Thông điệp này được lãnh đạo tỉnh Hậu Giang khẳng định tại hội nghị xúc tiến đầu tư vào địa phương ngày 16/7. Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo nhiều bộ ngành Trung ương, các tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long, lãnh đạo các tổ chức quốc tế cùng hơn 500 doanh doanh nghiệp trong và ngoài nước đến dự.
Tại hội nghị lần này, Hậu Giang kêu gọi thu hút đầu tư 79 dự án, với tổng diện tích gần 30.000 ha, tổng mức vốn trên 38.200 tỷ đồng. Trong đó, trọng tâm thu hút đầu tư vào bốn lĩnh vực "trụ cột" là: Công nghiệp hiện đại; Nông nghiệp sinh thái; Đô thị thông minh và Du lịch chất lượng.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh cho biết, năm 2022, địa phương chọn là năm doanh nghiệp với quan điểm "Doanh nghiệp đến, Hậu Giang vui". Theo vị chủ tịch, điều này thể hiện khát vọng mới, sự cầu thị, sự cam kết mạnh mẽ và đồng hành của chính quyền trong việc mời gọi cộng đồng doanh nghiệp đến với Hậu Giang. Hiện tại, tỉnh đã hội tụ đầy đủ các điều kiện về thiên thời - địa lợi - nhân hòa. Đây là thời điểm tốt nhất để Hậu Giang cất cánh, lãnh đạo tỉnh khẳng định.
"Với phương châm đổi mới, đột phá, quyết tâm và khát vọng, chúng tôi cam kết sẽ luôn sát cánh, đồng hành và chia sẻ cùng nhà đầu tư trong suốt quá trình triển khai dự án, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả cao nhất tại tỉnh Hậu Giang", người đứng đầu chính quyền tỉnh Hậu Giang nhấn mạnh.
Tại hội nghị, UBND tỉnh Hậu Giang đã trao chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 12 dự án trên địa bàn tỉnh, với tổng mức đầu tư 19.000 tỷ đồng. Trong đó có nhiều dự án lớn, như Dự án Trung tâm công nghiệp thực phẩm Miền Tây (3.500 tỷ đồng); Dự án Khu dân cư thương mại Vị Thanh (5.649 tỷ đồng); Dự án Nhà máy chế biến gạo chất lượng cao Vì Dân (1.134 tỷ đồng); Dự án Khu đô thị mới khu vực 4, phường V, thành phố Vị Thanh (2.700 tỷ đồng); Dự án Khu đô thị mới phường V, thành phố Vị Thanh và ấp 7, xã Vị Trung, huyện Vị Thủy (2.000 tỷ đồng); Dự án Khu đô thị mới Ngã Bảy 3 (1.119 tỷ đồng); Dự án Khu nhà ở xã hội tại ấp Mái Dầm, xã Đại Thành, thành phố Ngã Bảy (1.042 tỷ đồng)...
Bên cạnh đó, hội nghị cũng chứng kiến lễ ký kết 8 biên bản ghi nhớ giữa UBND tỉnh Hậu Giang với các nhà đầu tư, với tổng giá trị 204.649 tỷ đồng. Trong đó, Công ty Cổ phần Him Lam đầu tư lĩnh vực hạ tầng giao thông, đô thị, du lịch với tổng vốn dự kiến khoảng 6,2 tỷ USD (tương đương khoảng 142.600 tỷ đồng).
Công ty Cổ phần Tập đoàn SHINEC đầu tư xây dựng các dự án trong lĩnh vực hạ tầng công nghiệp và đô thị với diện tích 243ha, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 9.000 tỷ đồng.
Công ty Cổ phần Tập đoàn Alphanam đầu tư xây dựng các dự án trong lĩnh vực nông nghiệp, đô thị, du lịch với tổng vốn dự kiến khoảng 10.000 tỷ đồng.
Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc đầu tư xây dựng các dự án trong lĩnh vực hạ tầng công nghiệp với diện tích 425ha, tổng mức đầu tư 10.000 tỷ đồng.
Công ty Cổ phần FPT đầu tư các lĩnh vực chuyển đổi số và giáo dục và đô thị với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 10.000 tỷ đồng.
Tập đoàn Sao Mai đầu tư xây dựng các dự án trong lĩnh vực điện gió, điện mặt trời, đô thị với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 30.000 tỷ đồng...
