Theo báo cáo giám sát "Thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, vận hành và cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư" của Ủy ban Pháp luật mới đây, các địa phương thuộc phạm vi giám sát đều không có chung cư nào thực hiện phân hạng và được công nhận hạng.
Tính đến ngày 30/11/2022, cả nước mới có 7 nhà chung cư được phân hạng ở ba tỉnh Thái Nguyên (3), Hà Tĩnh (3) và An Giang (1), còn lại đều không thực hiện phân hạng hoặc được công nhận phân hạng theo quy định của Luật Nhà ở 2014.
Trong khi đó, theo Ủy ban Pháp luật, nhiều chủ đầu tư không thực hiện phân hạng theo quy định mà "tự phong hạng" cho dự án bằng những tên gọi gây nhầm lẫn cho khách hàng như chung cư cao cấp, chung cư hạng sang, chung cư với tên gọi tiếng nước ngoài.
Báo cáo giám sát của Ủy ban Pháp luật không lý giải vì sao sau 9 năm thực hiện Luật Nhà ở mới có 7 chung cư được phân hạng. Tuy nhiên, theo Thông tư 31/2016 của Bộ Xây dựng, việc phân nhà chung cư thành nhiều hạng khác nhau để xác định giá trị khi thực hiện quản lý hoặc giao dịch trên thị trường. Sở Xây dựng các tỉnh, thành được giao công nhận hạng chung cư trên địa bàn theo đề nghị của tổ chức, cá nhân.
Thứ tự phân hạng theo các cấp A (cao nhất), B và C (thấp nhất) dựa trên bốn nhóm tiêu chí gồm quy hoạch - kiến trúc; hệ thống, thiết bị kỹ thuật; dịch vụ, hạ tầng xã hội và chất lượng, quản lý, vận hành.
Trong đó, chung cư hạng A phải đạt tối thiểu 18 trên tổng số 20 tiêu chí cụ thể theo thông tư hướng dẫn.