Ngày 1/11, tại Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Hậu Giang lần thứ IV năm 2024, ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, cùng với sự phát triển chung của tỉnh, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng nâng lên. Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 là hơn 80 triệu đồng, tăng 32 triệu đồng so với năm 2019 (năm 2019 đạt 47,99 triệu đồng).
Hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số cuối năm 2023 còn 948 hộ chiếm tỷ lệ hơn 10,7%, đã giảm 667 hộ nghèo dân tộc thiểu số, tương ứng giảm tỷ lệ hộ nghèo là 8,07%, bình quân giảm 1,6% một năm kể từ năm 2019.
Các năm qua, tỉnh liên tục tăng trưởng kinh tế đánh dấu sự phát triển trong 20 năm thành lập tỉnh. Tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm (tính từ năm 2019 đến năm 2023) là 8,06%, từ đầu năm đến nay đạt 7,83%, đứng thứ hai vùng đồng bằng sông Cửu Long, xếp trong nhóm các tỉnh tăng trưởng cao của cả nước.
Đặc biệt, hưởng ứng phong trào "Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau", tỉnh đã xây dựng và sửa chữa trên 4.534 căn nhà đại đoàn kết với kinh phí hơn 1.300 tỷ đồng. Công tác chăm lo cho hộ nghèo, hộ cận nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số hàng năm vào dịp Tết luôn được tỉnh quan tâm và triển khai thực hiện với tinh thần thiết thực, ý nghĩa.
Ông Trương Cảnh Tuyên cũng cho biết, để đạt kết quả trên, những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh đã triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc và chính sách dân tộc, nhất là các chương trình mục tiêu quốc gia. Trong đó, trọng tâm là chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số; chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; chính sách về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc...
Tỉnh đồng thời quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, tạo việc làm và điều kiện thuận lợi cho đồng bào các dân tộc thiểu số yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Giai đoạn 2024 - 2029 tỉnh đề ra các nhiệm vụ trọng tâm gồm:
Thứ nhất, tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội về công tác dân tộc; phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của người có uy tín trong cộng đồng; tạo điều kiện cho người có uy tín tham gia góp ý xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Thứ hai, triển khai có hiệu quả các chương trình, chính sách đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
Thứ ba, tăng cường đổi mới trong tiếp cận thông tin, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, đẩy nhanh việc sử dụng số hóa trên tất cả các lĩnh vực. Quan tâm bảo tồn và phát triển giá trị văn hoá tốt đẹp, các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch để phát huy những tiềm năng, lợi thế của tỉnh.
Thế Đan