Đây là kết quả nghiên cứu do các chuyên gia ĐH California, San Francisco (UCSF) thực hiện, công bố trên tạp chí Khoa học & Công nghệ Môi trường ngày 18/12. Sau khi xem xét 3.000 công trình độc lập khác, các chuyên gia kết luận hạt vi nhựa có thể là thủ phạm tiềm ẩn gây hại cho sức khỏe sinh sản, tiêu hóa và hô hấp. Các hạt nhựa lơ lửng trong không khí cũng liên quan đến bệnh ung thư ruột kết và phổi.
"Hạt vi nhựa về cơ bản là ô nhiễm không khí dạng hạt - một loại ô nhiễm gây tổn hại cho sức khỏe", giáo sư Tracey J. Woodruff, chuyên ngành sản phụ khoa tại UCSF, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết.
Theo nhóm nghiên cứu, lốp xe bị mài mòn trên đường do ma sát là nguồn vi nhựa gây ô nhiễm đáng kể trong không khí. Con người hít và nuốt phải những mảnh nhựa này có thể tổn hại sức khỏe. Một nghiên cứu ước tính, người Mỹ tiêu thụ 39.000 đến 52.000 hạt vi nhựa mỗi năm. Hạt vi nhựa được phát hiện trong nhau thai, phổi, gan, nước tiểu, sữa mẹ và máu người.
Nghiên cứu của các chuyên gia UCSF lần này tìm thấy bằng chứng rõ ràng hơn, rằng vi hạt nhựa ảnh hưởng đến chất lượng tinh trùng, sức khỏe tinh hoàn và làm suy yếu hệ thống miễn dịch. Họ báo cáo bằng chứng cho thấy hạt vi nhựa ảnh hưởng xấu đến nang buồng trứng, hormone sinh sản, ruột kết, ruột non và chức năng phổi.
Các công ty trên toàn thế giới tạo ra gần 460 triệu tấn nhựa mỗi năm, con số này dự kiến tăng lên 1,1 tỷ tấn vào năm 2050, theo báo cáo của nhóm nghiên cứu. Có hai loại vi hạt nhựa: vi hạt nhựa chính và vi hạt nhựa thứ cấp. Vi hạt nhựa chính phục vụ mục đích cụ thể, chẳng hạn như sản xuất mỹ phẩm để tẩy tế bào chết. Vi hạt nhựa thứ cấp hình thành khi các mảnh vụn nhựa lớn hơn bị phân hủy.
Từ lâu, các chuyên gia quan tâm đến nguy cơ phơi nhiễm vi nhựa thông qua mỹ phẩm, sản phẩm hàng ngày như kem đánh răng, hộp đựng thực phẩm và quần áo. Ngày càng nhiều bằng chứng cho thấy chúng có thể gây hại tế bào, viêm nhiễm và phá vỡ cân bằng vi khuẩn đường ruột.
Một công trình gần đây cho thấy tiếp xúc với vi nhựa qua nước uống trong 3 tuần gây ra thay đổi nhận thức trong não chuột.
Thục Linh (Theo NY Post)