Cơn mưa dai dẳng suốt buổi sáng bỗng ngưng lại như một duyên lành cho buổi lễ giỗ tổ nghề hát xẩm do các nghệ sĩ thuộc nhóm Xẩm Hà Thành tổ chức tại đình làng Kim Liên (Đống Đa, Hà Nội) chiều 22/3. Ngày giỗ năm nay cũng là tròn một năm nghệ nhân xẩm Hà Thị Cầu qua đời. Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên cùng các nghệ sĩ dâng hương lên điện thờ Cao Sơn Đại Vương trong đình Kim Liên - một trong tứ trấn của kinh thành Thăng Long xưa. Như một thông lệ, lễ giỗ tổ nghề không thể thiếu những tiết mục hát xẩm. Sau phần nghi lễ, nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa, người 20 năm theo học nghệ nhân Hà Thị Cầu, cùng các nam nghệ sĩ đã cất tiếng hát để tri ân tổ nghề. Những tiết mục hát xẩm của các nghệ sĩ trẻ cũng là để tưởng nhớ nghệ nhân Hà Thị Cầu, người đã truyền nghề hát xẩm cho rất nhiều giọng ca hậu thế. Trải qua bao năm tháng, nghề hát xẩm vẫn còn nguyên tính dân diã với những nhạc cụ đơn sơ như đàn nhị, sênh, phách (ảnh)... Anh Hoan, Chủ tịch Hội Người mù Hà Nội, trình bày một bài hát xẩm thể hiện sự lạc quan của người khiếm thị. Tiết mục gợi lại hình ảnh những người mù hát xẩm trên tàu điện Hà Nội. Khiếm thị hoàn toàn, anh Hoan nhiều năm nay vẫn chăm chỉ học và tham gia trình diễn xẩm. Gần 100 tuổi, giáo sư Vũ Khiêu vẫn chống gậy tới dự lễ giỗ tổ nghề hát xẩm và chia sẻ vể tình yêu của ông với bộ môn nghệ thuật dân gian này. Khán giả đủ mọi lứa tuổi chăm chú lắng nghe từng tiết mục, từng bài xẩm đã in sâu trong tâm trí của nhiều người Hà Nội. Đình Kim Liên từng là điểm đầu của một tuyến tàu điện xưa kia - nơi không bao giờ vắng bóng những gánh xẩm kiếm sống qua ngày. Quý Đoàn