Tác phẩm do nhà văn Quỳnh Dao biên kịch ra mắt 25 năm, là mốc son của truyền hình Trung Quốc. Đến nay, các câu chuyện về hậu trường thực hiện phim vẫn gây chú ý với khán giả, là chủ đề bình luận của nhiều người ở một số diễn đàn phim ảnh.
Trong tự truyện Câu chuyện của tôi của Quỳnh Dao, xuất bản năm 2019, nhà văn kể nhiều chuyện hậu trường khi ghi hình tác phẩm tại Trung Quốc. Bà cho rằng tác phẩm thành công một phần nhờ êkíp mạnh dạn sáng tạo, mang đến những cảnh quay độc đáo, mới lạ. Phân đoạn khiến bà lo lắng lẫn buồn rầu nhất là những cảnh Hàm Hương (Lưu Đan đóng) nhảy múa cùng bươm bướm.
Quỳnh Dao cho biết trước khi viết kịch bản, bà hỏi các công ty kỹ xảo để xác định khả năng hiện thực hóa ý tưởng. Khi biết có thể thực hiện được, nhà văn viết bốn cảnh bướm vây quanh Hàm Hương, gồm khi nhân vật còn bé trên sa mạc, khi nhân vật trưởng thành, khi nhập cung và lúc qua đời. Quỳnh Dao còn thêm cảnh Tiểu Yến Tử bắt chước gọi bướm nhưng lại dụ được một bầy ong bu tới.
Khi quyết định thêm nhân vật Hàm Hương, Quỳnh Dao nghĩ cần để nhân vật này mang màu sắc lãng mạn, huyền bí, bà miêu tả Hàm Hương trên người tỏa mùi hương hấp dẫn bươm bướm. Lúc quay, các diễn viên giả vờ xung quanh có bướm, phần còn lại do công ty kỹ xảo thực hiện. Nhưng khi gửi phim đi, nhiều công ty lắc đầu vì đoàn phim yêu cầu cả đàn bướm bay quanh chứ không phải một, hai con. Họ giải thích thời gian thực hiện tốn vài tháng. Nhưng đoàn phim không thể chờ vài tháng vì đã định ngày phát sóng.
Vì vấn đề này, Quỳnh Dao vừa lo lắng vừa buồn, thường nghĩ vì sao công ty nước ngoài có thể làm được còn công ty của Trung Quốc bấy giờ chưa làm được. Chồng bà, Bình Hâm Đào, bèn tìm các mối quan hệ để giúp vợ. Sau đó, các cảnh quay giao cho vài công ty thực hiện để kịp tiến độ. Kinh phí cho những đoạn dụ bướm là mỗi giây 30.000 Đài tệ (22 triệu đồng theo tỷ giá hiện tại). Tổng cộng, êkíp chi khoảng 15 triệu Đài tệ (11,3 tỷ đồng) cho các công ty kỹ xảo thực hiện những đoạn gọi bướm.
Theo Sina, sau khi công chiếu, vài nhà xã hội học gọi hiệu ứng bộ phim tạo nên là "cơn bão Tiểu Yến Tử". Tác phẩm xoay quanh Tiểu Yến Tử (Triệu Vy đóng) - cô gái biểu diễn võ nghệ đường phố - trở thành công chúa giả trong cung đình nhà Thanh. Nàng tìm cách đưa công chúa thật - Hạ Tử Vy (Lâm Tâm Như đóng) vào cung. Cùng người hầu Kim Tỏa (Phạm Băng Băng), Tiểu Yến Tử, Hạ Tử Vy, trải qua hoạn nạn, đấu tranh cho tình bạn, tình yêu.
Đạo diễn Tôn Thụ Bồi và biên kịch đều yêu cầu cao, chấp nhận bỏ thêm kinh phí để có những cảnh đẹp mắt. Phim có đoạn Tiểu Yến Tử ăn trộm ở vườn hồng chín, nhưng ở Bắc Kinh, nông dân thường hái khi quả còn xanh để ủ chín đem bán, không ai để hồng chín vàng trên cây mới hái.
Nhân viên đạo cụ thuyết phục đạo diễn quay khi quả hồng xanh nhưng ông không đồng ý, cho rằng quay quả xanh không đẹp. Êkíp quyết định chi tiền bao toàn bộ vườn hồng của chủ vườn. Khi hồng chín, chủ vườn gọi điện báo êkíp tới ghi hình.
Theo Quỳnh Dao, những cảnh quay với động vật khiến đoàn phim vất vả nhất, vì không ai kiểm soát được chúng. Bà vẫn sợ khi nhớ lần quay với chó lai sói (lang cẩu) trên sa mạc. Kịch bản yêu cầu Hàm Hương và người tình Mông Đan chạy trốn, bị lang cẩu đuổi theo.
Lo ngại chó cắn người lạ, chủ chó kiêm luôn người đóng thế cho Mâu Phượng Bân (Mông Đan). Nhà quay phim theo sát ghi hình đàn chó chạy trên sa mạc, bỗng vài giây sau, trước mắt ông chỉ một màu đen, không thấy màn hình hiển thị gì. Hóa ra một con chó chạy về phía máy quay, há mồm ngoạm ống kính đắt đỏ, mới toanh mà êkíp mới sắm. Ông phải giành lại dụng cụ quay phim với lang cẩu. Khung cảnh trở nên hỗn loạn, mất kiểm soát.
Theo The Paper, ngoài vai trò biên kịch, Quỳnh Dao còn đầu tư, tham gia sản xuất bộ phim. Bà lên kịch bản chi tiết, đề nghị đạo diễn và diễn viên không chỉnh sửa câu chữ của bà. Tài tử Châu Kiệt từng tiết lộ chỉ một từ thay đổi so với kịch bản, anh và Quỳnh Dao phải thảo luận cả ngày.
Như Anh (theo The Paper)