Người gửi: Mai Duy Minh
Tôi là người đã và đang là cộng tác viên của dự án nghiên cứu khoa học công nghệ, có một ít kinh nghiệm làm việc trong nước và được học tập nhiều năm ở các nước phát triển. Chủ đề về khoa học công nghệ được rất nhiều độc giả quan tâm chia sẻ là nguồn động viên rất lớn cho các nhà nghiên cứu khoa học Việt Nam.
Xin chúc ngành khoa học của đất nước phát triển hơn nữa, chúc các cán bộ khoa học tìm thấy nhiều niềm vui trong công tác nghiên cứu ở điều kiện nước ta còn rất nhiều khó khăn. Tôi xin chia sẻ một số quan điểm của mình để mọi người cùng thảo luận.
Tôi cho rằng khoa học công nghệ là cơ sở trực tiếp hoặc gián tiếp để xây dựng, đề xuất các giải pháp kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm. Nghiên cứu khoa học được thực hiện ở nhiều mức độ, hiệu quả của mỗi công trình khoa học chân chính được đánh giá tùy vào giá trị thực của nó, cũng như quan điểm của người đánh giá và thời điểm đánh giá. Mỗi công trình khoa học chân chính đều có giá trị nhất định. Khoa học công nghệ là nền tảng để phát triển đất nước, là cơ hội để dân tộc Việt Nam khẳng định mình trên trường quốc tế.
Có nhiều cách định nghĩa lĩnh vực khoa học trong đó có sự phân biệt giữa khoa học cơ bản và khoa học ứng dụng. Tuy vậy sự phân biệt giữa hai khái niệm này là không rõ ràng. Bởi vì đối với một nội dung nghiên cứu, nó được xây dựng dựa trên các kết quả nghiên cứu trước đó, và sau đó đến lượt kết quả của chính nó lại được các nghiên cứu khác ứng dụng.
Vậy, chúng ta có nên hiểu nghiên cứu khoa học ứng dụng là các nghiên cứu tạo ra những ảnh hưởng trực tiếp, làm thay đổi sản phẩm ví dụ như sáng tạo ra máy bóc vỏ lạc (đậu phộng) hoặc xây dựng quy trình nuôi thương phẩm thâm canh cá tra; và như vậy các nghiên cứu trước đó như nghiên cứu đặc điểm sinh học của cá tra và lập bản đồ di truyền thì được xem là nghiên cứu cơ bản.
Một cách hiểu khác chúng ta cứ cho rằng các nghiên cứu phải tìm ra các công thức hay định luật mới là nghiên cứu cơ bản. Thực tế thì nghiên cứu cơ bản hay ứng dụng không quan trọng mà vấn đề là chúng ta cần nghiên cứu cái gì và nghiên cứu ở đâu, ai là người thực hiện có hiệu quả nhất.
Có thể phân ra 4 loại hình nghiên cứu và tùy vào từng trường hợp cụ thể để định hướng đầu tư, trong đó kết hợp hài hòa nguồn lực của nhà nước và nhân dân.
Thứ nhất, đối với những vấn đề khoa học có tính hàn lâm cao (liên quan đến nền tảng phát triển một lĩnh vực khoa học) Nhà nước cần phải đầu tư. Chúng ta đầu tư mang tính chất lâu dài, có tính chiến lược cả về con người và cơ sở vật chất. Ví dụ như các cơ quan của Chính phủ chọn ra các cá nhân xuất sắc gửi đi đào tạo ở các quốc gia phát triển. Các ứng viên này không phải chỉ hoàn thiện bậc đào tạo tiến sĩ mà còn theo học, nghiên cứu trong nhiều năm.
Đã là người Việt Nam nếu ai đã từng ra nước ngoài học tập và công tác trong thời gian dài thì đều đồng ý rằng hầu hết chúng ta sau khi đã có những kiến thức nhất định đều mong muốn được cống hiến cho đất nước, cho dân tộc. Đầu tư vào lĩnh vực khoa học nền tảng sẽ tạo cơ sở phát triển khoa học dài hạn cho đất nước, cho con em chúng ta mai sau.
Cũng cần nói thêm rằng, khái niệm cạnh tranh trong nghiên cứu khoa học cơ bản có lẽ là chưa phù hợp. Nếu chúng ta phát minh ra vấn đề cơ bản nào đó, chúng ta sẽ là người được hưởng lợi từ giá trị khoa học và quan trọng hơn đó là bằng chứng khẳng định tiềm năng trí tuệ của dân tộc Việt đối với bạn bè trên thế giới. Cái này còn có ý nghĩa hơn nhiều các cuộc tranh tài thể thao.