Ngoài ra, Ngân hàng Vietcombank ký kết hỗ trợ vay vốn với hạn mức 10.000 tỷ đồng cho các DN đầu tư trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.
Cũng tại hội nghị, có 5 DN nhà nước lớn là các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng đã dành những gói tài trợ đặc biệt với số tiền 28 tỷ đồng để xây dựng 6 trường học và các phần quà cho các gia đình có công, nhân dịp kỷ niệm Ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7).
Thủ tướng chính phủ cùng các đại biểu xác định Hậu Giang có ba lợi thế lớn để thu hút đầu tư. Đầu tiên, tỉnh là điểm giao nhau của ba tuyến cao tốc sắp hình thành: Cần Thơ – Cà Mau; Châu Đốc – Cần Thơ – Hậu Giang và Hà Tiên – Rạch Giá – Bạc Liêu. Hồi tháng 4, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó xác định "Phát triển các trung tâm đầu mối về nông nghiệp gần với vùng chuyên canh, kết nối với các đô thị gồm: Trung tâm đầu mối tổng hợp ở Thành phố Cần Thơ gắn với phát triển dịch vụ logisics ở Hậu Giang"
Hai là tiềm năng khác biệt: Khi các tuyến đường cao tốc được hình thành thì Hậu Giang nằm ở vị trí trung tâm của các tỉnh Nam sông Hậu và là cửa ngõ kết nối giữa các tỉnh nam sông Hậu với phần còn lại của đồng bằng sông Cửu Long và các vùng kinh tế khác của cả nước. Điều này sẽ mở ra rất nhiều cơ hội cho Hậu Giang, đặc biệt liên quan đến phát triển công nghiệp, đô thị và logistics.
Thứ ba là lợi thế cạnh tranh từ chính sách thu hút và ưu đãi đầu tư tốt nhất. Về lợi thế cơ cấu dân số vàng cùng hệ thống cơ sở đào tạo hiện có, Hậu Giang có thể đáp ứng nguồn nhân lực theo yêu cầu của doanh nghiệp.
Ông Han Jae Jin, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam nhận định Đồng bằng sông Cửu Long là nơi sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ dự án xây dựng cơ sở hạ tầng đã đang và sắp triển khai. Theo ông, tỉnh Hậu Giang sẽ là trung tâm của cơ sở hạ tầng hậu cần của vùng.
Với cơ sở hạ tầng giao thông, cơ cấu nhân lực, những nỗ lực cải cách hành chính, Hậu Giang sẽ thu hút được nhiều nguồn vốn đầu tư và đạt được sự tăng trưởng kinh tế vượt trội thông qua kết hợp nông nghiệp công nghệ cao và sản xuất.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh Hậu Giang cần phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương liên quan tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh. Trọng tâm là tạo đột phá trong cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục, xây dựng Chính quyền điện tử, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bình đẳng, thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư; kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi, từ tìm hiểu, lập dự án đầu tư đến cả quá trình sản xuất kinh doanh. Thủ tướng cũng đề nghị tỉnh tập trung làm tốt nhiệm vụ giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch cho nhà đầu tư, thực hiện chặt chẽ các quy định về bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, Thủ tướng lưu ý tỉnh cần chú trọng việc đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, đảm bảo đồng bộ, hiện đại. Trong đó ưu tiên đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông có ý nghĩa chiến lược, kết nối tỉnh Hậu Giang với các tỉnh, thành phố trong nước và quốc tế...
Người đứng đầu chính phủ cũng đề nghị các doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện đúng cam kết, thực hiện tốt văn hóa doanh nhân, nói không với tiêu cực, có chiến lược kinh doanh lâu dài, lành mạnh, bền vững tại địa phương.
Tỉnh Hậu Giang đạt mục tiêu nhiệm kỳ 2020-2025 là có độ tăng trưởng kinh tế bình quân 6,5 đến 7% mỗi năm; thu nhập bình quân đầu người 77 đến 80 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 1% mỗi năm; chỉ số cải cách hành chính nằm trong nhóm 30 tỉnh dẫn đầu...
Hậu Giang rộng hơn 1.600 km2, dân số hơn 733.000 người, xếp thứ 54 cả nước. Tỉnh này được thành lập năm 2004 do tách ra từ tỉnh Cần Thơ cũ. Đây là một trong những trung tâm lúa gạo ở miền Tây.
Tuấn Vũ