Việt Nam có khoảng 30 công ty quản lý nợ và khai thác tài sản thuộc các ngân hàng thương mại (AMC) đăng ký hoạt động. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 4 AMC thực sự vận hành gồm AMC của ACB, Techcombank, VPBank và MB, theo báo cáo của Bộ Tài chính gửi Thủ tướng về thị trường mua bán nợ.
Phần lớn hoạt động của các AMC hiện nay chỉ gồm thanh lý tài sản gán nợ, quản lý tài sản cầm cố, thu hồi nợ cho ngân hàng mẹ... Các AMC cũng có mua bán nợ với các ngân hàng khác nhưng không nhiều, việc mua nợ từ các tổ chức, cá nhân khác gần như chưa được thực hiện.
Theo Bộ Tài chính, hầu hết AMC của các ngân hàng được thành lập với mục đích để xử lý nợ xấu của các ngân hàng mẹ, ít tham gia vào thị trường mua bán nợ hoặc có tham gia thì mục đích cũng chỉ giúp các ngân hàng mẹ hoán đổi nợ xấu cho nhau. Do đó, các khoản nợ xấu vẫn tồn tại trong nội bộ ngân hàng mà chưa được loại bỏ hoàn toàn ra khỏi báo cáo tài chính hợp nhất, nợ xấu thực chất vẫn chưa được xử lý.
Ngoài ra, do nguồn nhân lực còn thiếu và chưa có nhiều kinh nghiệm, cũng như hạn chế về nguồn vốn nên hoạt động của các AMC này chưa thực sự hiệu quả.
Hiện nay, hoạt động mua bán nợ trên thị trường chủ yếu tập trung vào công ty mua bán nợ Việt Nam (DATC) và Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC). Trong khi DATC hỗ trợ quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, VAMC hỗ trợ trực tiếp cho việc xử lý nợ xấu của các ngân hàng.
Với VAMC, thu hồi nợ chủ yếu qua hình thức uỷ quyền cho ngân hàng thực hiện. Việc mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt của VAMC chỉ là chuyển nợ tạm thời từ ngân hàng sang công ty này, vì vậy chưa phải là giải pháp căn bản và ổn định lâu dài.
"Bên cạnh đó, VAMC chưa thể xử lý nhanh nợ xấu theo cơ chế thị trường do thiếu pháp lý hay tổ chức xếp hạng tín nhiệm, nhà đầu tư chuyên nghiệp, nguồn lực tài chính cũng hạn chế", Bộ Tài chính đánh giá.
Theo Bộ Tài chính, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC xử lý và các khoản tiềm ẩn thành nợ xấu của hệ thống ngân hàng so với tổng dư nợ cho vay và đầu tư cuối 2019 là 4,43%, giảm so với mức 5,85% cuối năm 2018.
Để phát triển hoạt động mua, bán nợ, Bộ Tài chính nêu ra ba nhiệm vụ trọng tâm trước mắt gồm: thúc đẩy phát triển các tổ chức mua bán nợ, sửa đổi Luật dân sự phù hợp với vấn đề xử lý quyền thu giữ tài sản đảm bảo, cũng như nghiên cứu khả năng chứng khoán hoá nợ xấu.
Quỳnh Trang