4 loại nông sản đặc trưng, tiềm năng gắn với phát triển du lịch là khóm, mãng cầu xiêm, mít ruột đỏ, cá dày và các nông sản có giá trị cao khác. Theo ông Trần Chí Hùng - Giám đốc Sở Nông Nghiệp tỉnh Hậu Giang, đây là cơ sở để tỉnh kêu gọi đầu tư phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực, cũng như xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung có quy mô phù hợp với từng loại hình sản xuất và điều kiện của từng địa phương trong tỉnh.
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cũng được tỉnh chú trọng và nhân rộng, đến nay toàn tỉnh đã công nhận 105 sản phẩm OCOP (trong đó 48 sản phẩm 4 sao; 57 sản phẩm 3 sao), có 2 sản phẩm thăng hạng từ 4 sao lên đủ điều kiện dự thi sản phẩm OCOP 5 sao của Trung ương.
Để tạo bàn đạp và giúp cho lĩnh vực nông nghiệp phát triển, tỉnh đang triển khai Đề án phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) thuộc nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới; dự án hỗ trợ, cung cấp nước sạch cho nhân dân vùng hạn hán, xâm nhập mặn; dự án xây dựng mô hình thủy lợi, tưới tiêu tiên tiến, tiết kiệm nước, áp dụng công nghệ 4.0 trong phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn huyện Châu Thành...
Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với diện tích 5.200 ha cũng đang tiếp tục được đầu tư xây dựng, hiện thu hút 4 nhà đầu tư thực hiện các dự án về sản xuất, chế biến nông sản, thủy sản và phân vi sinh; đầu tư xây dựng các mô hình ứng dụng công nghệ cao với tổng vi mô 310 ha và tổng mức đầu tư là 332 tỷ đồng.
Song song với việc đưa ra các dự án cần thu hút đầu tư vào nông nghiệp thì tỉnh cũng đề ra những chính sách đi kèm. Đơn cử, các dự án đầu tư sẽ được hưởng mức ưu đãi cao nhất theo chính sách của tỉnh, như miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuê mặt nước; ưu đãi về thuế; hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao; hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ; hỗ trợ 100% chi phí lập dự án đầu tư nhưng không quá 500 triệu đồng một dự án; hỗ trợ thực hiện hoạt động xúc tiến đầu tư như tổ chức hội nghị, hội thảo...
Ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cho hay, trong giai đoạn 2021-2025, phải đưa nông nghiệp của tỉnh ngang tầm với các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long và nâng cao đời sống của nông dân. Do đó, ngành nông nghiệp cần tập trung nghiên cứu các loại sản phẩm chế biến từ nông sản mới, đa dạng và đẩy mạnh nghiên cứu phát triển nông nghiệp tuần hoàn nhằm tăng hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp, cũng như phát triển các hợp tác xã có sản phẩm đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu.
Ngoài ra, cần tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, tranh thủ mọi nguồn lực sẵn có để đẩy mạnh phát triển kinh tế hợp tác. Đặc biệt là cần thu hút doanh nghiệp "đầu tàu" có đủ năng lực về vốn, khoa học công nghệ và thị trường nhằm dẫn dắt chuỗi giá trị hiệu quả để phát triển các cụm liên kết sản xuất - chế biến và tiêu thụ tại các địa phương, nhất là doanh nghiệp chế biến rau quả.
Hậu Giang nằm ở trung tâm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, kế cận thành phố Cần Thơ, nên thuận lợi trong giao lưu, mở rộng kinh tế, nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật trong phát triển nông nghiệp. Mặt khác, với vị trí trung tâm của tiểu vùng Tây Nam sông Hậu và tiểu vùng Bắc bán đảo Cà Mau, nằm giữa Tứ giác tăng trưởng Cần Thơ - Cà Mau - Kiên Giang - An Giang, tỉnh Hậu Giang sẽ có vai trò trung tâm trong giao lưu kinh tế và có ý nghĩa quyết định trong việc thu hút đầu tư trong, ngoài nước.
Thế Đan