Đơn cử, tỉnh ứng dụng nền tảng WebGIS để xây dựng hệ thống thông tin nông nghiệp trực tuyến dưới dạng mã nguồn mở. Ứng dụng giúp cập nhật, truy xuất nguồn gốc nhanh chóng, dự đoán tình hình sinh vật gây hại trên cây trồng, tạo bản đồ phân tích dịch hại để hạn chế thiệt hại do sâu bệnh gây ra trong sản xuất nông nghiệp. Từ đó giúp cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt, nâng cao năng suất, tạo được vùng nguyên liệu chất lượng và ổn định.
Trước đó, ngành Nông nghiệp tỉnh đã xây dựng và đưa vào vận hành sàn giao dịch và truy xuất nguồn gốc Nông sản Hậu Giang. Đến nay đã có hơn 2.571 tổ chức và cá nhân đăng ký sử dụng, có trên 350 nông sản, sản phẩm của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh tham gia trên sàn giao dịch để quảng bá sản phẩm, giải quyết vấn đề truy xuất nguồn gốc nông sản, tăng cơ hội tiếp cận với doanh nghiệp và góp phần giải quyết đầu ra nông sản của nông dân.
Tỉnh đồng thời ban hành kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử và thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn nhằm hỗ trợ đưa các hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã, tổ hợp tác tham gia các sàn thương mại điện tử nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ.
Đạt được những kết quả trên, theo đại diện tỉnh là bước khởi đầu đáng ghi nhận. Tuy nhiên việc chuyển đổi số trong nông nghiệp vẫn chưa nhiều, việc thích ứng với kinh tế số còn nhiều khó khăn do chưa có hệ thống nền tảng số đồng bộ, thiếu cơ sở dữ liệu cho sản xuất, kết nối chia sẻ thông tin của tất cả các khâu sản xuất, quản lý, thương mại nông sản.
"Phần lớn doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân chưa thấy được vai trò, sự cần thiết phải ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, kinh doanh nên chưa mạnh dạn đầu tư. Hệ thống dữ liệu của ngành chưa có hoặc chưa đáp ứng yêu cầu kết nối, liên thông, tích hợp. Trình độ nông dân Hậu Giang chưa cao và chưa được đào tạo bài bản về chuyển đổi số", đại diện lãnh đạo tỉnh cho biết.
Để chuyển đổi số ngành nông nghiệp có thể đến với mọi người, mọi nhà, thời gian tới, tỉnh dự kiến đưa ra nhiều chính sách định hướng chuyển đổi số nông nghiệp thành công.
Cụ thể, thông qua các phương tiện truyền thông để đẩy mạnh công tác tuyền truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ các cấp, các ngành, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ nông dân, để từ đó truyền cảm hứng về chương trình, định hướng kế hoạch chuyển đổi số ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang.
Công chức viên chức ngành nông nghiệp hướng dẫn người dân sử dụng các app, phần mềm của tỉnh của ngành; tăng cường tương tác với người dân, doanh nghiệp sử dụng công nghệ số (thiết bị di động, các mạng xã hội, các kênh thông tin phi truyền thống khác).
Xây dựng cơ bản bản đồ số hóa cơ sở dữ liệu thông tin ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; xây dựng một số mô hình nông nghiệp thông minh trên lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi.
Hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn giao dịch điện tử. Bên cạnh đó là xây dựng các thiết bị thông minh như nâng cấp các trạm đo chất lượng nguồn nước; lắp đặt bẫy đèn thông minh; hệ thống camera giám sát an toàn thực phẩm...
Thế Đan (Ảnh: TTKN&DVNN Hậu Giang)