩn cho cùng một vấn đề kỹ thuật. Việc loại trừ một chuẩn bị cho là độc quyền sẽ dẫn đến một thái cực khác của độc quyền và tiêu diệt khả năng cạnh tranh và cùng tiến bộ. Chẳng hạn ISO POSIX và ISO Linux ABI là 2 chuẩn có nhiều điểm trùng lặp và loại trừ nhau, nhưng đều đã được công nhận là chuẩn. Và thực tế cả 2 chuẩn đều tạo ra những phát triển cho công nghệ thông tin.
Microsoft có đầy đủ tư cách để đệ trình một chuẩn công nghệ và khi nó được phê duyệt và áp dụng, thì đó không phải là chuẩn riêng của Microsoft nữa. Ai cũng có thể tìm hiểu, áp dụng chuẩn đó, và vì thế nó là chuẩn mở.
Cũng tương tự như vậy, Sun là công ty đầu tiên tạo ra chuẩn ODF từ bộ phần mềm OpenOffice, chuẩn ODF cũng phải qua các quy trình xét duyệt của ISO. Khi nói ODF là chuẩn của Sun thì chắc những người ủng hộ ODF sẽ phản đối. Vậy tại sao cứ gán cho Office OpenXML là độc quyền của Microsoft, cho dù Microsoft đang nỗ lực để OOXML được trở thành chuẩn mở.
Một chuẩn công nghệ khi đã được ISO xét duyệt không có nghĩa là chuẩn đó sẽ chỉ là một tài liệu kỹ thuật kinh điển, mà nó phải được áp dụng, duy trì và cải tiến. Chuẩn ODF cũng đã có phiên bản 1.0, 1.1, 1.2… OOXML cũng cần phải được duy trì, cải tiến để đáp ứng nhưng nhu cầu của người dùng trong tương lai.
OOXML chưa được công nhận chuẩn ISO, nhưng không có nghĩa là nó sẽ không được áp dụng. ISO không phải là một tổ chức tạo ra các chuẩn mà là tổ chức xem xét, phê duyệt, sửa đổi các mô tả kỹ thuật để tạo thành chuẩn. ODF cũng đã trải qua giai đoạn xét duyệt để trở thành chuẩn ISO. Cũng giống như ODF, OOXML phải trải qua đầy đủ các quy trình xét duyệt của ECMA và bây giờ là của ISO. Các thành viên của ECMA và ISO đến từ các công ty công nghệ, các quốc gia trên thế giới, và không thể có chuyện áp đặt lên các thành viên ban xét duyệt thông qua các chuẩn đó.
Thực tế không thể có một đặc tả kỹ thuật nào là chân lý tuyệt đối mà phải không ngừng phát triển. Chuẩn ODF cũng có những hạn chế cần phải cải tiến, chẳng hạn cho phép đặt tham chiếu đến Java Binary trong tài liệu, muốn mở tài liệu đó, máy tính phải cài sẵn Java. Hay ODF mô tả dư thừa các giá trị công thức trong định dạng bảng tính, và còn nhiều khiếm khuyết nữa sẽ được bổ sung trong các phiên bản tiếp theo.
Với OOXML, Microsoft đã cam kết trao cho cộng đồng mà không có bất cứ đòi hỏi nào về quyền sở hữu trí tuệ đối với các đặc tả OOXML.
Có nhiều cơ quan tổ chức đã nghiên cứu ứng dụng OOXML như là Apple, Barclays Capital, BP, Thư viện Anh, Essilor, Intel, Microsoft, NextPage, Novell, Statoil, Toshiba, Thư việc Quốc hội Mỹ. Bên cạnh đó Microsoft cũng hỗ trợ các tổ chức phần mềm mã nguồn mở để phát triển các ứng dụng trên OOXML, trước hết là các bộ dịch OOXML – ODF. Riêng với OOXML, các công ty chuyên về Linux như Novell (http://www.linux-watch.com/news/NS5248375481.html), Linspire (http://www.l inspire.com/lindows_news_pressreleases_archives.php?id=220) cũng đã hợp tác với Microsoft để tạo các bộ dịch ODF-OOXML . Xét về tính phổ biến hơn hẳn của Office so với cá sản phẩm cùng loại như OpenOffice, thì OOXML rõ rang là một bước tiến của Microsoft trong cam kết với cộng đồng và hỗ trợ lâu dài với người dùng.
Nói rằng áp dụng OOXML là triệt tiêu Linux chỉ là một suy diễn hết sức chủ quan, vì OOXML chỉ là một đặc tả dữ liệu mở, tất cả cộng đồng phát triển ứng dụng đều có thể tự do tìm hiểu và viết phần mềm xử lý OOXML.
Chính Linux vẫn đang phải tìm mọi cách để thoát ra khỏi tình trạng quá nhiều phương cách (chuẩn) đóng gói, cài đặt, hỗ trợ, làm nản lòng người sử dụng. Người sử dụng bình thường hầu như không dám đụng vào Linux chính vì những hạn chế đó.
Thực tế cho thấy Microsoft Office là bộ ứng dụng văn phòng phổ biến nhất, có tính năng phong phú, dễ sử dụng nhất, cho dù giá của nó cũng đắt nhất. Tại nhiều nơi trên thế giới, các cơ quan chính phủ, các công ty kinh doanh, các trường học, hàng ngày vẫn sử dụng Microsoft Office để tạo, lưu trữ và trao đổi dữ liệu. Để đối phó với tình trạng giá cao, có nhiều cách từ mặc cả, sức ép ngoại giao, kiện ra tòa… nhưng không thể phủ định tính hữu dụng của Microsoft Office.
Một số chính phủ (Malaysia) còn quy định khuôn dạng trao đổi dữ liệu văn bản là .DOC của Microsoft Word 97 để tạo thuận tiện hơn cho người sử dụng, mặc dù khuôn dạng DOC là đóng và hoàn toàn không được phổ biến. Với việc áp dụng OOXML, Microsoft đã chính thức mở khuôn dạng dữ liệu của Microsoft Office, đồng thời bảo đảm tính tương thích ngược cho tất cả các dữ liệu của các phiên bản Microsoft Office từ 95, 97, XP, 2003, 2007.
Việc không công nhận và áp dụng chuẩn OOXML có thể sẽ thành trở ngại cho rất nhiều người dùng các phiên bản Office của Microsoft, vốn không hề quan tâm đến dữ liệu mình tạo ra đang được lưu trữ theo khuôn dạng nào.
Dù có trở thành chuẩn ISO hay không thì lựa chọn giữa ODF và OOXML phải dựa trên thực tiễn cuộc sống, yêu cầu công việc của người dùng, đó mới là sự lựa chọn tự do. Việc phủ nhận lựa chon OOXML và nói rằng chỉ có một ODF là mới là tự do là hoàn toàn chủ quan.