China Railway Express Co, chi nhánh chuyển phát nhanh của Tập đoàn Đường sắt quốc gia Trung Quốc đã triển khai dịch vụ chuyển phát nhanh đảm bảo bưu kiện có thể được vận chuyển giữa các thành phố lớn của nước này và giao hàng tận nơi chỉ trong bốn giờ. Theo thông cáo báo chí gần đây của công ty, trong khoảng 20 ngày, tổng cộng 1.350 tàu cao tốc có sức chở hàng hóa sẽ được sử dụng để vận chuyển hàng hóa thương mại điện tử.
JD.com, một "ông lớn" của thương mại điện tử ở Trung Quốc, cho biết, việc nâng cấp tự động hóa tại một trung tâm phân phối ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, miền Đông Trung Quốc đã cải thiện hiệu quả phân phối bưu kiện chuyển phát nhanh lên gấp 5 lần so với lao động chân tay. Điều này góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành.
Theo Cục Bưu điện Nhà nước, ngày 23/10, khối lượng chuyển phát của ngành chuyển phát nhanh Trung Quốc đã vượt 100 tỷ bưu kiện, sớm hơn 39 ngày so với năm 2022.
Xu Yong, cán bộ Hiệp hội Vận tải và Truyền thông Trung Quốc cho biết: "Cải thiện cơ sở hạ tầng toàn ngành, thúc đẩy số hóa, tự động hóa và công nghệ không người lái đã giảm đáng kể chi phí, nâng cao hiệu quả và giúp các công ty chuyển phát nhanh của Trung Quốc quản lý dễ dàng hơn, qua đó, củng cố vị trí lĩnh vực hậu cần tiết kiệm chi phí nhất thế giới".
Vị này cũng tiết lộ, công nghệ cao đã giảm bớt đáng kể gánh nặng của nhân viên tại các trung tâm phân phối và tự động hóa đã giảm tỷ lệ sai sót trong quá trình phân loại trung bình 10 lần so với lao động thủ công.
Trong khi đó, Cainiao Smart Logistics của Alibaba sẽ tổ chức buổi phát sóng trực tiếp đầu tiên trên thế giới về các luồng hàng hóa xuyên biên giới. Khu hậu cần xuyên biên giới hàng đầu của công ty, trung tâm vận chuyển hàng hóa hàng không tự động và dây chuyền lắp ráp thông minh đều sẽ xuất hiện trong chương trình phát sóng kéo dài 48 giờ, nhằm thỏa mãn sự tò mò của người xem về lộ trình mà một bưu kiện sẽ đi khi ra nước ngoài. Ngoài ra, doanh nghiệp này cho biết sẽ khai thác hơn 210 chuyến bay chở hàng quốc tế mỗi tuần trong đợt bán hàng 11/11.
Theo Tân Hoa Xã, năm 2022, thị trường hậu cần thông minh của Trung Quốc đạt tổng trị giá 700 tỷ nhân dân tệ (95,64 tỷ USD), với tốc độ tăng trưởng hàng năm là 13,1% trong 5 năm qua.
Tuệ Anh (theo Global Times)