Thứ tư, 18/9/2024
Thứ năm, 18/2/2016, 05:05 (GMT+7)

Hậu duệ cây Bồ Đề thiêng của Phật tổ trồng ở Vũng Tàu

Trong khuôn viên Thích Ca Phật Đài (Vũng Tàu) trồng cây Bồ Đề có gốc từ cây mà Đức Phật ngồi thiền và giác ngộ.

Nằm trên sườn phía bắc của núi Lớn (còn gọi là núi Tương Kỳ), Thích Ca Phật Đài là một quần thể kiến trúc Phật giáo nổi tiếng tọa lạc tại số 608 đường Trần Phú, phường 5, thành phố Vũng Tàu. Nơi đây được giáo hội Tăng Già Nguyên Thủy Việt Nam đánh giá là vùng đất đắc địa tụ kết khí thiêng, có khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp, lại thuận tiện giao thông đi lại cho chư tăng, Phật tử thập phương hành hương. Sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc tôn giáo và phong cảnh thiên nhiên đã tạo nên sức hấp dẫn cho Thích Ca Phật Đài.

Trong khuôn viên có một cây Bồ Đề do Đại đức Narada Mahathera (Sri Lanka) trồng vào năm 1960, khi ngài đến viếng Thiền Lâm Tự. Dưới gốc Bồ Đề có một tấm bia với nội dung: "Cội Bồ Đề này là con cháu của cội Bồ Đề Sri Maha Bodhi (Bồ Đề Đạo Tràng, Ấn Độ). Từ chính cội cây thiêng liêng ấy, một nhánh chiết được đưa về trồng ở cố đô Anuradhapura, Sri Lanka. Đại đức Narada Mahathera đã cung thỉnh một cây con từ gốc này đến trồng tại đây ngày 2/11/1960. Ảnh: wikimedia

Toàn bộ kiến trúc Thích Ca Phật Đài xây dựng theo hình bán nguyệt, có kết cấu 3 tầng hình tháp, tầng thấp nhất cao 3 m, tầng trên cùng cao 29 m. Tầng 1 là cổng tam quan và khu vườn hoa, tầng 2 là khu nhà ở và nhà trưng bày truyền thống, tầng 3 là chùa Thiền Lâm và khu Phật tích.

Công trình thờ tự chính trong quần thể Thích Ca Phật Đài là Thiền Lâm Tự, ngôi chùa nhỏ được xây dựng từ thập niên 1950.

Chính điện của Thiền Lâm Tự bài trí đơn giản nhưng vẫn toát lên vẻ trang nghiêm. Ở án thờ chính giữa là tượng Đức Phật Thích Ca tọa thiền (cao 1,2 m), một tượng đức Phật Thích Ca nhỏ phía trước. Hai bên thờ hai tượng Đức Phật Thích Ca trì bình khất thực (cao 1,2 m). Có sách viết rằng hai pho tượng hai bên là A Nan và Ca Diếp (hai đại đệ tử của Đức Phật), nhưng chư tăng của hệ phái phật giáo Nam Tông cho biết đó cũng là tượng Đức Phật Thích Ca.

Điểm nhấn là tượng Đức Phật thành đạo cao là 11,6 m. Tượng được thi công tại chỗ, riêng phần đầu được đặt đúc tại Sài Gòn. Bên trong tượng có đặt ba viên xá lợi Phật.

Một kiến trúc nổi bật khác tại đây là bảo tháp xá lợi Phật hình bát giác cao 17 m, trên có búp sen, bên trong đặt 13 viên xá lợi Phật đựng trong chiếc hộp bằng vàng. Lối lên bảo tháp đắp hình rồng, hai bên có đôi sư tử chầu. Ảnh: wikimedia.

Trong quần thể tượng Phật ở nơi đây còn có tượng Phật nhập Niết bàn cao 2,4 m (tính từ vai xuống), dài 12,2 m, đặt trên một bệ xi măng cao 4,2 m. Phía trước có bốn tượng Tỳ kheo chấp tay cung kính. Phía sau có năm tượng Tỳ kheo ngồi chắp tay hướng về Đức Phật.

Nhà bát giác là một công trình mang kiến trúc thanh thoát, có tượng Đức Phật ngồi trên toà sen trên đỉnh. Bên trong nhà bát giác có một bàn thờ với tượng năm anh em đại sỹ Kiều Trần Như nghe thuyết pháp tại vườn Lộc Uyển.

Tuấn Quyền

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net