Phó Giáo sư Bùi Quang Thắng - Chuyên gia Văn hóa của Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam cho rằng, quan niệm đàn ông phải "đầu đội trời chân đạp đất", đảm nhiệm các vai trò trụ cột trong gia đình, xã hội, phổ biến trong nhiều giai đoạn lịch sử.
Việc được coi trọng, một mặt mang lại cho nam giới khá nhiều lợi thế, nhưng đồng thời tạo không ít áp lực. Những người "đầu đội trời chân đạp đất" ấy, thực sự cũng có những nỗi sợ hãi mà do mang tiếng "phái mạnh", đã không đủ can đảm để nói ra.
- Theo ông, tại sao có hiện tượng nam giới được coi trọng hơn phụ nữ trong nhiều cộng đồng?
- Vai trò của nam và nữ giới thay đổi tùy theo hình thái kinh tế của từng thời kỳ. Xã hội mẫu hệ tồn tại trong giai đoạn săn bắt hái lượm. Người đàn ông chịu sự sắp đặt của phụ nữ. Phụ nữ duy trì nòi giống, tích trữ của cải và quản tài chính gia đình.
Xã hội thay đổi, trong thời kỳ sản xuất nông nghiệp, trong chiến tranh và cách mạng công nghiệp, khi cần đến sức khỏe cho các hoạt động chân tay, nam giới được đề cao hơn phụ nữ. Thời kỳ nào cũng vậy, người làm chủ kinh tế sẽ có vai trò quyết định trong phần lớn những lĩnh vực khác.
Đây không hẳn là sự bất bình đẳng nam nữ, mà đơn thuần là sự phân công lao động khá cơ học và chỉ mang tính tương đối, nhưng lâu dần đã trở thành truyền thống: người đàn ông có sức khỏe, làm ra tiền và sẽ làm chủ gia đình, cai quản các đế chế và đất nước.
- Sự đề cao nam giới trong xã hội truyền thống Việt Nam biểu hiện cụ thể như thế nào?
- Trong thuyết âm dương của người Á đông, nam giới là tính dương, thế lực chủ động và quyết định mọi chuyện. Họ ngồi ăn chiếu trên, được ăn cơm trước vợ. Họ được đi học, thi thố làm quan. Ngày xưa, đàn ông còn có quyền có nhiều thê thiếp. Họ là người nối dõi tông đường.
Trong hầu hết các lễ hội truyền thống ở nước ta, chỉ nam giới được quyền tham gia vào phần nghi thức tế lễ, được đặt chân vào cửa thánh, tức là đình, đền. Phụ nữ thì không, không gian của họ là chùa, miếu. Thậm chí, trong các cung điện vua chúa, nam nữ cũng có lối đi riêng. Lối đi của nam luôn rộng hơn và ở tiền đường, trong khi của nữ giới thường nhỏ hơn và ở hậu sảnh.
Quan niệm coi trọng nam giới không chỉ nặng nề ở phương Đông. Chính Sigmund Freud (nhà tâm lý học người Áo) trí thức nổi bật của thế kỷ trước cũng cho rằng, chỉ có nam giới mới mang tính người đầy đủ, còn nữ giới là một con người lệch lạc do không có dương vật.
- Thái độ của người đàn ông như thế nào trước sự đề cao của xã hội?
- Tất nhiên họ nhận thức được cái lợi thế này và cảm thấy tự hào. Ít nhiều họ biết tận dụng nó để áp chế phụ nữ và điều khiển xã hội nói chung. Đàn ông sinh ra đã được trọng vọng làm việc lớn, họ là trụ cột gánh vác vác sơn hà, đầu đội trời chân đạp đất.
Đây vừa là lợi thế nhưng cũng là gánh nặng tâm lý với họ. Ca dao Việt Nam có câu: "Làm trai quyết chí tang bồng/Sao cho tỏ mặt anh hùng mới cam". Song dân gian cũng có câu: "Làm trai cho đáng nên trai/Khom lưng uốn gối gánh hai hạt vừng".
