Ngày 15/8, bác sĩ Nguyễn Khắc Điệp, khoa Phẫu thuật tiêu hóa, Bệnh viện E, cho biết khi nhập viện, bụng bệnh nhân chướng đau, không thể đi vệ sinh, kết quả chụp chiếu phát hiện dị vật đâm thủng ruột non. Bệnh nhân từng mổ van hai lá sinh học, tạo hình van ba lá và đang sử dụng thuốc chống đông máu. Các bác sĩ hội chẩn, quyết định cho bệnh nhân dừng hoàn toàn thuốc chống đông, truyền máu nhằm làm tăng khả năng đông máu trước khi phẫu thuật.
"Việc sử dụng thuốc điều trị cần 'cân đo đong đếm' để hạn chế tối đa những rủi ro, biến chứng", bác sĩ Điệp cho hay. Ê kíp phẫu thuật lấy được dị vật là hạt táo đỏ cứng chắc, nhọn hai đầu, dài hai cm, khỏi vị trí tổn thương ruột bệnh nhân. Các bác sĩ ghi nhận đầu nhọn cứng của hạt táo đỏ đã đâm thủng thành của quai ruột.
Theo bác sĩ, dị vật lớn, nhọn, to mảnh, bén như xương gà, vịt, cá... sẽ có khả năng đâm vào thực quản, cổ hay lồng ngực, hoặc rơi xuống dạ dày, đâm vào tá tràng, gây thủng dạ dày, nhiễm trùng, áp xe, viêm phúc mạc. Những trường hợp này nếu không can thiệp kịp thời có thể gặp biến chứng, nhất là với người cao tuổi hoặc người có bệnh mạn tính như tiểu đường, cao huyết áp, tim mạch.
Bác sĩ khuyến cáo khi ăn uống nên tránh đùa giỡn, la lối, vừa ăn vừa làm việc hoặc suy nghĩ đến chuyện khác để hạn chế mắc nghẹn, hóc xương. Nên ăn miếng nhỏ và gập cổ khi nuốt, không được ngửa cổ. Tránh dùng các thuốc an thần ngoài chỉ định của bác sĩ.
Trường hợp đau bụng bất thường hay âm ỉ kéo dài, nên đến cơ sở y tế kiểm tra để xử lý kịp thời.
Thùy An