Chiều 3/3, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh làm việc với lãnh đạo quận Sơn trà và Giám đốc Sở Nông nghiệp về vụ phá rừng ở tiểu khu 62, bán đảo Sơn Trà. Vụ việc bị phát giác bởi video đăng tải lên Facebook, ông Xuân Anh cho rằng cơ quan chức năng không phát hiện được là không thể chấp nhận.
Ông Xuân Anh yêu cầu Sở Nông nghiệp xem xét trách nhiệm và triển khai ngay các quyết định cách chức Hạt trưởng Trần Văn Thanh, Phó hạt trưởng Lê Phước Bảy, đồng thời thay toàn bộ kiểm lâm viên đang công tác tại Hạt kiểm lâm Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn.
Khoảng một tháng trước, ông Lê Viết Hồng nhận giao khoán rừng tại tiểu khu 62, nhưng chưa làm thủ tục xin phép phường Thọ Quang đã tự ý mở đường mòn dài khoảng 400 m, rộng 2 m, dựng một lán trại bằng mái tôn diện tích khoảng 30 m2 và phát dọn khoảng 1.000 m2 cây tại vùng đệm để trồng mới các loại cây ăn quả, sưa.
Trực tiếp đi kiểm tra, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Phùng Tấn Viết bức xúc khi chứng kiến nhiều diện tích rừng bị chặt hạ. "Những sai phạm tại khu vực rừng bị phá là quá rõ ràng và chính quyền địa phương quản lý quá hời hợt. Nhà anh, anh quản lý mà để người ta vào làm gì thì làm sao", ông Viết nói.
Liên quan đến vụ việc, Thường trực Thành ủy Đà Nẵng đã phê bình nghiêm khắc lãnh đạo Sở Nông nghiệp. Riêng ông Trần Văn Lương, Chi cục trưởng Kiểm lâm Đà Nẵng chờ xử lý trách nhiệm sau khi có kết luận của thanh tra thành phố. Còn ông Võ Đình Công, Chủ tịch UBND phường Thọ Quang, sẽ bị kiểm điểm, không xét thi đua trong năm 2016.
Hàng trăm 'nữ hoàng linh trưởng' mất không gian sống
Ông Trần Hữu Vỹ, Giám đốc Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet), cho biết cả ba khu vực rừng bị chặt ở Sơn Trà, gồm Tiên Sa, Suối Ôm và Hồ Sâu đều ảnh hưởng đến môi trường sống của voọc chà vá chân nâu. Đây là loài động vật được mệnh danh nữ hoàng linh trưởng, thuộc danh mục nhóm 1B ở mức nguy cấp trong sách đỏ Việt Nam và tổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới xếp vào danh sách loài động vật cần được bảo vệ vô điều kiện.
Chính thành viên của trung tâm đã quay clip và đăng tải lên Facebook, cũng như phản ánh đến các cơ quan chức năng. "Hiện có 13 gia đình voọc, tương đương với 13 đàn, với khoảng 130-135 cá thể sống quanh khu vực rừng bị chặt đã bỏ đi nơi khác trong bán đảo Sơn Trà", ông Vỹ nói và cho biết chính những cây bụi, dây leo là nguồn thức ăn của voọc. Thêm vào đó, việc chặt cây bụi ảnh hưởng đến cấu trúc tầng tán và vì thế voọc không thể chuyền cành, không ở được nữa.
Chưa có kết quả nghiên cứu về sự xung đột của các đàn voọc khi chuyển đến nơi ở mới, nhưng về lý thuyết khi các cá thể này di chuyển sẽ có những rủi ro về không gian sống, nguồn thức ăn. "Ở Sơn Trà, mỗi gia đình voọc sống trong vòng bán kính một km2. Khi di chuyển đến nơi khác, chúng tôi lo ngại ngoài việc xung đột về địa bàn sống với những đàn voọc khác, những cá thể này có nguy cơ bị dính bẫy cũ hoặc bẫy mới đặt trong rừng", ông Vỹ cho hay.
Giám đốc GreenViet khuyến cáo, khu vực rừng bị phá là vùng đệm của Sơn Trà nhưng tuyệt đối không được xem nhẹ. Nếu thành phố quản lý tốt vùng đệm thì sẽ hạn chế được những tác động đến vùng lõi của khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia, nơi có đa dạng sinh học và là môi trường sống của nhiều loại động vật quý hiếm.
Nguyễn Đông