"Tôi mắc cỡ khi cứ đi mời gọi đầu tư ở nước ngoài. Mang danh sách các dự án đi mà không giải quyết được gì. Nếu không thay đổi việc này dần dần nhà đầu tư sẽ chán không tới nữa", Phó chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan nói tại buổi giám sát của HĐND TP HCM về nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, sáng 11/11.
Năm nay, thành phố công bố danh mục 197 dự án kêu gọi đầu tư với tổng vốn gần 944.000 tỷ đồng, trên 10 lĩnh vực như hạ tầng giao thông, môi trường, công nghiệp, giáo dục, y tế... Tuy nhiên, theo ông Hoan, hầu hết chưa đủ điều kiện mà chỉ có tên, vị trí, tổng mức vốn. Thành phố cũng chưa có tiêu chí cụ thể trước khi đưa các dự án ra đấu thầu. Do đó, khi ra nước ngoài mời gọi, các nhà đầu tư bày tỏ sự quan tâm nhưng dự án nào cũng vướng, nên không thể triển khai.

Phó chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan phát biểu tại buổi giám sát của HĐND, sáng 11/11. Ảnh: Thái Anh
Phó chủ tịch UBND thành phố chỉ ra 5 nguyên nhân của tình trạng này. Đầu tiên là dự án chưa rõ thẩm quyền nên chưa xác định được nguồn lực đầu tư (công hay tư nhân) và phải áp dụng quy định của luật nào. Bởi dự án đầu tư công sẽ dùng Luật Đầu tư công, và phải trình HĐND thành phố duyệt, còn dự án tư nhân áp dụng các luật về đầu tư, không cần trình HĐND.
Bên cạnh đó, nhiều địa phương dừng thực hiện quy hoạch cũ - 2010, do có tâm lý chờ điều chỉnh quy hoạch chung đến 2040 sẽ ban hành trong năm tới nên các dự án bị vướng, không thực hiện được. "Tuy nhiên, tư duy này không đúng vì quy hoạch mới cũng phải kế thừa cái cũ", ông Hoan nói.
Một vấn đề khác là đất có quy hoạch nhưng hiện trạng sử dụng không như cũ, gây khó giải phóng mặt bằng. Thành phố thiếu quỹ đất sạch. Ngoài đất công, hầu hết đất của các dự án đều chưa sạch. Từ đây nảy sinh vướng mắc, nếu nhà nước thu hồi để giao đất sạch cho nhà đầu tư thì thành dự án đầu tư công, quá trình thực hiện rất khó khăn. Còn nếu xác định là tư nhân thu hồi và làm theo luật đầu tư, thủ tục sẽ đơn giản hơn.
Nguyên nhân cuối cùng, theo ông Hoan, hiện các tiêu chí để đưa dự án ra đấu thầu như pháp lý, dự án thuộc loại nào, phương thức gì trong đầu tư tư nhân... chưa có khiến nhiều công trình bị vướng, không thể triển khai.

Vướng quy hoạch là một trong những lý do khiến nhiều dự án ở Củ Chi chưa thể triển khai. Ảnh: Quỳnh Trần
Về giải pháp, lãnh đạo UBND TP HCM cho rằng cần khuyến khích nhà đầu tư đề xuất dự án, thay vì chính quyền "vẽ ra" rồi mới kêu gọi doanh nghiệp tham gia. Việc này dẫn đến tình trạng dự án thiết kế không phù hợp, khó thu hồi vốn và nhà đầu tư không mặn mà, còn nếu đề xuất cách làm khác cơ quan nhà nước lại không chịu.
"Tinh thần là tháo khoán", ông Hoan đề xuất và cho rằng tư nhân đầu tư nhanh vì họ quyết định làm thì một năm sẽ xong, sau đó 5 năm thu lời. Còn nhà nước quyết định xong, 5 năm sau mới có chủ trương, rồi 5 năm nữa mới bỏ tiền đầu tư nên dự án bị đội vốn, cơ sở vật chất lại lạc hậu.
Ngoài ra, với dự án đầu tư công, Phó chủ tịch Võ Văn Hoan cho biết chi phí vận hành của các ban quản lý lấy từ 2% tổng mức đầu tư dự án, nhưng nhiều địa phương có rất ít dự án khiến ban "không đủ sống", dẫn đến trách nhiệm và tinh thần làm việc không cao. Do đó, ông đề xuất nên gom các địa phương nội thành ít dự án lại thành ban quản lý dự án khu vực để thu gọn bộ máy và cán bộ có động lực làm việc.
Trước đó, Phó chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Văn Dũng cùng nhiều đại biểu chất vấn về kết quả kêu gọi đầu tư của 197 dự án mà thành phố kêu gọi trong năm nay. Đại biểu Lê Trương Hải Hiếu, Trưởng ban Kinh tế Ngân sách, cho rằng Sở Kế hoạch và Đầu tư nên xây dựng rõ ràng hơn các chính sách, cơ chế để thu hút đầu tư hiệu quả hơn.
Thu Hằng