![]() |
Phôi người tạo ra theo nhân bản đơn tính có bộ gene hoàn toàn của mẹ. |
Phương pháp này rất giống với kiểu sinh sản trinh tinh (còn gọi là xử nữ): Nghĩa là bản thể mẹ hình thành tế bào sinh dục, nhưng tế bào này phát triển luôn thành cá thể mới mà không cần có sự hợp nhất của hai cơ thể khác giới. Về mặt kỹ thuật, người ta cũng gọi đó là sinh sản đơn tính.
![]() |
1. Trứng trưởng thành. 2. Trứng được xử lý hoá chất, bắt đầu phân chia. 3. Túi phôi giai đoạn 100 tế bào. Kết quả: A. Tế bào gốc phôi được dùng cho y học. B. Theo lý thuyết, phôi được cấy vào cơ thể để trở thành đứa trẻ bình thường. |
Trong trường hợp này, tế bào trứng người tự phát triển thành một phôi mà không cần đưa vào bất cứ vật liệu di truyền (ADN, gene) nào từ tinh trùng. Phôi này sẽ là bản sao của người mẹ. Đây cũng là một nguồn tế bào gốc hữu ích, có thể phát triển thành các mô và nội quan thay thế, dùng để chữa trị các bệnh nan y do suy thoái gene.
Đối với một số nhà khoa học, thành công này đã đi quá giới hạn của những tranh cãi thông thường về vấn đề đạo đức trong việc nhân bản, nhưng với những người khác, nó chỉ là một bằng chứng mới cho thấy khoa học đã tiến rất xa.
Không có cha
Các nhà khoa học đã quan sát thấy hiện tượng sinh sản đơn tính ở nhiều loài động vật bậc thấp, chẳng hạn rệp vừng. Trong nhiều loài động vật có đời sống xã hội, như ong mật và kiến, sinh sản đơn tính tạo ra con đực, còn trứng được thụ tinh tạo ra con cái, gồm con thợ và con chúa.
Không có loài động vật bậc cao nào sinh sản theo cách này. Tuy nhiên, sinh sản đơn tính đã được thực hiện nhân tạo trên ếch và rắn, mặc dù các sản phẩm hay phát triển bất bình thường. Cho đến nay, kỹ thuật này chưa hề được thực hiện trên người.
Thông thường, khi một tinh trùng kết hợp với một trứng và bộ gene của chúng lồng với nhau, phôi mới sẽ hình thành và phát triển. Để tránh việc phôi có hai bộ gene sau thụ thai, tạo hóa đã khiến cho trứng và tinh trùng khi trưởng thành chỉ luôn có một nửa bộ gene (sau sự giảm phân - giảm một nửa nhiễm sắc thể - của tế bào sinh dục). Tuy nhiên, trong quá trình trưởng thành, trứng giảm phân tương đối muộn hơn.
Nếu bằng cách nào đó, người ta buộc một tế bào trứng hoạt động trước khi giảm phân, nó vẫn sẽ có một bộ gene đầy đủ, và có thể phát triển thành một phôi nhân bản với đầy đủ chức năng.
Chữa bệnh tim
Các nhà khoa học của công ty ACT cho rằng có thể sử dụng kỹ thuật này chữa trị cho những phụ nữ mắc bệnh tim, bằng cách thu thập chính trứng của họ, kích hoạt trong phòng thí nghiệm và tạo ra các tế bào gốc. Các tế bào này sẽ được nuôi thành tế bào cơ tim, rồi cấy ghép trở lại vào vùng tim bị thương tổn của người phụ nữ.
Ưu điểm của kỹ thuật trên là các tế bào gốc lấy từ phôi đơn tính ít có nguy cơ bị đào thải sau khi cấy ghép (vì trứng vẫn mang ADN của chính bệnh nhân). Mặt khác, các tế bào này có thể được chấp nhận dễ dàng hơn, ít gây tranh cãi về vấn đề đạo đức như với các tế bào gốc lấy từ quá trình nhân bản thông thường (trứng nhận được ADN từ một người khác).
Kỹ thuật tương tự nhằm tạo ra tế bào gốc chữa trị cho đàn ông sẽ phức tạp hơn nhiều, vì nó liên quan đến một số thao tác về gene. Chẳng hạn, người ta sẽ phải chuyển hai nhân tinh trùng của người đàn ông vào một trứng đã bỏ nhân. Trứng này từ đó mới phát triển thành phôi, cung cấp tế bào gốc để chữa bệnh cho họ.
B.H. (theo BBC)
Kỳ trước: Tạo được phôi người nhân bản đầu tiên (26/11)