Hầu hết công trình xây dựng trong phố cổ Hà Nội sai phép
Mặt phố Cửa Đông là dãy nhà 2-3 tầng, bỗng ngoi lên sừng sững tòa lầu 6 tầng ở nhà số 17. Công trình này xây dựng sai giấy phép, tồn tại 2 năm nay song vẫn chưa bị các lực lượng chức năng xử lý.
Tương tự, toà nhà số 26 Hà Trung thuộc diện nhà cổ cần bảo tồn, tôn tạo song chủ nhà đã xây mới không theo quy định. Điều lệ quản lý khu vực phố cổ quy định công trình phải giữ nguyên hiện trạng 2 tầng ở khối nhà ngoài và 3 tầng khối trong, ngăn cách là giếng trời. Nhưng sau khi xây dựng, căn nhà bị biến dạng, cao tới 3 tầng phía ngoài và 5 tầng bên trong.
Hai trường hợp trên chỉ là số ít trong hàng trăm công trình xây mới hoặc cơi nới nhà ở vi phạm các quy định bảo tồn phố cổ. Thanh tra xây dựng thành phố cho biết, khoảng 90% nhà mới xây dựng, cải tạo sai phép với nhiều hành vi. Ngoài thay đổi chiều cao, gia chủ còn tự ý thay đổi kết cấu, vật liệu xây dựng. Lẽ ra phải lợp mái ngói thì chủ nhà lại đổ mái bằng, mái tôn; yêu cầu cửa và lan can bằng gỗ thì chủ nhà lại thay bằng cửa khung nhôm kính... Nhiều ngôi nhà tại Ngõ Trạm, Hà Trung, sau khi cải tạo đã được phủ kín bằng cửa kính màu, không còn nhận thấy đường nét của nhà cổ.
UBND quận Hoàn Kiếm và Ban quản lý phố cổ Hà Nội đã lấy ý kiến người dân về nhu cầu nhà ở: - 36% số hộ dân muốn giữ nguyên hiện trạng nhà - 39% số hộ dân muốn giữ nguyên hiện trạng và sửa chữa cải tạo. - 8,2% số hộ dân muốn giữ nguyên hiện trạng và mở rộng thêm diện tích. - 8,3% số hộ muốn giữ nguyên hiện trạng và mở rộng diện tích nơi khác. - 6,7% số hộ muốn thay đổi nơi ở mới.
Theo ông Bùi Văn Chiểu, Phó giám đốc Sở Xây dựng, trách nhiệm giải quyết các vụ việc này thuộc đơn vị cấp phường, quận song họ rất chậm trễ. Như hồ sơ của nhà 17 Cửa Đông vẫn chưa đầy đủ để các lực lượng chức năng tiến hành cưỡng chế.
Ban quản lý phố cổ Hà Nội cho biết khu vực phố cổ đang được bảo tồn có 4.340 số nhà. Mỗi số nhà diện tích trung bình 92 m2 có tới 3-4 gia đình sinh sống, do vậy diện tích ở chỉ đạt 0,5-1,8m2/người. Tình trạng sống chật chội như vậy buộc hơn 15.000 người dân khu vực này tận dụng hết diện tích sân, vườn nhà cổ làm bếp, chỗ chứa đồ đạc.
Dự thảo Điều lệ quản lý khu vực phố cổ đang được các cơ quan chức năng soạn thảo trình UBND thành phố. Theo đó người dân sẽ được sửa chữa, xây dựng nhà dựa theo quy hoạch và hiện trạng. Quy định này có thể cải thiện tình trạng xuống cấp của 80% nhà ở khu vực này. Tuy nhiên, thanh tra xây dựng đang lo nếu không có biện pháp quản lý hiệu quả thì tình trạng xây dựng trái phép sẽ gia tăng.