Doanh nhân mà tôi đề cập ở trên là một người đã thành đạt với một thương hiệu đồng hồ tên tuổi ở Việt Nam. Hơn mười năm trước, khi còn ngồi trên ghế giảng đường ngành Quản trị kinh doanh, chúng tôi đã có cơ hội được nghe ông kể chuyện về cuộc đời mình.
Khi đó, ông đã kể về hai hay ba lần trở thành tỷ phú rồi lại trở về tay trắng đến độ không có ăn và không dám về nhà gặp gia đình. Tuy nhiên, khi gặp chúng tôi thì ông đã trở lại vị trí tỷ phú của một thương hiệu đồng hồ bậc nhất Việt Nam, lúc đó ông cũng đã ngoài năm mươi tuổi. Trong khi nói chuyện, ông đã nhiệt tình chia sẻ với chúng tôi tất cả những gì chúng tôi quan tâm. Rất nhiều câu hỏi về việc khởi nghiệp, đi làm, nghề nghiệp sau khi ra trường... Đa số các câu hỏi quan tâm đến việc làm sao để có thể thành công trong công việc và kinh doanh. Khi đó, tôi cũng giống khá nhiều bạn sinh viên khác, luôn ấp ủ một suy nghĩ là làm sao để lập nghiệp, xây dựng một công ty của riêng mình, nên tôi cũng hỏi ông một câu - hơi lạ so với những người khác: "Nếu lúc này chú bị phá sản, chú có tiếp tục tìm cách gây dựng lại sự nghiệp kinh doanh không?". Thoáng chút ngạc nhiên, ông trả lời: "Nếu tôi có một việc làm giúp tôi không bị chết đói thì tôi sẽ tiếp tục làm lại, cho dù tôi bao nhiêu tuổi".
Vâng, thưa các anh chị, câu nói đó tôi đã ghi khắc trong lòng nhưng tôi chẳng hiểu bao nhiêu về nó. Ngay khi chưa rời khỏi giảng đường, tôi đã bắt đầu thử sức với việc kinh doanh và đã thất bại liên tiếp mặc dù có cố gắng làm việc. Sau khi tốt nghiệp, tôi đành đi xin việc làm vì số tiền có được nhờ tích cóp và xin của gia đình đã bay hết vào những việc kinh doanh thất bại. Đi làm được một thời gian, nhờ có khả năng nên tôi nhanh chóng được cất nhắc lên vị trí cao hơn và lại tích cóp được chút tiền bạc. Tôi lại nghĩ đến việc kinh doanh để khi có ý tưởng, tôi lại nhanh chóng bỏ việc và bắt tay vào kinh doanh. Sai lầm của tôi là từ lúc bắt đầu kinh doanh, tôi chẳng bao giờ áp dụng phương thức mà nhà doanh nhân đã chia sẻ ngày trước. Tệ hơn, tôi lại luôn tìm đến một sản phẩm, dịch vụ khác với những gì mình đã làm, đã biết để bắt tay làm từ đầu. Chính vì vậy, chỉ trong vòng mười năm, tôi đã trải qua hàng chục công ty để làm việc sau mỗi lần thất bại kinh doanh, và tôi cũng nếm trải việc thất bại kinh doanh của hàng chục loại sản phẩm dịch vụ khác nhau, từ quảng cáo đến tư vấn quản lý, tiếp thị; từ xuất khẩu giày dép, nông sản đến nhập khẩu hàng công nghiệp; Kể cả nhà đất và kinh doanh chứng khoán, thậm chí cả mở lớp luyện thi...cao học.
Nhờ có chút nhanh nhạy và làm việc nhiệt tình, tôi luôn cuốn người khác dốc tâm sức với mình và khi bị thất bại, không ít người đã rất khổ sở vì toàn lực theo tôi để khi trắng tay thì không còn gì để bấu víu. Thú thật là tôi đã làm nhiều người phải gặp phiền phức. Các anh chị cũng biết, sự nghiệt ngã trong kinh doanh trong mỗi lần thất bại thì chẳng có lần nào là dễ chịu cả. Có thời gian, tôi luôn chọn khi trời nắng gắt để đi giao dịch làm việc với đầu đội trần, và khi trời mưa gió tầm tã đi làm việc nhưng không mang áo mưa để tôi ... sợ việc kinh doanh mà từ bỏ nó. Cũng có lúc, tôi đã phải nghĩ rằng, mình xem như đã chết nên không thể chết hơn nữa để thoát ra khỏi áp lực khủng khiếp của một lần kinh doanh thất bại đồng loạt khiến tôi luôn cảm thấy như đang ở địa ngục.
Đến nay, đó cũng là lần nặng nề nhất và gây nhiều thiệt hại, cũng như để lại nhiều hậu quả nhất. Sau lần đó, tôi đã quyết định phải tìm ra cho được lý do CHÍNH khiến tôi mãi không thành công. Vô tình trong lúc chán nản, tôi đọc được câu nói của Acsimet: "Hãy cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ nhấc bổng quả đất lên", ngay lập tức tôi nhớ lại câu nói của Doanh nhân từ thủa còn đi học. Tôi đã nhận ra, điểm tựa chính là một công việc để nuôi sống và điểm tựa cũng chính là một nghề, một sản phẩm, một dịch vụ mà bạn phải có tri thức rất sâu sắc về nó (có kiến thức, kinh nghiệm, hiểu biết về nó). Từ đó, tôi bắt đầu tìm một việc làm có thu nhập ổn định nhưng vẫn có thời gian để làm việc khác và tôi tìm về những sản phẩm, dịch vụ mà tôi có tri thức về nó nhiều nhất để kinh doanh trở lại.
Các anh chị thân mến, tôi vẫn chưa hoàn toàn hồi phục công việc kinh doanh như trước đây nhưng tôi đã có điểm tựa là một nghề và một công việc kinh doanh đang vận hành tốt trở lại. Trong tôi giờ cũng tràn ngập niềm tin về tương lai.
Với các bạn mới tốt nghiệp và những người cùng độ tuổi, tôi có một lời chia sẻ, các bạn hãy tìm một công việc và tận tâm làm việc để có tri thức về sản phẩm, dịch vụ của công việc đó trước khi kinh doanh. Để đối phó với những lúc chúng ta sao lãng, sa sút ý chí hay khó khăn khi thất bại, các bạn nên có một công việc mà tôi tạm gọi là "Sở trường tay trái".
Ông bà ta đã có câu, "Phi thương thì bất phú". Chúc tất các các anh chị và các bạn luôn có đủ nghị lực vượt qua mọi gian nan để trở thành những doanh nhân thành đạt, làm giàu cho bản thân và xã hội.
N.Long