![]() |
Các đại biểu trao đổi trong giờ nghỉ của hội nghị hiệp thương. Ảnh: Tuổi trẻ. |
Ý kiến này đã nhận được sự đồng thuận của Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Lê Truyền: “Những người tự ứng cử vì họ tâm huyết và thấy đủ điều kiện, chứ không phải vì tâm thần, bất mãn như một số ý kiến trước đây. Tuy nhiên, cơ cấu đại biểu Quốc hội hiện nay chưa thể hiện tôn trọng tự ứng cử”.
Dẫn ra thời kỳ Chính phủ cách mạng lâm thời, Bác Hồ đã sử dụng cả những nhân sĩ trí thức yêu nước như ông Huỳnh Thúc Kháng, Phan Kế Toại, Chủ tịch Hội Người cao tuổi Nguyễn Tấn Trịnh mạnh dạn đề nghị Quốc hội nên dành ít nhất 10% số ghế cho đại biểu ứng cử tự do.
Và để việc tự ứng cử bớt đi bệnh hình thức, bớt tư tưởng vốn ăn sâu trong nhân dân về bầu cử là “Đảng cử, dân bầu”, Ủy viên Đoàn chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam Lưu Văn Đạt kiến nghị Mặt trận nên có lời kêu gọi những người tâm huyết tham gia vào Quốc hội, giống như Bác Hồ từng làm.
Kiến nghị tăng ít nhất 20% đại biểu là người ngoài Đảng
Nhận xét về cơ cấu 10% đại biểu ngoài Đảng, ông Lý Ngọc Minh, Ủy viên Đoàn chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam nói: “Tỷ lệ này là quá ít, không phù hợp với nhu cầu xã hội ngày càng dân chủ”. Ông Minh cũng như Chủ tịch Hội luật gia Phạm Quốc Anh kiến nghị tăng tỷ lệ đại biểu người ngoài Đảng lên 20%, thậm chí 30%.
Theo các đại biểu, so với thời điểm tổ chức bầu cử Quốc hội khóa 11, đến nay, vận nước đã đổi, nhất là khi Việt Nam gia nhập WTO. Tình hình mới đòi hỏi Quốc hội cũng phải đổi mới, phải lôi kéo thật nhiều hiền tài là người ngoài Đảng, tâm huyết với đất nước. Đó là những nhà khoa học, những nhân sĩ, trí thức, giám đốc doanh nghiệp.
Dự kiến cơ cấu, số lượng người của Ủy ban trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên ra ứng cử đại biểu Quốc hội khóa 12: Tổng số 31 người (giảm 26 người so với Quốc hội khóa 11). Trong đó, nữ có 3 người; người ngoài Đảng 11. Cá nhân tiêu biểu là nhân sĩ 2 người; cá nhân tiêu biểu là tôn giáo 2; cá nhân tiêu biểu là trí thức 2; cá nhân tiêu biểu là doanh nghiệp 1. |
Phải tách bạch giữa cơ quan lập pháp và hành pháp
Để giải bài toán tổng số đại biểu Quốc hội theo luật định không thể tăng (quá 500 người), nhưng lại muốn tăng số ứng cử tự do, người ngoài Đảng, các ý kiến hôm qua đều thống nhất phải giảm đại biểu từ cơ quan Đảng, Chính phủ.
Ông Lưu Văn Đạt nói: “Phải tách bạch giữa lập pháp và hành pháp, không thể vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Đại biểu này cũng phản ánh: “Tôi theo dõi Quốc hội, thấy các đại biểu tham gia công tác chính quyền vắng mặt rất nhiều. Họ ôm quá nhiều việc, nên chỉ những hôm nào có luật liên quan đến lĩnh vực của mình thì mới đến họp”.
Ủy viên Đoàn chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam Cư Hòa Vần cho rằng, đại biểu từ các cơ quan trung ương Đảng chỉ nên tối đa 7-8, không nên giữ tới 10 người như hiện nay, cơ quan Văn phòng Chủ tịch nước chỉ nên 1-2, không nên để 3. “Trừ chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, còn chủ nhiệm văn phòng cơ quan Đảng, Chính phủ không nên tham gia Quốc hội. Họ có hàng trăm thứ việc, trong khi Quốc hội họp cả tháng”, ông Vần đề xuất.
Kết thúc hội nghị, Phó chủ tịch Quốc hội Trương Quang Được, Phó chủ tịch Hội đồng bầu cử Quốc hội khóa 12, cho biết sẽ tiếp thu ý kiến của đại biểu để trao đổi với Đảng, đoàn. “Cơ cấu dự kiến hiện nay chưa phải là khuôn vàng thước ngọc, sẽ có nhiều điểm cần tiếp thu”, ông nói.
Theo luật, chậm nhất là ngày 1/3, Ủy ban thường vụ Quốc hội phải điều chỉnh lại lần thứ nhất về cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu Quốc hội được bầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương và địa phương.
Hồng Khánh