Bước vào một cửa hàng đồ lưu niệm trên phố mua sắm Oxford nổi tiếng của London, khách du lịch có thể bất ngờ khi thấy một kệ treo đầy những gói bao cao su in những hình vẽ hài hước về nước Anh. Đặc biệt, những chiếc in hình thế vận hội Olympic cách đây một năm vẫn được bày bán. “Tại sao không chứ? Chúng bán đắt như tôm tươi. Nhờ có Olympic mà London thêm nổi tiếng”, Ali, một người bán hàng giải thích.
Hình ảnh “Nữ hoàng Anh” nhảy dù xuống sân vận động, hàng trăm ngọn lửa chập thành ngọn đuốc lớn hay thời khắc “tia chớp” Usain Bolt lập kỳ tích trên đường chạy đã hằn sâu trong tâm trí khán giả thế giới về một đại hội thể thao thành công ngoài mong đợi. Cách đây một năm, cả thế giới vẫn chưa hết ngỡ ngàng trước những khoảnh khắc ấn tượng của lễ khai mạc thế vận hội Olympic mùa hè 2012. Người yêu thể thao cũng bị cuốn vào bầu không khí sôi động, với 32 kỷ lục thể thao thế giới mới được xác lập.
Tuy nhiên, khi sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh đến hồi bế mạc, “thi xong xuôi tất cả lại về”, một gánh nặng kinh tế lớn thường đè lên vai nước chủ nhà sau những khoản đầu tư hạ tầng cơ sở.... Olympic Athens 2004 và tác động của nó đến cuộc khủng khoảng kinh tế Hy Lạp vẫn còn là bài học đắt giá đối với các quốc gia đăng cai Olympic.
Vì vậy, việc làm thế nào để chi tiêu tiết kiệm trong quá trình xây dựng cơ sở vật chất và tận dụng tối đa giá trị hậu sự kiện này là điều nước Anh phải tính đến ngay từ khi đấu thầu đăng cai và trong suốt 7 năm chuẩn bị. Một năm trôi qua, "xứ sở sương mù" vẫn đang đúng hướng theo khuôn khổ kế hoạch 4 năm hậu Olympic.
Chi tiêu công của nước Anh dành cho thế vận hội mùa hè 2012 này là khoản tiền 9,3 tỷ bảng Anh. Một năm sau, theo báo cáo mới được chính phủ Anh và thị trưởng London công bố, thành tựu hậu Olympic và Paralympic là khoản đầu tư và thương mại lên tới 9,9 tỷ bảng.
Khoản tiền này đến từ những hợp đồng các công ty Anh giành được để phục vụ những thế vận hội ở Brazi, Nga nhờ kinh nghiệm tổ chức Olympic London, những khoản đầu tư nước ngoài vào Anh và doanh số từ sản phẩm xuất khẩu liên quan đến Olympic.
Lần đầu được chính phủ cấp chứng nhận về những đóng góp cho thành công của Olympic London, các công ty Anh đã giành được những hợp đồng trị giá 120 triệu bảng để cung cấp thiết bị, hạ tầng cơ sở cho World Cup Brazil 2014, thế vận hội Olympic và Paralympic Rio 2016. Họ còn ký được hơn 60 hợp đồng cho thế vận hội Olympic mùa đông Sochi 2014 và World Cup Nga 2018.
Một yếu tố từng giúp London hạ gục các đối thủ đáng gờm khác như Paris, New York trong cuộc cạnh tranh quyền đăng cai Olympic là cam kết tạo ra di sản, đem lại lợi ích lâu dài cho cộng đồng nhiều năm sau thế vận hội. “Nếu các bạn chọn London, nếu các bạn cho nước Anh tổ chức thế vận hội, chúng tôi sẽ sử dụng sức mạnh của nó để truyền cảm hứng cho thế hệ sau”, Lord Coe, trưởng đoàn London từng hứa khi tranh quyền đăng cai.
Với những thành tựu trong công tác tổ chức thế vận hội mùa hè Olympic London 2012, Anh tuyên bố sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam trong công tác đăng cai Asian Games 2019. “Điều tôi có thể đảm bảo là chuyên môn của chúng tôi, được xây dựng nên từ thành công của Olympic, đang sẵn có để giúp đỡ Việt Nam tổ chức sự kiện lớn này”, Quốc vụ khanh phụ trách Thương mại và Đầu tư Anh, Lord Green nói trong chuyến thăm Việt Nam cách đây không lâu. Ông cho biết phía Anh có kinh nghiệm dày dặn trong công tác xây dựng hạ tầng cơ sở, quản lý giao thông, an ninh, có thể hỗ trợ Việt Nam.
Dự kiến Asian Games 2019 có sự tham dự của 45 quốc gia với 12.000 vận động viên, 1.000 quan khách quốc tế, 2.000- 3.000 phóng viên. Đoàn thể thao Việt Nam đặt chỉ tiêu đoạt 10-16 HCV, xếp từ hạng 6 đến hạng 10 trong tổng số 45 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự Đại hội. Tổng kinh phí dự kiến để tổ chức đại hội dự trù 4.162 tỷ đồng, trong đó chi phí dự kiến là 3.149 tỷ đồng (tương đương 150 triệu USD).
* Video: Công viên Olympic Nữ hoàng Elizabeth mở cửa cho cộng đồng.
* Video: Phối cảnh 3D Công viên Olympic Nữ hoàng Elizabeth đến năm 2030.
Trọng Giáp (Video: YouTube, Telegraph)