Người đàn ông yếu đuối không đáng mặt làm trai. Người đàn ông ở nhà vợ là "chó chui gầm chạn", còn để vợ ra ngoài kiếm tiền thì bị gán cái danh "núp váy đàn bà".
Sự đề cao nam giới có thể nhìn nhận đơn thuần như một dạng bất công với phụ nữ. Song trên thực tế, nó tác động tiêu cực đến cả hai giới. Bi kịch của người đàn ông, tuy vậy, lại ít được nhắc đến hơn.
- Theo ông,"bi kịch của đàn ông" nên được giải thích như thế nào?
- Bi kịch của người đàn ông trong xã hội Việt Nam hiện đại là là bị ép lại bởi hai luồng áp lực truyền thống và thực tế. Một mặt, truyền thống vẫn dạy dỗ và rót vào tai bảo họ có vai trò trụ cột. Trong khi đó, xã hội bày ra trước mặt họ một sự thật, phụ nữ ngày nay sống đơn thân, nhận con nuôi và tập trung phát triển sự nghiệp. Phụ nữ ngày càng cần đến nam giới ít hơn, ít nhất, trên phương diện tài chính.
Đàn ông đã không thể dùng đến cây gậy kinh tế để điều khiển nửa còn lại của thế giới. Những người đàn ông tôn trọng phụ nữ sẵn sàng để họ gánh vác một phần trách nhiệm với gia đình và xã hội. Nhưng ngay lập tức, sẽ bị quy chụp là "thua kém cả đàn bà". Và như thế, phần đàn ông của họ bị phủ định.
Bi kịch quay vòng này đến từ chính hình thái xã hội chưa ổn định của Việt Nam. Nó xáo trộn nhiều mặt đời sống, trong đó có văn hóa giới.
Xã hội Việt Nam không còn thuần truyền thống để người đàn ông gánh vác sơn hà và thể hiện sức mạnh cá nhân như thời phong kiến. Song đồng thời cũng chưa đạt đến mức văn minh như các nước phát triển, nơi bình đẳng giới đạt đến cái mức mà người đàn ông ở nhà nội trợ và bế con không bị coi là "không đáng mặt đàn ông".
"Con trai không bao giờ khóc" là suy nghĩ được các bậc cha mẹ truyền vào đầu các cậu bé ngày từ khi chúng có nhận thức. Khi trưởng thành, thay vì bộc lộ những cảm xúc thông thường ai cũng có, nam giới chọn che giấu tất cả.
Họ nhận thức được bi kịch, nhưng mang trước ngực cái danh phái mạnh, họ phải giấu đi những sợ hãi. Lý do rất rõ ràng, là đàn ông, họ không được quyền yếu đuối.
- Làm thế nào để xã hội có cái nhìn đúng đắn về "bình đẳng giới", đặc biệt đối với phái mạnh?
- Trước tiên, hãy bỏ cách gọi "phái yếu - phái mạnh" như chúng ta quen dùng. Bản thân nó mang nhiều định kiến.
Thay đổi định kiến với đàn ông không dễ. Nhưng lời khuyên của tôi đơn giản, đàn ông sợ điều gì thì cứ để họ được nói ra.
Kiều Linh
Người đàn ông trong xã hội hiện đại có nỗi sợ nào? Họ có chịu các định kiến về giới, có mang những áp lực đặc thù của xã hội Á đông? Họ có sẵn sàng chia sẻ hay sợ bị phán xét? Chiến dịch xã hội #toisogi do Bảo hiểm nhân thọ MB Ageas Life tổ chức hướng tới khuyến khích người đàn ông nói ra những điều họ lo sợ. Bạn có thể chia sẻ về bản thân hay về những người đàn ông trong đời mình ngay dưới bài viết này hoặc tại website.