Loại hình tiếp theo được kể đến ở đây là các nghiên cứu trực tiếp hoặc gián tiếp nhằm cải tiến công nghệ, thay đổi năng suất, chất lượng sản phẩm của các hoạt động có tính đặc thù, chiến lược mang tầm quy hoạch của quốc gia. Đặc biệt chú trọng đến các nghiên cứu liên quan đến vấn đề sinh học như y học (sản xuất thuốc, chữa bệnh...), nông nghiệp (kỹ thuật trồng, chế biến lúa gạo, nuôi tôm sú...) bởi vì các thành tựu nghiên cứu về sinh học của thế giới trong nhiều trường hợp không đem lại hiệu quả khi áp dụng vào Việt Nam do hạn chế về các quy luật sinh học. Các nghiên cứu này nên được hoạch định dài hạn, giao cho các cán bộ nghiên cứu có kinh nghiệm, trình độ và tâm huyết thuộc các viện nghiên cứu thực hiện.
Chúng ta có quá chủ quan hay không nếu cho rằng chỉ cần nghiên cứu ứng dụng các kết quả của thế giới để cải tiến công nghệ của mình trong khi khoa học kỹ thuật thường trở nên lạc hậu sau một thời gian, hoặc một số kết quả được thế giới công bố chỉ mang tính chất đưa tin mà khả năng ứng dụng thực tế rất hạn chế?
Loại hình nghiên cứu thứ ba cần nhắc tới là nghiên cứu trong các trường đại học. Đây là hình thức nghiên cứu không nên đặt nặng vấn đề hiệu quả kinh tế mà tập trung vào phương pháp luận, kiểm chứng các kết quả quốc tế đã đăng tải trên các tạp chí hoặc các giả thuyết do tác giả đặt ra. Có như thế mới khuyến khích các nhà giáo tìm tòi, sáng tạo, củng cố kiến thức của mình, tạo niềm tin để hội nhập với thế giới và cung cấp được các kiến thức mới cho sinh viên.
Hoạt động này sẽ góp phần khắc phục thực trạng đáng buồn trong ngành giáo dục đại học của nước ta hiện nay là có những bộ giáo trình của giảng viên được nhiều thế hệ sao chép lại qua các giờ giảng bài của giảng viên mà sau nhiều năm sự sửa đổi cập nhật, bổ sung giáo trình là không đáng kể.
Cuối cùng là các nghiên cứu mang tính ứng dụng thực tiễn, có vai trò trực tiếp trong việc nâng cao năng suất, chất lượng nhưng tính ảnh hưởng ở phạm vi hẹp hơn so với loại hình 2 đã nêu ở trên. Những dự án này nên được triển khai có sự kết hợp giữa nhà nước và các đơn vị tư nhân. Đây là hình thức vừa có thể huy động nhiều nguồn vốn khác nhau để giảm áp lực về kinh phí cho Nhà nước đồng thời có thể ứng dụng nhanh công nghệ vào sản xuất.
Cũng đồng quan điểm với các độc giả đã chia sẻ, tôi thiết nghĩ việc đánh giá kết quả của các đề tài nghiên cứu khoa học là rất khó, rất nhạy cảm. Nên chăng kết quả nghiên cứu đòi hỏi sự thể hiện một cách khách quan về tính mới, tính lôgic, tính trung thực. Những kết quả này được các tạp chí uy tín của thế giới chấp nhận đăng tải cũng là chỉ tiêu quan trọng để nghiệm thu các dự án cấp bộ và Nhà nước.
Các báo cáo dự án cần được đăng tải rộng rãi trên tạp chí trong nước, chuyển tới các cơ quan có chuyên môn phù hợp để xin ý kiến nhận xét trước khi hội đồng nghiệm thu được triển khai. Tôi cho rằng nếu chúng ta có 5% công trình nghiên cứu khoa học thành công cả về cơ sở lý luận và ứng dụng thực tiễn cũng là một sự thành công lớn của khoa học Việt Nam.
Trong những năm gần đây, Nhà nước đã có những đổi mới để phát triển hoạt động nghiên cứu khoa học. Một số dự luật, quy định mới đã được ban hành. Việc xét duyệt các chương trình và dự thầu các đề tài khoa học là những giải pháp nâng cao sức cạnh tranh, đào thải các cá nhân không đáp ứng được yêu cầu nghiên cứu khoa học.
Hy vọng, Nhà nước sớm hoàn chỉnh Luật Sở hữu công nghệ để tạo hành lang pháp lý rõ ràng, như thế sẽ khuyến khích được các thành phần kinh tế tham gia vào công tác nghiên cứu khoa học.
Dẫu biết rằng điều kiện kinh tế của đất nước còn nhiều khó khăn, đời sống của nhiều cán bộ nghiên cứu khoa học còn nhiều hạn chế, nhưng mong rằng sẽ có nhiều nhà khoa học tâm huyết và gắn bó với nghề để phát triển hơn nữa sự nghiệp khoa học của đất nước.