HLV Mikel Arteta từng gây tranh cãi khi tuyển mộ Havertz với tổng phí 82 triệu USD từ Chelsea mùa trước. Tuyển thủ Đức khởi đầu không tốt, làm dấy lên những hoài nghi về vị trí tốt nhất của anh.
Một năm sau, khi Havertz trở lại nơi ghi bàn chính thức đầu tiên cho Arsenal - sân Vitality của Bournemouth, tất cả những nghi ngờ đã tan biến. Havertz hiện là trung phong toàn diện nhất Ngoại hạng Anh.
Thi đấu năng nổ. Cầu thủ nhút nhát, đôi khi rụt rè đến từ Chelsea vào mùa hè năm 2023 đã trở thành tiền đạo chăm chỉ, quyết tâm, liên tục pressing ở tuyến đầu. Havertz chạy 77 km qua bảy vòng đầu Ngoại hạng Anh, chỉ kém tiền vệ phòng ngự Flynn Downes (Southampton) và tiền vệ Bruno Guimaraes (Newcastle). Đây là thành tích đáng nể với một tiền đạo.
Havertz còn thuộc nhóm đầu Ngoại hạng Anh ở nhiều thông số như số lần áp sát đối thủ (58), số lần chạy không bóng (165), số lần gây áp lực (194) và đấu tay đôi thắng (49). Những điều này cho thấy Havertz là một trong những cầu thủ thi đấu năng nổ nhất Ngoại hạng Anh.
Ví dụ điển hình là tình huống dẫn đến bàn duy nhất của Arsenal trong trận thắng trên sân Tottenham. Havertz từ phần sân nhà để đuổi theo tình huống phá bóng rồi thắng trong cuộc đấu tay đôi với cầu thủ nhanh nhất giải Micky van de Ven. Tuyển thủ Đức chuyền ngang cho Gabriel Martinelli, từ đó Arsenal triển khai đợt phản công dẫn đến phạt góc - nơi trung vệ Gabriel Magalhaes đánh đầu ghi bàn duy nhất.
Không chiến mạnh mẽ. Bên cạnh việc năng nổ ngoài vòng cấm, Havertz còn thể hiện sức mạnh không chiến trong vòng cấm. Tiền đạo 25 tuổi ghi hai bàn từ những pha đánh đầu.
Đầu tiên là tình huống băng cắt đón quả tạt của Bukayo Saka rồi không chiến mở tỷ số trong trận thắng Wolves 2-0 trên sân nhà. Thứ hai là pha chạy chỗ tương tự để đón quả tạt của Leandro Trossard rồi đánh đầu cận thành hạ thủ môn Gianluigi Donnarumma, mở ra chiến thắng 2-0 trước PSG ở Champions League.
Havertz có tám lần dứt điểm bằng đầu tại Ngoại hạng Anh mùa này, chỉ sau Erling Haaland (10 lần). Havertz cũng thắng 28 lần những pha tranh chấp trên không, chỉ sau trung vệ Virgil van Dijk (30) và tiền đạo Dominic Calvert-Lewin (35).
Khả năng không chiến của Havertz giúp Arsenal có thêm lựa chọn tấn công. "Pháo thủ" có thể chuyền dài để tuyển thủ Đức dứt điểm, hoặc tranh chấp và mở ra cơ hội cho đồng đội.
Dứt điểm sắc bén hơn. Khác với thời gian đầu khi mới cập bến Arsenal, Havertz đã thi đấu tự tin, năng động khi liên tục di chuyển vào vòng cấm. Điều này giúp cựu cầu thủ Bayer Leverkusen có nhiều cơ hội hơn.
Bản đồ những cú sút tại Ngoại hạng Anh mùa này cho thấy Havertz hiếm khi dứt điểm từ ngoài vòng cấm, và đạt tỷ lệ chính xác cao với những cú sút trong vòng cấm (chỉ ba cú chệch mục tiêu).
Havertz có 22 cú sút trong vòng cấm, chỉ kém Haaland, và có 10 cơ hội rõ ràng, chỉ kém Ollie Watkins. Tổng cộng, Havertz dứt điểm 25 lần - đứng thứ tư tại giải, và chạm bóng 45 lần trong vòng cấm đối phương - đứng thứ bảy tại giải.
Với phong độ cao của Havertz, Arsenal ghi bàn trong bảy trận sân nhà liên tiếp trên mọi đấu trường.
Mối liên kết đặc biệt với Saka. Khi Martin Odegaard vắng mặt vì chấn thương mắt cá, Havertz dường như thi đấu gần hơn với Bukayo Saka. Bản đồ nhiệt tại Ngoại hạng Anh mùa 2024-2025 cho thấy tuyển thủ Đức có xu hướng dạt phải, dù thường sắm vai trung phong trong hệ thống của Arsenal.
Hai ngôi sao này kết hợp ăn ý, và Saka đã kiến tạo ba trong bốn bàn của Havertz tại Ngoại hạng Anh mùa này.
"Xét đến sự khéo léo, năng nổ, sức mạnh không chiến của Havertz, thật khó để tìm ra trung phong nào đạt tầm ảnh hưởng nhiều hơn Havertz tại Arsenal", Adrian Clarke bình luận. "Havertz hiện là nhân tố thông thể thiếu trong đội hình chính của Arteta".
Clarke sinh năm 197, từng khoác áo Arsenal giai đoạn 1991-1997. Sau khi giải nghệ năm 2005, ông trở thành chuyên gia bóng đá, cộng tác với nhiều hãng truyền thông lớn như BT Sport, Talksport, BBC... Hiện, ông là chuyên gia phân tích chiến thuật cho trang chủ của Ngoại hạng Anh.
Hồng Duy