Khi Stephen Lovell thường đến thăm ông bà ngoại lúc còn nhỏ, anh như lạc vào một thế giới xa hoa với quần áo tuxedos và cocktail chảy tràn. Họ sở hữu các du thuyền, máy bay, một trang trại ngựa. Đó là chưa kể tới một lâu đài rộng rãi ở Toronto, Canada và một căn nhà mùa hè ở New York.
Anh ước tính rằng ông mình, người sở hữu tập đoàn John Forsyth Shirt, có khối tài sản ước tính ít nhất 70 triệu đôla theo thời giá hiện nay. Nhưng sau một loạt quyết định tồi tệ, những chuyện không may và nghiện ngập, thế hệ sau ông đã làm bốc hơi số tiền đó.
"Tôi nghĩ về điều này suốt thời gian qua", Lovell, một nhà lập kế hoạch tài chính tại California, tâm sự.
Thực tế, 70% các gia đình giàu có mất hết tài sản của mình trong tay thế hệ thứ hai, và 90% mất trắng vào thế hệ thứ ba, theo tổ chức tư vấn tài sản Williams Group.
Tổ chức Trust Mỹ gần đây đã khảo sát những người có thu nhập cao - với tài sản hơn 3 triệu đôla có thể đầu tư - để tìm hiểu họ đã chuẩn bị thế nào cho thế hệ tiếp theo quản lý số tài sản lớn đó.
"Hãy nhìn vào các con số, 78% cảm thấy thế hệ tiếp theo không đủ tin cậy về mặt tài chính để quản lý tài sản thừa kế", Chris Heilmann, giám đốc bộ phận thi hành ủy thác tài sản của tổ chức này, cho biết.
Và 64% thú nhận họ đã hé lộ rất ít hoặc không chút nào về tài sản của mình cho các con.
Cuộc khảo sát liệt kê ra nhiều lý do khác nhau: Mọi người được dạy rằng không được nói về tiền bạc; họ lo lắng con mình sẽ trở nên lười biếng và tự phụ, họ sợ rằng thông tin sẽ bị rò rỉ.
Khi được hỏi tại sao những người giàu có không dạy con cách quản lý tiền bạc thông minh, và lý do mà thế hệ thừa kế thứ hai, thứ ba hóa ra lại vô dụng, một số nhà lập kế hoạch tài chính đã đưa ra các câu trả lời thẳng thắn đáng kinh ngạc:
"Hầu hết họ chẳng có khái niệm nào về giá trị của đồng tiền, hoặc cách quản lý nó", "Thế hệ thứ ba thường là khánh kiệt", "Thường chỉ mất 19 ngày kể từ khi nhận tài sản thừa kế, người thừa kế sẽ mua một chiếc xe hơi mới"...
Đúng vậy, các số liệu có thể rất khắc nghiệt, Nhưng chỉ vì hầu hết các gia đình giàu có bị bốc hơi tài sản, không có nghĩa là gia đình bạn cũng thế.
Dưới đây là một vài chiến lược để bạn tránh điều đó:
Nói chuyện sớm và thường xuyên với các con
Bạn có thể nghĩ rằng mình khuyến khích các con làm việc tích cực bằng cách không đả động về tài sản nhà mình với lũ trẻ, nhưng điều đó thực sự chỉ nuôi dưỡng sự ngu dốt.
Nếu bạn chỉ là chưa bao giờ nói chuyện về tiền bạc, hãy vượt qua chướng ngại đó, hãy dạy con bài học về cách tiêu tiền. Rất nhiều tình huống mang lại những bài học quý giá và là cơ hội để những người thừa kế trưởng thành nhanh chóng.
Điều đó cũng đúng với các cháu bạn: Hãy thấm dần cho trẻ các bài học tiền bạc thông minh, và bạn sẽ kéo dài sự giàu có của gia đình thêm 30-40 năm nữa.
Thảo luận về di chúc
"Cha mẹ và ông bà nên thảo luận về nội dung và lý do của tờ di chúc trong một nhóm người, với sự có mặt của tất cả con cháu mình, rất lâu trước khi tờ di chúc được đọc", David Mullins, một nhà lập kế hoạch ở bang Virginia, khuyên.
Bằng cách đó, bạn có thể loại bỏ bất cứ vấn đề gia đình nào trước khi trao tài sản cho các con. Nó tốt hơn là đọc di chúc sau khi qua đời, có thể dẫn đến cuộc nội chiến pháp lý trong gia đình.
Tạo ra một bản đồ chỉ dẫn
Khoảng 1/4 số cha mẹ thuộc thế hệ 50-60 tuổi ngày nay nghĩ rằng các con của họ chưa thể quản lý khối tài sản lớn của mình cho đến tuổi chín chắn là 40. Và khoảng một nửa số người giàu có trên 70 tuổi đồng ý với điều này.
Đó là lý do vì sao bạn nên chuẩn bị cho những người thừa kế của mình một bản đồ đường đi tài chính. Bạn có thể vạch ra những gì mình kỳ vọng trong việc tiêu tiền, tiết kiệm và cho đi, cũng như các chiến lược dài hơi trong việc xây dựng tài sản.
Stephen Lovell ước gì mẹ anh đã có bản đồ chỉ dẫn đó. "Mẹ tôi đã phung phí tiền bạc làm sao. Bà ấy chỉ là không biết cách nào tốt hơn. Và giờ đây chúng tôi sống trong nỗi tiếc nuối, mỗi ngày", anh nói.
Thuận An (theo theglobeandmail)